Hải quân Nhật sẽ tập trận cùng với Mỹ và Ấn Độ ở vùng biển phía Bắc Philippines, ngay sát Biển Đông...Asia Sentinel ghi nhận sự xuất hiện mong muốn thành lập liên minh các nước trong khu vực.
Những diễn biến gần đây, trong đó có cả những tuyên bố hầu như thường nhật của các giới chức ngoại giao hay quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã làm sống lại khái niệm «Vòng cung Dân chủ », liên kết Nhật, Mỹ, Ấn, Úc, được Nhật Bản đề xướng cách đây 10 năm, nhưng sau đó đã bị chìm vào quên lãng.
Asia Sentinel ngày 15/3 đã ghi nhận sự xuất hiện trở lại của mong muốn thành lập liên minh các nước trong vùng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng thống trị vùng Biển Đông có giá trị chiến lược thiết yếu.
Thật ra, ý tưởng về một Vòng cung Dân chủ đã được đương kim thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất lần đầu tiên cách nay một chục năm nhân nhiệm kỳ thứ nhất (2006-2007) ngắn ngủi của ông. Về căn bản, đây sẽ là một kiểu liên minh dựa trên nền tảng các giá trị chung được chia sẻ giữa một số quốc gia, trải rộng từ Ấn Độ qua Úc, rồi vòng ngược lên Nhật Bản ở phía bắc.
Toàn bộ ba quốc gia trọng điểm của vòng cung này - Ấn Độ, Úc và Nhật Bản cùng với Mỹ ở bên kia Thái Bình Dương đều là các quốc gia chia sẻ nhiều giá trị và lợi ích chung. Chính vì thiếu vắng một nhận thức chung về một mối đe dọa cụ thể mà cựu thủ tướng Úc thuộc đảng Lao Động Kevin Rudd vào lúc ấy đã làm tiêu tan sáng kiến thiết lập Vòng cung Dân chủ của ông Abe. Ông Rudd sợ rằng điều đó sẽ tác hại đến quan hệ với Trung Quốc, và các thành viên trong Vòng cung bị Bắc Kinh xem là một nhóm quốc gia kết bè kết đảng với nhau để ngăn chặn đà trỗi dậy của Trung Quốc.
Nhật Bản dưới thời thủ tướng Abe như vậy đã gần như là nước duy nhất thiết tha với việc thành lập Vòng cung Dân chủ. Thế nhưng, sau khi ông Abe phải từ chức do sức khỏe yếu kém và nhiều nguyên nhân khác, ý tưởng về Vòng cung Dân chủ bị lơ là hẳn dưới thời người kế nhiệm ông Abe là cựu thủ tướng Yasuo Fukuda. Cả hai ông Fukuda và Kevin Rudd đều nổi tiếng là thân Trung Quốc.
Ngoài ra, vào thời điểm đó, hầu như không nước nào quan tâm đến việc tham gia vào một sáng kiến có vẻ như là nhằm mục tiêu «vây chặn» Trung Quốc. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình sau khi nhậm chức, thủ tướng Úc Kevin Rudd, một người nói thông thạo tiếng Quan Thoại đã đến Bắc Kinh và tẩy chay Tokyo. Bị Úc bỏ rơi và Nhật lơ là, Vòng cung Dân chủ có vẻ như trên đà khô héo và chìm vào quên lãng.
Thế nhưng, chỉ trong vòng một thập kỷ, cục diện đã đổi thay, và Vòng cung Dân chủ trong thời gian gần đây như đã được hồi sinh. Nỗi lo ngại trước những động thái mang tính chất bành trướng của Trung Quốc, nhất là tại Biển Đông, đã trở thành chất keo mới gắn bó những nước lớn trong vùng. Thái độ quyết đoán mới của Trung Quốc rõ ràng là chất xúc tác, giúp khôi phục lại khái niệm Vòng cung Dân chủ, cho dù không ai sử dụng tên gọi đó.
Thuật ngữ được ưa thích hiện nay là là Đối thoại An ninh Bốn bên (Quadrilateral Security Dialogue), bao hàm các vấn đề hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn, mua bán thiết bị quân sự và tập trận chung giữa Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ.
Từ nay đến cuối năm, có thể hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung gần Biển Đông, ngoài khơi Philippines. Bộ ba này đã cùng nhau diễn tập hải quân trên Ấn Độ Dương, nhưng chưa bao giờ kéo nhau vào khu vực Biển Đông.
Úc đã có một thay đổi lập trường đáng kể từ khi họ bác bỏ Vòng Cung Dân Chủ cách nay một thập niên vì sợ quan hệ buôn bán với Trung Quốc bị ảnh hưởng. Sách Trắng Quốc phòng 2016 của Úc vừa công bố đã cho rằng việc bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông là một mối đe dọa quan trọng, cũng đáng ngại như chủ nghĩa khủng bố.
Dưới thời thủ tướng bảo thủ Malcolm Turnbull hiện nay, Canberra đã lên án các hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc và đã gửi máy bay tuần tra trên khu vực Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời rất có thể tự mình tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng.
Cũng giống như Mỹ, Úc không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và không bênh vực bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên các đảo, đá, rạn san hô ở đấy. Thế nhưng Úc ủng hộ quan điểm của Mỹ, theo đó cần phải duy trì quyền tự do lưu thông cho mọi quốc gia trên tuyến đường thủy quan trọng này.
Như một sự trùng hợp kỳ lạ của lịch sử, ông Shinzo Abe, người đầu tiên đề xuất sáng kiến Vòng cung Dân chủ, lại trở lại làm thủ tướng Nhật. Cho dù trước mắt ông đã loại trừ việc tham gia các cuộc tuần tra trên Biển Đông, thủ tướng Abe đã nỗ lực thắt chặt các mối quan hệ quốc phòng với tất cả thành viên tiềm tàng trong Vòng cung, cũng như với nhiều quốc gia khác ở bên ngoài như Philippines chẳng hạn.
Tokyo đồng ý cho Philippines thuê phi cơ huấn luyện của Không quân Nhật để tăng cường năng lực giám sát trên vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền vào lúc cả bầy tàu hải cảnh và hải quân Trung Quốc liên tục quấy nhiễu ngư dân Philippines gần bãi san hô Hải Sâm, nằm giữa Vành Khăn và đảo Vĩnh Viễn ở quần đảo Trường Sa.
Ông Abe còn hy vọng đúc kết được thỏa thuận với Úc, khi Canberra quyết định ai sẽ cung cấp cho mình loại tàu ngầm thế hệ mới. Tokyo đã đề nghị bán cho Úc tàu lớp Soryu, thường được coi là tàu ngầm thông thường tốt nhất trên thế giới hiện nay.
Pháp và Đức cũng đấu thầu cung cấp tàu ngầm cho Úc, nhưng thua Nhật Bản ở chỗ không mang lại cho Úc một lợi thế chiến lược. Theo Hạm trưởng Mỹ hồi hưu James Fanell, nguyên là lãnh đạo tình báo của Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ, thì việc Nhật Bản đề nghị cung cấp tàu Soryu cho Úc là «bằng chứng cụ thể cho thấy Nhật Bản coi Úc là một đối tác an ninh quan trọng tương tự như Mỹ».