Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 10/3, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: «Nếu những hành động của Philippines là nhằm thách thức chủ quyền và lợi ích chiến lược của Trung Quốc, thì Trung Quốc kiên quyết chống lại».
Ông Hồng Lỗi còn yêu cầu Nhật Bản «nên phát ngôn và hành động thận trọng và không làm bất cứ gì gây phương hại hòa bình và ổn định khu vực», nhắc lại rằng Tokyo không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 9/3, tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa thông báo Manila sẽ thuê năm máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản để hỗ trợ cho hải quân Philippines tuần tra trên vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Tuần trước, Philippines và Nhật Bản vừa ký một hiệp định về việc chuyển giao các thiết bị và công nghệ quân sự. Tokyo phải ký một hiệp định như vậy để có thể xuất khẩu vũ khí và bảo đảm là những vũ khí này sẽ không được chuyển giao cho một bên thứ ba.
Philippines xem việc hiện đại hóa không quân và hải quân là ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh quân sự hóa vùng Biển Đông, với việc triển khai tên lửa và chiến đấu cơ phản lực trên các đảo tranh chấp.
Các đồng minh Mỹ và Hàn Quốc đã đề nghị giúp Philppines nâng cao khả năng chiến đấu của không quân. Tổng thống Aquino cho biết là trong năm nay, Philippines sẽ tiếp nhận hai phi cơ vận tải C-130 tân trang của Mỹ. Quân đội Philippines dự trù sẽ mua nhiều chiến đấu cơ đa năng, các dàn tên lửa đất đối không, máy bay không người lái…