Nâng cao năng lực số cho công nhân, người lao động Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Công nhân, người lao động, tổ chức công đoàn cần phát triển năng lực số, tập trung nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ vào quá trình sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp, dịch vụ.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh (thứ ba trái sang) cho rằng tổ chức công đoàn, lực lượng công nhân lao động đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Hà Nội..
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh (thứ ba trái sang) cho rằng tổ chức công đoàn, lực lượng công nhân lao động đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Hà Nội..

Trao đổi tại tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai” do Báo Lao động Thủ đô tổ chức ngày 26/9, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ - đặt vấn đề về việc nâng cao năng lực số cho công nhân, người lao động.

Nhắc lại đánh giá của Đại hội Đảng XIII rằng chưa bao giờ đất nước ta có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ bày tỏ suy nghĩ về kỷ nguyên phát triển của dân tộc sánh ngang với các cường quốc trên thế giới. Từ góc nhìn của một nhà quản lý, một cán bộ công đoàn, ông nhìn nhận tổ chức công đoàn, lực lượng công nhân lao động đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Hà Nội.

Tuy vậy, ông Dĩnh cũng thẳng thắn nêu khó khăn và thực tiễn cần bứt tốc để đạt được mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao mà Đảng đã đề ra.

“Trước hết phải tập trung vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ một cách mạnh mẽ vào quá trình sản xuất trong đó có công nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, với các mô hình năng suất cao, ứng dụng khoa học công nghệ, các sản phẩm công nghiệp chủ lực mang hàm lượng công nghệ cao.

Những điều này đòi hỏi lực lượng công nhân, người lao động, tổ chức công đoàn phải có sự phấn đấu lớn, tập trung vào nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và nhiều vấn đề khác”, ông Dĩnh bình luận.

dsc-083020240926091337.jpg
Toạ đàm hướng tới chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Là người từng nhiều năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, ông Dĩnh hiến kế về việc tạo động lực cho lực lượng công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn. Trong đó, cần có những chính sách quan tâm, chăm lo tới lực lượng công nhân, người lao động, giải quyết những vấn đề còn "ách tắc" trong thời gian vừa qua.

Trước hết, Nhà nước cần có các chính sách tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động. Hiện nay, tỉ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta còn thấp, tới đây phấn đấu người lao động đều phải qua đào tạo và đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động có thể ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao.

Thứ hai, thời gian qua mặc dù tiền lương đã được điều chỉnh hàng năm, nhưng hiện nay thu nhập của người lao động còn thấp. Ông đề nghị Nhà nước cần cho chính sách cải cách tiền lương mạnh mẽ hơn để nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động.

Thứ ba, cần quan tâm hơn về chế độ bảo hiểm xã hội, chính sách về tuổi nghỉ hưu, nhất là tuổi nghỉ hưu của lao động nữ làm những ngành nghề nặng nhọc. Cùng với đó là vấn đề nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động nhất là người ngoại tỉnh.

"Nhà nước phải hết sức quan tâm đến vấn đề nhà ở làm sao để ở đâu có khu công nghiệp thì đều phải có nhà ở cho người lao động và nhà ở phải gắn với các tiện ích, dịch vụ xã hội khác", ông Dĩnh nói thêm.

Hiện nay, TP. Hà Nội có trên 270.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng cơ bản, du lịch, dịch vụ; 10 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên 70 cụm công nghiệp, 2,7 triệu công nhân. Người lao động là lực lượng to lớn tạo ra nhiều giá trị của cải vật chất, tạo nên nền kinh tế của Hà Nội hết sức đặc sắc với cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ chiếm 88%. Kinh tế Hà Nội đóng góp trên 18% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa, 8,6% tỉ suất xuất nhập khẩu.

Công đoàn Hà Nội có gần 10.000 công đoàn cơ sở các loại hình, trên 710.000 đoàn viên công đoàn.