Nạn đói Ất Dậu: 2 triệu vong hồn cần một ngày giỗ

Một trong những điều thao thức lớn nhất của Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN là: “Họ (những nạn nhân) cần có một ngày giỗ và một bàn thờ”…
Nạn đói Ất Dậu: 2 triệu vong hồn cần một ngày giỗ

Trong giới quản lý, giới khoa học và ngay cả trong các nhân chứng của nạn đói năm 1945, giáo sư Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN được xem là người hiểu biết tường tận, sâu sắc và đầy đủ nhất về thảm họa này. Nhiều chục năm qua ông âm thầm theo đuổi, nghiên cứu và không ngừng lên tiếng thay cho những vong hồn xấu số, cho quá khứ của dân tộc. Một trong những điều thao thức lớn nhất của vị giáo sư già này là: “Họ (những nạn nhân) cần có một ngày giỗ và một bàn thờ”…

GS Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN
GS Văn Tạo, nguyên viện trưởng Viện Sử học VN

 Lịch sử loài người thường ghi nhớ những sự kiện tiêu cực, cụ thể: nước Áo từng bị nạn dịch hạch giết chết phân nửa dân số. Nay họ xây đài tưởng niệm nguy nga giữa một thành phố lớn. Công trình này như một trái núi khắc họa hình hài những nạn nhân, những con chuột - thủ phạm của thảm họa, những bác sĩ - người chiến đấu với thảm họa... rất sống động.

Người ta cũng cho dựng riêng tượng đài vị bác sĩ đã tìm ra văcxin chống dịch hạch này. Ở Nhật Bản, để ghi nhớ thảm họa bom nguyên tử, họ đã giữ lại nguyên trạng (sau khi bị đánh bom) cả một khu vực lớn giữa thành phố Hirosima, nơi chịu tàn phá lớn nhất, để làm tưởng niệm. Khu vực này, người Mỹ (ném bom) đề nghị đến xây dựng lại, nhưng Chính phủ Nhật không đồng ý. Họ muốn người Nhật và nhân loại ghi nhớ một cách sâu sắc nhất. Gần đây nhất là thảm họa ở Trung tâm thương mại New York, nay cũng được dựng đài tưởng niệm rất lớn. Mỗi sự kiện đều có ngày riêng để tưởng nhớ.

Nhân loại nói chung thường ghi nhớ những sự kiện bằng đài tưởng niệm và chọn một ngày trong năm để tưởng nhớ. Đến dịp đó người ta có thể thể hiện nhiều hình thức khác nhau để tưởng niệm như đặt vòng hoa, thắp hương, mittinh, tuần hành... Người Việt ta có truyền thống: dù cả năm lao động vẫn dành một ngày để nhớ người đã khuất gọi là ngày giỗ. Và mái nhà có thể bị dột nhưng nơi đặt bàn thờ người chết nhất định phải trang trọng tôn nghiêm. Với sự kiện này, theo tôi, ta nên xây một đài tưởng niệm tương xứng và chọn một ngày quốc giỗ.

Về nạn đói, thật ra từ nhiều chục năm trước chúng ta đã xây khu tưởng niệm tại nghĩa trang Hợp Thiện (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây chính là nấm mồ chung vùi lấp hàng vạn con người, là nơi đã diễn ra những tấn kịch bi thảm cuối cùng của nạn đói. Dưới mặt đất vẫn còn lưu giữ xương thịt đồng bào ta. Tuy nhiên lúc đó chiến tranh khốc liệt, người sống cũng đang đối mặt trước bao nguy nan nên công trình rất tạm bợ, nhỏ bé...

Việc xây dựng, từ năm 2001 tôi đã đề nghị ông chủ tịch UBND TP Hà Nội và được ông hứa nhưng không xây. Đến nay thì dân cư đã ở dày đặc. Có ý kiến đề nghị xây ở chợ Hàng Da vì nơi này đã có những người đói đầu tiên ngã xuống. Nhưng nay khuôn viên ở đây rất nhỏ. Hơn nữa xóa một cái chợ lâu đời trong phố không đơn giản. Có đề nghị nên xây ở Thái Bình. Tôi nghĩ: với tình cảm và đạo lý, chúng ta có thể xây ở nhiều nơi, nếu cần thiết. Nên tỉnh Thái Bình có xây thì nên xây ở mức ghi nhớ thảm họa của một địa phương.

Nạn đói diễn ra trên toàn miền Bắc. Hà Nội lại là nơi tập trung nhiều người chết nhất từ khắp nơi đổ về. Hơn nữa, ta ghi nhớ không chỉ với người Việt mà cả với nhân loại thì chọn điểm mà khách quốc tế dễ nhận thấy... Xét về mọi mặt, đài tưởng niệm cấp quốc gia này nên xây ở Hà Nội. Địa điểm cụ thể, theo tôi, nên chọn ở phường Giáp Bát - Hai Bà Trưng. Đây là điểm của trại tế bần xưa đồng thời cũng là nơi có nhiều hố chôn tập thể. Thảm cảnh rất khủng khiếp. Đây gần đường 1 và thực địa cũng khả thi cho giải phóng mặt bằng hay xây dựng.

Còn ngày giỗ nạn đói diễn ra tại tất cả các làng xã của 32 tỉnh thành (cũ) kéo dài sáu tháng và cái chết diễn ra ở khắp mọi nơi. Không có một sự quan tâm nào của chính quyền đương nhiệm nên chúng ta không thể chọn được ngày có người đầu tiên chết hay ngày có nhiều người chết đói nhất. Có người bàn chọn ngày ban hành văn bản đầu tiên trong hệ thống chính sách thu mua lương thực hay ép dân nhổ lúa trồng đay của Nhật hay Pháp. Theo tôi, chúng ta ghi nhớ không phải để đòi nợ hay hận thù nên không cần thiết chọn ngày này.

Có ý kiến chọn ngày cúng cô hồn, xá tội vong nhân có sẵn trong phong tục dân gian. Tôi đã xem nhưng thấy nó không trùng nạn đói, hơn nữa việc này ta không nên làm gộp. Theo tôi, ta nên chọn ngày Mặt trận Việt minh ra văn bản đầu tiên kêu gọi phá kho thóc cứu đói. Đó là ngày có tính tác động quan trọng đến nạn đói. Không gì tốt đẹp hơn trong nạn đói với việc phá kho thóc cứu đói. Tất nhiên xin lưu ý: tất cả những phương án trên đều là ý kiến cá nhân tôi. Để khoa học, nghiêm túc, chúng ta nên tổ chức các cuộc hội thảo qui mô, bàn bạc và quyết định cả hai việc trên một cách cụ thể.

Thứ trưởng Bộ VH-TT Trần Chiến Thắng: Đúng là cần có một hình thức tưởng niệm

Tôi có đọc loạt bài về nạn đói Ất Dậu và cái chết của 2 triệu đồng bào ta năm 1945 trên báo Tuổi Trẻ. Với tư cách cá nhân, tôi rất xúc động và đồng ý với ý kiến của đông đảo bạn đọc rằng cần phải có một hình thức tưởng niệm xứng đáng, để nhắc nhở các thế hệ sau về một thảm họa mà dân tộc đã trải qua, một quá khứ chưa xa lắm nhưng dường như đang bị lãng quên.

Nhưng tôi cũng rất phân vân về hình thức tưởng niệm cụ thể: có thể là dựng một tấm bia, hoặc lấy một ngày để kỷ niệm. Nhưng dựng bia ở đâu? Và lấy ngày nào? Tôi chắc rằng đó sẽ lại là một vấn đề mà các nhà sử học, các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương lại phải đau đầu và tốn nhiều giấy mực. Có thể là Thái Bình? Nhưng có những tài liệu khác lại chứng minh ở Thanh Hóa có nhiều nạn nhân hơn. Và những tấm ảnh lưu lại thì cho thấy người dân đổ về Hà Nội kiếm ăn nhiều hơn cả và do vậy cũng gục ngã vì đói ở Hà Nội nhiều hơn.

Vậy vấn đề, theo tôi, là cần tổ chức được một hình thức tưởng niệm giản dị và thiết thực, tránh kiểu “phong trào”, các địa phương đua nhau làm như đã từng làm tượng danh nhân, làm lễ hội…Có lẽ, một tấm bia nhỏ, đầy ý nghĩa dựng ngay tại ngôi mộ tập thể của hàng ngàn người chết đói ở quận Hai Bà Trưng - ngôi mộ bị lãng quên mà báo chí đã nhắc lại cách đây 3-4 năm là một cách tưởng niệm thiết thực.

 Theo: Tuổi Trẻ