Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 cũng như Thượng đỉnh ASEAN năm nay, ông Barack Obama đã nhận được những tràng pháo tay từ các nhà lãnh đạo tham dự như một lời từ biệt trước khi ông mãn nhiệm vào cuối năm.
Trong suốt hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng, tổng thống Barack Obama đã cố gắng đưa trọng tâm chú ý của Mỹ ra khỏi thùng thuốc súng Trung Đông, hướng về phía châu Á đang nhanh chóng phát triển.
Ông Obama đã cải thiện quan hệ với Myanmar, Việt Nam và Lào, đồng thời tăng cường sức mạnh cho khu vực, nhờ đó các nước châu Á có được một đối trọng trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là chính sách hướng về châu Á dang dở của ông Obama có sẽ được duy trì hay không.
Ứng viên tổng thống Donald Trump đã đặt vấn đề xem lại hiệp ước quân sự với Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn là nền tảng cho chính sách Mỹ tại châu Á kể từ Thế chiến thứ hai đến nay. Toàn bộ tư duy chiến lược của ứng cử viên Đảng Cộng Hòa về chính sách đối ngoại vẫn rất khó đoán, và các nhà ngoại giao châu Á nhanh chóng hiểu rằng họ phải đấu tranh để tìm ra được người đối thoại trong chiến dịch tranh cử của ông.
Bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Donald Trump, từng là ngoại trưởng của tổng thống Barack Obama, và được coi là một trong các kiến trúc sư của chiến lược chính sách «xoay trục sang châu Á» đã gắn kết chặt hơn Washington với khu vực, tạo thành đối trọng trước tham vọng của Bắc Kinh.
Với tư cách ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton thường xuyên khiến Bắc Kinh phải giận dữ khi nêu ra vấn đề Biển Đông được bà mô tả là một phần của «lợi ích quốc gia» của Mỹ cũng như vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên bà Hillary Clinton lại phản đối việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tập hợp 12 quốc gia, trong đó Trung Quốc bị lờ đi.
Là người kế nhiệm tiềm năng của tổng thống Obama, việc bà Clinton chống đối hiệp định TPP đang khiến các đồng minh châu Á của Mỹ phải thận trọng hơn, không dám làm mất lòng Trung Quốc, chuyên gia về châu Á Bill Bishop nhận định.
Ông Bishop phân tích: «Nếu không có một yếu tố kinh tế thực sự ý nghĩa trong chính sách tái cân bằng, thì chính sách này khó thể thành hiện thực. Đối với các đồng minh trong khu vực, vấn đề an ninh tại châu Á hết sức quan trọng, nhưng vấn đề kinh tế cũng vậy. Không có kinh tế, sẽ mất đi quyền lực».
Tuy nhiên, Biển Đông có thể sẽ là một trong những thách thức lớn nhất về đối ngoại cho tổng thống Mỹ sắp tới. Trong thời gian ông Obama lãnh đạo Nhà Trắng, Trung Quốc đã hung hăng xác quyết yêu sách chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế tại vùng biển chiến lược này. Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và hàng không của Mỹ tại Biển Đông, nhưng cũng nói là Mỹ sẽ không tiến hành chiến tranh vì một hòn đảo nhỏ hay bãi cạn xa xôi. Ông cũng tỏ ra thận trọng trước tranh chấp leo thang, với những nhân tố mà quyền lợi trước mắt bị đe dọa.
Giới quan sát đang theo dõi chặt chẽ xem Bắc Kinh có lợi dụng thời gian chuyển đổi giữa chính quyền Mỹ hiện nay và sắp tới, để thay đổi vĩnh viễn nguyên trạng Biển Đông hay không. Việc Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không hay bố trí các dàn tên lửa tại đây, có thể buộc tân tổng thống Mỹ sẽ phải phản ứng mạnh mẽ, ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức.