Theo Diplomat, Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson đã đưa ra một cách nhìn lạc quan về quan hệ giữa Hải quân Mỹ với Hải quân Trung Quốc và cảnh báo về việc thổi phồng mối đe dọa về khu vực chống tiếp cận (A2/AD) trong một cuộc thảo luận gần đây tại một viện nghiên cứu về chiến lược châu Á do Trung tâm Mỹ tiến độ chủ trì.
Bài phát biểu của ông ngụ ý vào sự nhận diện các giới hạn mà Hải quân Trung Quốc có thể đạt tới, trong khi Mỹ đồng thời hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ có thể giúp xây dựng công cụ để giảm thiểu nguy hiểm không cần thiết từ phía Trung Quốc. Đô đốc Richardson cũng chống lại xu hướng coi hệ thống A2/AD là một thần dược chống lại sự triển khai quyền lực của Mỹ mà không hiểu những khó khăn về kỹ thuật lẫn vận hành mà Trung Quốc phải đối mặt trong thực tế triển khai hệ thống A2/AD.
Đô đốc Richardson bắt đầu bằng việc so sánh quan hệ Mỹ- Trung với trạng thái “đang ở trong một mối quan hệ phức tạp” trên Facebook. Ông nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc hợp tác với Hải quân Trung Quốc trong các lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung và sự cần thiết của việc có cả Trung Quốc hợp tác trong kiến trúc an ninh trong khu vực để đảm bảo sự thịnh vượng chung. Ông dẫn lại những ví dụ như sự tham gia của Trung Quốc ở các cuộc diễn tập hai năm một lần ở vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) và những cuộc gặp thường xuyên của ông với người đứng đầu Hải quân Trung Quốc đã tổ chức được 5 năm nay.
Nhưng ông Richardson cũng nhận ra rằng có những vấn đề mà hai nước bất đồng quan điểm như vấn đề Biển Đông mang lại nguy hiểm và cần ưu tiên tìm ra cách giải quyết để giảm thiểu những rủi ro như Bộ quy tắc ứng xử cho những chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) cho những hành động giải quyết chuyên nghiệp giữa tàu và máy bay Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng ta đang ở trên Biển Đông và chúng ta vẫn sẽ ở lại đây. Chúng ta sẽ ủng hộ và đề cao những lĩnh vực mà chúng ta có lợi ích chung và sau đó sẽ hành động hướng tới biện pháp giảm thiểu nguy cơ của những tính toán sai lầm có thể biển từ một chiến thuật trở thành một chiến lược”, Đô đốc Mỹ tuyên bố.
Theo Diplomat, một vài nhà phân tích vẫn hết sức nghi ngờ về sự hợp tác với Trung Quốc. Thuyền trưởng Jame Fanell hiện đã nghỉ hưu, một cựu sĩ quan tình báo cao cấp tại Hạm đội Thái Bình Dương đã viết một bài bình luận trong số ra tháng 9 của tạp chí Proceedings thuộc Viện hải quân Mỹ phê phán Trung Quốc. Ông bác bỏ các cuộc gặp song phương của Tư lệnh hải quân Mỹ với người đồng cấp Trung Quốc và tranh luận về quan điểm rằng sự hợp tác với hải quân Trung Quốc có giá trị ngoại giao kể từ khi quan hệ này không ngăn chặn được hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Nhưng bức tranh biếm họa về sự hợp tác Trung - Mỹ này lại không giống với những gì mà Đô đốc Richardson miêu tả về những cuộc thảo luận chân thành và dựa trên lợi ích, ghi nhận những bất đồng và cố gắng giảm thiểu rủi ro xung quanh những vấn đề này.
Giáo sư tại Học viện Hải chiến Mỹ James Holmes và Tiến sĩ Denny Roy tại Trung tâm Đông Tây đã có những lời chỉ trích mang nhiều sắc thái về sự hợp tác của Trung Quốc có vẻ như không phù hợp với mục tiêu mà Tư lệnh Hải quân Mỹ đặt ra. Ông Holmes tin rằng sự hợp tác của hải quân có thể giúp cải thiện các vấn đề mang tính chiến thuật, các bất đồng quan điểm và căng thẳng nhưng không thể giải quyết những bất đồng cơ bản giữa mục tiêu chiến lược của hai bên.
Còn ông Roy cho rằng sự hợp tác nhằm xây dựng lòng tin này có thể mang lại hiệu ứng ngược bằng việc chỉ ra một số mục tiêu của Mỹ và Trung Quốc thực sự khó hòa hợp như thế nào. Ông cảnh báo rằng “sự minh bạch sẽ không xua tan được những nghi kỵ đôi bên mà chỉ càng xác nhận những nghi kỵ đó là đúng.” Tuy nhiên ông cũng tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể vẫn hợp tác trong nhiều lĩnh vực dù thiếu vắng đi lòng tin chiến lược và họ có thể tìm ra những cách có lợi cho cả hai bên trong việc quản lý căng thẳng khi có phát sinh.
Chống tiếp cận chỉ là... khát vọng
Diplomat cho biết, mặc dù nhận ra những tiến bộ phi thường mà các hệ thống radar tầm xa và các vũ khí mới của Trung Quốc đã đạt được, ông Richardson vẫn mô tả chiến lược chống tiếp cận (A2/AD) là “một khát vọng chứ không phải là một chiến lược” và cho rằng ý tưởng này là động lực cơ bản của chiến tranh, chứ không phải là một thứ gì mới. Đặc biệt, ông bác bỏ những đe dọa chỉ xem xét về tầm bắn của tên lửa và vị trí trên bản đồ, sau đó giả định rằng không gì có thể xâm nhập vào khu vực đó mà không bị nhắm thành mục tiêu và tiêu diệt.
Tư lệnh hải quân Mỹ cho rằng mặc dù việc bảo vệ mọi thứ ở khoảng cách xác định có dễ dàng hơn thì đó vẫn là một nhiệm vụ khó khăn. Và sự phức tạp về kỹ thuật và quy trình của chuỗi các sự kiện, thứ đòi hỏi phải thực sự có khả năng tiêu diệt ở khoảng cách xa, có thể bị khai thác và gián đoạn.
Ông Richardson khá kiên định với quan điểm này. Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8 với tạp chí National Interest, ông đã nói rằng là cho dù A2/AD là một mục tiêu tranh đấu của một số nước, việc đạt được mục tiêu này khác xa và phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta tưởng tượng. Điều này cũng phù hợp với các nghiên cứu gần đây về tiềm năng chiến tranh với Trung Quốc mà tác giả mô tả, ông nhận thấy tiềm năng của hệ thống A2/AD sẽ giảm nhanh khi càng xa bờ.
Theo Diplomat, kết quả là cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không thể giành được quyền kiểm soát và tự do đi lại trên biển giữa hai bên ở Tây Thái Bình Dương nơi các hệ thống A2/AD triển khai. Nhưng ít nhất cho đến thời điểm này, Đô đốc Richardson vẫn tin tưởng rằng Mỹ vẫn có thể hoạt động trong vùng A2/AD của Trung Quốc và Hải quân Mỹ vẫn đang tìm cách khai thác những cách sáng tạo để thực hiện trong khu vực nếu có xung đột.
Ông Richardson khép lại bài phát biểu với lời cảnh báo chống lại quan điểm coi Trung Quốc là mối đe dọa duy nhất và phức tạp. Trung Quốc là một quốc gia đang mạnh lên như các nước khác, chúng ta không cần ngạc nhiên rằng Trung Quốc đang tiến tới tầm vóc toàn cầu và một phần của chiến lược tiến tới tầm vóc toàn cầu là vươn ra biển. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc có lợi ích trong khu vực hàng hải, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lí do an ninh.
Thấu hiểu đều này không có nghĩa là cho rằng chiến tranh là một điều không tưởng (như những gì mà Mỹ và Nhật từng nghĩ trong Chiến tranh thế giới II) hay như chuyên gia Roy cảnh báo, việc thấu hiểu này chỉ dẫn đến lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Thay vào đó, việc đánh giá đúng những giới hạn hợp tác và đe dọa quân sự tiềm năng giữa hai bên làm rõ làm cách nào để rào chắn chiến tranh hoạt động hiệu quả.
Vào tháng 3/2016, Đô đốc Richardson đã nói rằng ông muốn trở thành “chuyên gia thế giới khẳng định việc Mỹ không tham chiến với Trung Quốc”. Bằng việc hợp tác với Trung Quốc, hành động để giảm thiểu rủi ro căng thẳng, hạn chế khả năng của một cuộc khủng hoảng rộng hơn và xây dựng các biện pháp nhằm làm giảm những lợi thế quân sự khu vực mà Trung Quốc có thể tin rằng nước này đạt được, ông Richardson muốn đảm bảo rằng Hải quân Mỹ thực hiện tốt nhiệm vụ để gìn giữ hòa bình.