Gần đây, dư luận quốc tế có nhiều quan điểm đồn đoán về khả năng Trung Quốc sắp lập ra cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tờ Tin tức bình luận Trung Quốc của Hồng Kông ngày 4/6 và tờ ETtoday Đài Loan ngày 9/6 đã đăng tải nhận định của học giả Singapore về vấn đề này.
Giáo sư Hoàng Tĩnh đến từ Học viện Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc lập Singapore cho rằng, ADIZ là “cái bẫy” do Mỹ-Nhật tạo ra để Trung Quốc rơi vào. Nếu ADIZ được thiết lập trong "đường chín đoạn" thì Trung Quốc đã "tự mâu thuẫn". Còn nếu ở ngoài "đường chín đoạn" thì Trung Quốc sẽ buộc phải triển khai “nhiệm vụ tuần tra không ngừng”.
Còn đối với vụ kiện Biển Đông của Philippiens, giáo sư Hoàng Tĩnh lại hùa theo quan điểm bất chấp luật pháp quốc tế của Bắc Kinh cho rằng, có thể Trung Quốc đã “quá coi trọng” (thực ra là quá lo sợ). Luật pháp quốc tế và luật trong nước có sự khác biệt căn bản. Trọng tài chỉ là một “trò hề” được thổi lên, Trung Quốc nên thực hiện chính sách “ba không”.
Cụ thể, Hoàng Tĩnh từ Singapore tự nhiên tỏ ra thân Bắc Kinh nói rằng: Tuyên bố Trung Quốc sẽ thiết lập ra ADIZ là thứ mà một số người có ý đồ riêng ở Mỹ và Nhật Bản "đã đào ra một cái hố và muốn Trung Quốc nhảy vào đó". Hoàng Tĩnh chỉ ra 3 nguyên nhân sau:
Trước hết, về định nghĩa, ADIZ chỉ có thể thiết lập ở vùng trời quốc tế, không thể thiết lập ở không phận trong nước. Chức năng của ADIZ ở chỗ, khi một máy bay bay đến không phận một nước, nước này cần phán đoán nhận dạng nó có ý đồ thù địch hay không. Nếu có thù địch thì không cho phép nó bay vào không phận.
Vì vậy, ADIZ của các nước đều ở vùng trời quốc tế, hơn nữa đều là “đơn phương tuyên bố” của quốc gia – Hoàng Tĩnh khẳng định như đinh đóng cột, chẳng khác nào giống cái loa tuyên truyền của Bắc Kinh cắm chốt tại Singapore.
Trung Quốc đã nhận xằng cho rằng, Biển Đông thuộc "phạm vi chủ quyền" của họ, nhưng lại thiết lập ADIZ ở Biển Đông thì điều này đã "tự mâu thuẫn nhau".
"Trung Quốc luôn tuyên bố với bên ngoài là, vùng biển và đảo đá ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc, nhưng sao vùng trời lại không phải của Trung Quốc? Điều này khiến cho Trung Quốc rơi vào bẫy, không thể tự bào chữa" - Hoàng Tĩnh đặt vấn đề.
Hoàng Tĩnh nhấn mạnh, bất cứ một vùng lãnh thổ, lãnh hải, không phận nào đều là có tính “đa chiều”. Nếu lãnh thổ, lãnh hải thuộc về một quốc gia, không phận cũng nhất định thuộc về quốc gia này.
Thứ hai, theo ông Tĩnh, "nếu thiết lập ADIZ ở Biển Đông, tuyến đường vẽ ra của khu vực sẽ rất khó khăn. Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông là phạm vi “chủ quyền” của Trung Quốc, như vậy, ADIZ do Trung Quốc lập ra chắc chắn phải vượt ra ngoài “đường chín đoạn”.
Nhưng, Hoàng Tĩnh cho rằng, khu vực Biển Đông rất rộng lớn. Trung Quốc hiện chưa chắc có khả năng triển khai hành động nhận dạng phòng không đối với vùng trời lớn này.i
Trong khi đó, nếu Trung Quốc không thể thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhận dạng phòng không của mình, cộng đồng quốc tế sẽ lấy vùng nhận dạng này làm một trò cười, Trung Quốc cũng mất mặt. Như vậy, nếu cố đấm ăn xôi, để bảo đảm khả năng nhận dạng, Trung Quốc sẽ buộc bản thân rơi vào “nhiệm vụ tuần tra không ngừng”.
Hoàng Tĩnh nói: “Anh vẽ ở ngoài đường chín đoạn, điều đó đã xuất hiện vấn đề anh có khả năng nhận dạng hay không. Anh vẽ ở trong đường chín đoạn thì anh đã tự vả vào miệng mình”.
Hoàng Tĩnh coi đây là một “cái bẫy rất nguy hiểm” mà Mỹ, Nhật Bản đang giăng sẵn.
Thứ ba, có một điều quan trọng hơn là, nếu Trung Quốc đã tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, thì các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia đều có thể tuyên bố ADIZ của mình. Hơn nữa, do tranh chấp chủ quyền của các nước, vùng nhận dạng của các nước này nhất định sẽ xuất hiện tình trạng đan xen, chồng lấn, điều này có thể dẫn tới một đợt tranh chấp quốc tế mới phức tạp hơn gấp bội.
Hoàng Tĩnh cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ "không làm cái việc tuyên bố ADIZ". Trung Quốc chỉ tỏ thái độ, có tuyên bố ADIZ hay không là việc của bản thân Trung Quốc.
Hơn nữa, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines. Nếu phán quyết này bất lợi cho Trung Quốc, Mỹ có khả năng lấy đó làm lý do tiếp tục tăng cường tuần tra tự do ở Biển Đông. Trung Quốc liệu sẽ có biện pháp đáp trả gì?
Hoàng Tĩnh cũng lên án Mỹ chưa phê chuẩn tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nhưng vẫn coi phán quyết của Tòa trọng tài là nguyên tắc của hành động quốc tế. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cho biết, đó là do Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn tuân thủ các quy định của UNCLOS.
Hoàng Tĩnh cho rằng, luật pháp quốc tế và luật trong nước “căn bản khác nhau”. Luật trong nước lấy Hiến pháp làm nền tảng, Hiến pháp là quy tắc hành vi của toàn bộ công dân và khế ước xã hội cơ bản, vì vậy luật trong nước có tính cưỡng chế.
Trong khi đó, luật quốc tế chỉ là thể hiện sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, nhưng không lấy “Hiến pháp quốc tế” làm nền tảng. Do đó, Hoàng Tĩnh cho rằng tòa quốc tế có khả năng làm trọng tài, nhưng lại không có tính hợp pháp trong thực thi.
Như vậy, Hoàng Tĩnh đã quên rằng, đã là thành viên của Liên hợp quốc thì phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế, các nguyên tắc quốc tế với tính chất là những bộ luật có tính phổ quát nhất, đặc biệt là những nước mang tiếng là thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc như Trung Quốc.
Vì vậy, không có lý do gì, một “nước lớn” như Trung Quốc lại từ chối nghĩa vụ của một nước thành viên UNCLOS là tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài được thiết lập bởi các quy định của UNCLOS, đồng thời phải tôn trọng quyền lợi của tất cả các nước thành viên khác của UNCLOS cũng như của Liên hợp quốc.
Hoàng Tĩnh cho rằng, Trung Quốc nên thực hiện chính sách “ba không” (không chấp nhận, không quan tâm, không để ý quá mức đến vụ kiện trọng tài của Philippines), tức là cổ súy cho thái độ bất chấp luật pháp quốc tế hiện nay của Bắc Kinh.
Báo Hồng Kông còn dẫn lời Hoàng Tĩnh nói giống hệt các quan điểm của Bắc Kinh và bộ máy truyền thông của họ, coi nội dung kiện của Philippines không thuộc quyền thụ lý của Tòa trọng tài. Đó chỉ là một cách ngụy biện.
Nội dung kiện của Philippines được Tòa trọng tài cân nhắc kỹ càng và khẳng định thuộc quyền thụ lý của mình đúng với quy định của UNCLOS, cho đến nay, điều này chẳng có nước nào phủ nhận và bác bỏ (kịch liệt) như Bắc Kinh. Nội dung này chỉ gián tiếp liên quan, chứ không phải trực tiếp liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, cho nên vẫn thuộc phạm vi thụ lý của Tòa.
Đương nhiên, đã là công lý thì chắc chắn sẽ gây bất lợi cho kẻ nào áp đặt yêu sách bành trướng vô lý, phi pháp như Bắc Kinh áp đặt “đường lưỡi bò” vẽ bậy. Kẻ nào đã cố tình áp đặt yêu sách phi pháp thì đương nhiên chúng sẽ phản đối kịch kiệt. Nhưng, cho dù công lý có bị bẻ cong thế nào thì cuối cùng nó vẫn chiến thắng, bởi đó là giá trị chung, phổ biến của nhân loại.