Mỹ tung chuỗi “hoa súng Biển Đông” làm vòng kim cô trị Trung Quốc

VietTimes -- Mới đây, Philippines và Mỹ đã ký kết hiệp định, cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự của Philippines theo hình thức đồn trú luân phiên. 
Trung Quốc thực sự tức giận khi Mỹ hợp tác với Philippines trong lĩnh vực quân sự
Trung Quốc thực sự tức giận khi Mỹ hợp tác với Philippines trong lĩnh vực quân sự

Các chuyên gia dự đoán, chuỗi căn cứ quân sự "hoa súng trên biển" này của Mỹ  sẽ gây sức ép lớn về tâm lý cho Trung Quốc.

5 căn cứ mở đường cho Mỹ áp sát đảo Hải Nam

Hiệp định được ký kết giữa hai nước lần này đồng nghĩa với việc phán quyết phê chuẩn cho quân đội Mỹ đồn trú tại Philippines của tòa án tối cao Philippines này trước đó được chính thức thực thi. Theo Hiệp định tăng cường hợp tác phòng ngự giữa hai nước Philippines và Mỹ, 5 căn cứ quân sự mà Philippines mở cửa cho Mỹ là căn cứ không quân Basa thuộc phía Bắc Manila, căn cứ lục quân Magsaysay ở Palayan, căn cứ không quân Lumbia ở đảo Mindanao và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen ở tỉnh Cebu.

5 căn cứ quân sự Philippines cho phép Mỹ triển khai lực lượng.

Điều đáng nói là, số lượng căn cứ quân sự mà Mỹ quyết định đồn trú (5 căn cứ) ít hơn số căn cứ quân sự mà phía Philippines chủ động đưa ra (8 căn cứ). Theo người phát ngôn của quân đội Philippines, nước này đồng ý cung cấp 5 căn cứ không quân, 2 căn cứ hải quân và một căn cứ huấn luyện dã chiến dành cho lục quân. Trong đó, 3 căn cứ quân sự ở đảo Luzon thuộc miền Bắc Philippines và 2 căn cứ quân sự thuộc đảo Palawan đều nhìn thẳng ra biển Đông, dụng ý lựa chọn các căn cứ quân sự này của Philippines hết sức rõ ràng.

Tuy nhiên dường như Mỹ không toàn toàn nghe theo nguyện vọng của Philippines để hành xử. Quan sát một số căn cứ quân sự bị Mỹ loại ra có thể thấy, các căn cứ hải quân và bến cảng mà Philippines cung cấp đều “bị loại”. Sở dĩ như vậy là do hiện tại hải quân Mỹ đã sở hữu điểm tiếp tế quan trọng tại Singapore, tàu chiến đấu ven biển tinh nhuệ được triển khai tại đây.

Trong khi đó, căn cứ hải quân Subic là căn cứ được Lầu Năm góc coi trọng nhất, hiện tại Mỹ áp dụng phương thức giao quyền vận hành cho các công ty theo mô hình thương mại, thực tế đã đưa vào sử dụng, do đó không cần thiết phải gây ầm ĩ, ảnh hưởng mối quan hệ giữa Mỹ và các nước lớn tại châu Á – Thái Bình Dương. Còn những căn cứ hải quân khác mà Philippines cung cấp đều tồn tại những vấn đề như cơ sở hạ tầng lạc hậu, điều kiện không phù hợp, muốn vào đồn trú tại đó, Mỹ sẽ phải đầu tư xây dựng rất nhiều.

Mỹ: "Một vốn bốn lời"

So với tàu chiến mỗi lần tuần tra trên biển sẽ mất vài tuần, Mỹ coi trọng việc nâng cao hiệu quả tác chiến của các chiến cơ Mỹ khi coi Philippines là điểm đỗ. Ví dụ eo biển Bashi của Philipinnes nhìn sang Đài Loan được dư luận coi là tuyến đường tắt để tàu ngầm Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương, tuy nhiên nếu máy bay tuần tra  P-8A của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân ở Okinawa của Nhật Bản hay đảo Guam xa xôi và bay sang biển Đông, riêng thời gian bay trên đường cả đi và về đã mất mấy tiếng đồng hồ.

Nếu trực tiếp cất cánh từ Philippines, không những có thể có mặt ngay tại hiện trường, mà còn tiết kiệm được thời gian và chi phí nhiên liệu, thời gian tuần tra trên không phận mục tiêu cũng lớn hơn rất nhiều.

Trong các căn cứ quân sự của Philippines mà Mỹ chuẩn bị sử dụng, căn cứ khiến Trung Quốc “dị ứng” nhất là căn cứ không quân Antonio Bautista thuộc  tỉnh Palawwan, sở hữu đường băng dài 2.600m. Từ năm 1976 trở lại đây, Philippines đã cử máy bay vận tải C-130, máy bay trinh sát OV-10 ra quần đảo Kalayaan (tên Philippines gọi một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV), các máy bay này đều cất cánh từ đây.

Sức hấp dẫn nhất của căn cứ không quân Antonio Bautista đối với Mỹ là căn cứ này nằm giữa Singapore và căn cứ Okinawa của Mỹ tại Nhật Bản, đồng thời nhìn thẳng ra biển Đông, là bàn đạp lý tưởng để máy bay săn tàu ngầm của hải quân Mỹ tiến vào phía Trung bộ của biển Đông, thậm chí là áp sát đảo Hải Nam để triển khai các hoạt động trinh sát.

Một góc trong căn cứ không quân Antonio Bautista của Philippines

Căn cứ không quân Antonio Bautista là một trong những cơ sở chiến lược ở đảo Palawan. Tờ Philstar của Philippines cho biết, căn cứ này cách đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khoảng 300 km về phía Đông. Hồi tháng 9/2015, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng trên bãi đá này. Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cảnh báo những bãi đất phía Bắc, Tây và Nam ở đá Vành Khăn sau khi cải tạo đã được nối liền và gia cố bằng kè bờ. Trung Quốc cũng mở rộng lối vào ở phía nam, nên nước này có thể sẽ biến nơi đây trở thành một căn cứ hải quân.

Do đó, trước sự kiện Mỹ được triển khai lực lượng đến căn cứ Antonio Bautista, nhà phân tích Jan van Tol - cựu đại úy hải quân Mỹ khẳng định, căn cứ quân sự này “giúp quân đội Mỹ tiến gần hơn đến khu vực mà Trung Quốc đang thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền sai trái của họ, điều mà chúng ta khẳng định là những hoạt động bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, những căn cứ không quân này của Philippines cũng tồn tại khá nhiều vấn đề. Do một thập kỷ qua Philippines không có máy bay chiến đấu phản lực, hầu hết các thiết bị ở những căn cứ quân sự này đều đã lỗi thời. Quân đội Philippines đang lên kế hoạch nâng cấp 3 căn cứ không quân để máy bay chiếu đấu siêu  thanh có thể sử dụng. Theo lời của đại diện quân đội Philippines, năm 2016, căn cứ không quân ở vịnh Subic sẽ hoàn thành việc nâng cấp, căn cứ không quân Basa sẽ hoàn thành việc nâng cấp vào năm 2017, căn cứ không quân Antonio Bautista sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2018.

Căn cứ Bautista vốn là căn cứ quân sự tuyến hai của lực lượng không quân Philippines, đường băng được Mỹ xây dựng từ thời chiến tranh Việt Nam, cơ sở hạ tầng trong căn cứ này đều đã xuống cấp, không thể phù hợp với các máy bay tầm trung và lớn như C-130. Trong khi đó, các loại hình máy bay của Mỹ dự định đồn trú tại đây là những máy bay loại lớn tiên tiến như P-3C, P-8A, C-130. Ngoài ra, hệ thống kiểm soát không lưu của căn cứ Bautista không thể liên hệ một cách hiệu quả với các thiết bị thông tin vô tuyến điện UHF, VHF của quân đội Mỹ, tất cả những thiết bị này đều cần sự hỗ trợ của Mỹ.

Căn cứ lục quân duy nhất của Philippines được Mỹ sử dụng là căn cứ Magsaysay ở Palayan, chủ yếu là trường huấn luyện quân sự và bắn đạn thật cho quân đội Philippines và quân đội đồng minh của Mỹ, hiện trực thuộc Bộ tư lệnh huấn luyện lục quân của Philippines. Sau năm 2012, chính phủ Philippines sử dụng nguồn kinh phí tài trợ về quân sự của Mỹ, cải tạo ở phạm vi nhỏ đối với căn cứ lục quân này, đặc biệt là sửa lại đường sá, khiến các trang bị vũ khí có thể được vận chuyển dễ dàng hơn, đồng thời còn khoanh vùng vào đường bờ biển của đảo Luzon, tiện cho các hoạt động đổ bộ lưỡng cư.

Báo chí Philippines đã từng tự hào tuyên bố nó là “căn cứ quân sự lớn nhất châu Á”. Cuộc tập trận “Vai sánh vai” được tổ chức hàng năm giữa Mỹ và Philippines chủ yếu diễn ra tại đây. Mỹ ngắm chuẩn căn cứ quân sự này vì nó vừa có rừng, vừa có đường đồi núi, đường bờ biển, thậm chí là địa hình hoang mạc, có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao năng lực tác chiến trong môi trường phức tạp của quân đội Mỹ.

Trung Quốc “đỏ mắt” với chuỗi căn cứ quân sự “hoa súng trên biển” của Mỹ

Trước sự hoan hỷ của Mỹ và Philippines khi hiệp định mở cửa 5 căn cứ quân sự của Philippines cho Mỹ được ký kết, ngày 21/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết: “Thời gian gần đây Mỹ luôn lôi cái gọi là quân sự hóa biển Đông để gây chuyện, liệu họ có giải thích được rằng, hành vi tăng cường triển khai các hoạt động quân sự trên biển Đông và khu vực lân cận có được gọi là quân sự hóa hay không?!”

Tàu chiến Mỹ và Nhật Bản triển khai sức chiến đấu trên vùng biển của Philippines.

Ông Vương Hiểu Bằng – Nghiên cứu viên các vấn đề về biển của Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, đứng trên góc độ chiến lược, Mỹ mong muốn xây dựng các căn cứ quân sự của Philippines thành căn cứ quân sự uy hiếp ở tuyến đầu. Một điểm hết sức quan trọng trong chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là nâng cao năng lực uy hiếp của Mỹ ở tuyến đầu. Tương lai nếu muốn triển khai các hành động ở vùng biển lân cận Philippines hoặc vùng biển trên biển Đông thì Mỹ cần một căn cứ quân sự gần những vùng biển này hơn.

Trước đây máy bay Mỹ muốn bay sang biển Đông thì phải cất cánh từ căn cứ quân sự Mỹ tại Okinawa (Nhật Bản) hoặc đảo Guam, hiện tại Mỹ hoàn toàn có thể cất cánh từ căn cứ không quân của Philippines, từ đó nâng cao năng lực uy hiếp ở tuyến đầu cho Mỹ. Xét trên góc độ chiến thuật, Mỹ mong muốn xây dựng căn cứ quân sự của Philippines thành “căn cứ hoa súng” loại nhỏ, giống như chú ếch xanh có thể nhảy đi nhảy lại qua các bông hoa súng trong hồ nước, hết sức linh hoạt, tiện lợi và hiệu quả, giúp máy bay Mỹ có thể  “nhảy” linh hoạt qua các căn cứ quân sự khác nhau. Đồng thời liên kết các căn cứ quân sự khác của Mỹ trong khu vực, chiến cơ Mỹ có thể “nhảy” dễ dàng, mục đích là có thể xử lý linh hoạt các sự kiện địa chính trị.

Vương Hiểu Bằng chỉ ra rằng, Mỹ mong muốn thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của mình bước sang giai đoạn mới, tái tạo hệ thống đồng minh của Mỹ. Ngoài những nước đồng minh gạo cội như Nhật Bản, Mỹ đã thuyết phục được cả Philippines, dần dần sẽ khiến nhiều quốc gia mô phỏng cách làm của Philippines, từ đó cùng Mỹ triển khai chiến lược, chiến thuật hợp tác có chiều sâu. Đồng thời, Mỹ dùng những căn quân sự này để gây sức ép về tâm lý với Trung Quốc.  

Đ.Q