Mỹ “trấn” siêu chiến đấu cơ F-35 trước cửa, Trung Quốc đe có mắt thần trị tàng hình

VietTimes -- Chiến đấu cơ tàng hình F-35 đã được triển khai ở châu Á, nơi Trung Quốc và chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới sẽ đối đầu với nhau, điều này cho thấy Mỹ có ý đồ cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương, báo Mỹ Business Insider nhận định.
Mỹ đã điều phi đoàn chiến đấu cơ F-35 tàng hình đầu tiên tới Nhật Bản
Mỹ đã điều phi đoàn chiến đấu cơ F-35 tàng hình đầu tiên tới Nhật Bản

Mỹ vừa khiến Trung Quốc cảnh giác vì đã lần đầu tiên triển khai lâu dài các chiến đấu cơ F-35B tối tân của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tới Iwakuna, Nhật Bản. Nhưng dù máy bay này có khả năng tàng hình tránh radar, Trung Quốc lại có một số chiêu đối phó khác, Business Insider nhận xét.

 “Sự xuất hiện của F-35B thể hiện cho cam kết của chúng tôi đối với quốc phòng Nhật Bản và nền an ninh khu vực Thái Bình Dương”, thiếu tướng Russell Sanborn, Tư lệnh không đoàn 1 thủy quân lục chiến  phát biểu trong một tuyên bố của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ. “Chúng tôi đem loại vũ khí công nghệ tiên tiến nhất tới Thái Bình Dương để đáp ứng hàng loạt các nhiệm vụ mà chúng tôi tham gia tại đây và cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn cho các nước đồng minh trong khu vực”, tướng Sanborn quả quyết.

Nhưng trong khi máy bay F-35 thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ và là hệ thống vũ khí tối tân nhất và hoàn thiện nhất mà quân đội Mỹ trang bị cho không lực, F-35 vẫn có một đống thách thức phải giải quyết ở Biển Đông.

Tiến sĩ Malcolm Davis, một chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện chính sách chiến lược Australia đã trả lời Business Insider rằng Trung Quốc từ lâu đã tìm cách để đối phó với các khả năng mang tính cách mạng của F-35 bằng những thiết bị quân sự ở Biển Đông.

“Trung Quốc đang dùng nhiều hệ thống radar được kết nối với nhau”, ông Davis cũng giải thích thêm rằng các đặc tính tàng hình khó bị phát hiện của F-35 khiến các hệ thống radar của Trung Quốc cũng chẳng thể làm được gì.

Một chuỗi các khả năng mở rộng mà Trung Quốc triển khai ở Biển Đông đã tạo nên mạng lưới chống tàng hình. “Chống tàng hình không đủ hiệu quả để nhận diện và theo dấu được máy bay tàng hình, nhưng ít nhất là cũng có thể xác định chung chung khu vực mà máy bay đang bay”, ông Davis cho hay.

Các hệ thống chống tàng hình sử dụng nhiều radar và sóng siêu âm để “xác định khu vực máy bay tàng hình chứ không theo dấu được chúng”, ông Davis giải thích. Và trong khi Mỹ nhanh chóng đi đầu trong cuộc đua máy bay tàng hình, Nga và Trung Quốc cũng đạt được những phát triển ấn tượng trong việc đối phó với máy bay tàng hình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm tàu sân bay Mỹ có trang bị chiến đấu cơ F-35B Mỹ
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm căn cứ quân sự Mỹ có trang bị chiến đấu cơ F-35B 

Quả thực theo một số nguồn tin,  Trung Quốc thậm chí đã gần đột phá vấn đề kỹ thuật, có thể khiến máy bay tàng hình truyền thống trở nên không phù hợp. Vào tháng 9/2016 vừa qua, tờ South China Morning Post đã đưa tin một quan chức quân đội Trung Quốc nói rằng Trung Quốc đã phát triển một loại radar mới có thể phát hiện máy bay tàng hình từ cách xa 60 dặm. Không chỉ vậy, radar này còn không bị công nghệ hiện đại đánh lừa.

Việc phát triển radar này vẫn còn bị giới khoa học nghi ngờ. Tuy nhiên, Dirk Englund, một nhà vật lý tại MIT cho rằng việc phát triển radar này có thể đáng tin cậy.

Có vẻ như Trung Quốc đã phóng đại về quá trình phát triển radar này, nhưng ông Englund cho rằng “Trung Quốc thực sự có một số hệ thống radar lớn bằng cả tòa nhà. Ngay cả một tín hiệu nhỏ cũng có thể được thu được”.

“Chúng tôi đang ở trong một cuộc đua. Máy bay tàng hình phải liên tục phát triển khả năng để chống lại các hệ thống chống tàng hình. Đây là một cuộc chiến liên tục giữa tàng hình và chống tàng hình”, ông Davis kết luận.