Theo trang tin Hồng Kông Dongfang ngày 8/12 dẫn nguồn trang web của Bộ Tài chính Mỹ, các Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc bị trừng phạt là Vương Thần (Wang Chen), Tào Kiến Minh (Cao Jianming), Trương Xuân Hiền (Zhang Chunxian), Thẩm Duyệt Duyệt (Shen Yueyue), Cát Bính Hiên (Ji Bingxuan), Ngải Lực Cánh (Ailigen Yiming Bahai), Vạn Ngạc Tương (Wan Exiang), Trần Trúc (Chen Zhu), Vương Đông Minh (Wang Dongming), Bạch Ma Xích Lâm (Baima Chilin), Đinh Trọng Lễ (Ding Zhongli), Hách Minh Kim (Hao Mingjin), Thái Đạt Phong (Cai Dafeng) và Vũ Duy Hoa (Wu Weihua).
Hãng truyền thông Anh Reuters trước đó dẫn lời các quan chức Washington thông báo rằng Mỹ có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhiều đại biểu quốc hội nổi tiếng, các đảng viên ĐCSTQ và các quan chức Hồng Kông. Các biện pháp trừng phạt bao gồm phong tỏa tài sản, trừng phạt tài chính và cấm nhập cảnh Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh sau đó đã tuyên bố: Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ việc Mỹ mượn cớ vấn đề Hồng Kông để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đồng thời đã đưa ra một số phản ứng chính đáng và cần thiết. Bà kêu gọi Mỹ ngay lập tức ngừng can thiệp vào công việc của Hong Kong và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, nếu Mỹ nhất quyết đi theo con đường riêng của họ, Trung Quốc sẽ tiếp tục có các biện pháp đáp trả kiên quyết.
Tới đây, Nhà Trắng có thể sẽ tiếp tục trừng phạt thêm nhiều quan chức Trung Quốc nữa (Ảnh: Dongfang). |
Bà Hoa Xuân Oánh chỉ ra rằng việc các công chức tuyên thệ trung thành với chế độ của quốc gia là một thông lệ quốc tế. Không quốc gia nào nhắm mắt làm ngơ trước việc các quan chức công quyền vi phạm lời thề và phản bội đất nước. Quốc hội Mỹ và Hạ viện Anh từng có hơn 20 và hơn 50 thành viên Hạ viện bị truất bỏ tư cách nghị sĩ do vi phạm quy định của quốc hội, giữ hai quốc tịch hoặc phản quốc. Những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ đối với Trung Quốc trong vấn đề này đã hoàn toàn phơi bày các tiêu chuẩn kép của họ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 11/11 đã ra nghị quyết ủy quyền chính quyền Hồng Kông bãi bỏ tư cách 4 ủy viên lập pháp không đủ các tiêu chuẩn. Chính quyền Hồng Kông ngay lập tức thông báo bãi bỏ tư cách Ủy viên lập pháp (nghị sĩ) của 4 người thuộc phe dân chủ là Dương Nhạc Kiều (Yang Yueqiao), Quách Vinh Khanh (Guo Rongkeng), Quách Gia Kỳ (Guo Jiaqi) và Lương Kế Xương (Liang Jichang), dẫn đến việc 15 ủy viên còn lại của phe Dân chủ đồng loạt xin từ chức.
Ngoài ra, các nguồn tin truyền thông Mỹ cho biết Tổng thống Trump hồi tháng 7 đã phản đối việc đưa Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính - người phụ trách các vấn đề Hồng Kông, Ma Cao và Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư vào danh sách trừng phạt để tránh leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ ký một bản danh sách trừng phạt mới bao gồm các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Cũng theo Dongfang, cùng ngày 7/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố, cáo buộc Bắc Kinh liên tục phá hoại trình tự dân chủ của Hồng Kông, khiến Hội đồng Lập pháp Hồng Kông chỉ tồn tại trên danh nghĩa và biến thành một “con dấu cao su” không có lực lượng đối lập và mất hết mọi ý nghĩa.
Sau khi chính quyền Hồng Kông bãi bỏ tư cách Ủy viên lập pháp của 4 nghị sĩ phe dân chủ, 14 người còn lại đã tổ chức họp báo, tuyên bố từ chức tập thể (Ảnh: AP). |
Ông Pompeo nói rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thực chất đã tước đi một cách hiệu quả năng lực bầu cử ra các đại biểu dân cử của người dân Hồng Kông theo theo Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật cơ bản Hồng Kông. Hành động này cho thấy Bắc Kinh hoàn toàn bất chấp các cam kết quốc tế theo Tuyên bố chung Trung-Anh.
Ông Pompeo nhấn mạnh, các biện pháp mới được công bố cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để điều tra truy cứu trách nhiệm các hành động của Bắc Kinh làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Washington một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các cam kết quốc tế và lắng nghe tiếng nói của các nước khác lên án hành động của họ.
Trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều (Dwnews) ngày 8/12 nhận xét, việc các quan chức cấp cao của Trung Quốc như Lật Chiến Thư, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, không bị đưa vào danh sách trừng phạt, cho thấy Washington không muốn giáng đòn nặng nề vào mối quan hệ giữa hai nước.
Bloomberg hôm 7/12 cho biết 13 người đàn ông và 1 phụ nữ sẽ bị phong tỏa tài sản và cấm tới Mỹ đều là Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt này phản ánh việc chính quyền Mỹ Donald Trump từng bước thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với ngày càng nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Một số người trước đây dự đoán rằng ông Trump có thể nhằm vào ông Lật Chiến Thư, một trong những quan chức hàng đầu của Trung Quốc, nhưng ông này không nằm trong mục tiêu của lệnh trừng phạt lần này.
Động thái này là một phần trong áp lực của Tổng thống Trump đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những tuần cuối cùng trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền.
Theo Reuters của Anh, hành động nêu trên của Mỹ được nhiều người coi là một phần của việc ông Trump sắp mãn nhiệm nhằm củng cố di sản chế áp Trung Quốc và cũng để khẳng định lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Bắc Kinh trước khi ông Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Hãng tin Anh BBC nói, các quan chức bị xử phạt trong đợt này đều là lãnh đạo cấp cao bậc thứ hai và không bao gồm quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, điều này cho thấy Washington không muốn giáng đòn nặng nề vào mối quan hệ giữa hai nước.
14 quan chức Trung Quốc bị trừng phạt ngày 7/12 và Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư khu ủy Tân Cương, người nằm trong danh sách trừng phạt lần trước, đều là cấp phó nhà nước và là cán bộ lãnh đạo cấp cao thứ hai trong hệ thống công vụ của Trung Quốc. Các quan chức cấp phó nhà nước và cấp trưởng nhà nước được gọi chung là "người lãnh đạo đảng và nhà nước".
BBC lưu ý rằng ông Lật Chiến Thư, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân (Quốc hội) Trung Quốc và là thành viên xếp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương, không nằm trong danh sách trừng phạt mới.
Bill Bishop, một nhà quan sát Trung Quốc và là người sáng “Sinocism”, cho rằng điều này cho thấy Mỹ không có ý định khiến tình hình nóng lên quá mức.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ có ý nghĩa mang tính biểu tượng, nhưng hiệu quả thực tế của việc trừng phạt rất hạn chế.
Ông Trần Toàn Quốc, Bí thư khu ủy Tân Cương hiện là Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất của Trung Quốc bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt (Ảnh: Singtao). |
Ông Trần Toàn Quốc, Bí thư khu ủy Tân Cương nói trong một cuộc phỏng vấn trước đó rằng ông “hoàn toàn không quan tâm đến việc đến Mỹ, cũng như không có bất kỳ tài sản nào ở Mỹ”.
Trước khi Mỹ công bố danh sách trừng phạt này, Trung Quốc đã tỏ rõ thái độ phản đối. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7/12, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và mượn cớ vấn đề Hong Kong để áp đặt cái gọi là trừng phạt nhân viên Trung Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh chỉ ra rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, căn cứ các quy định liên quan của Hiến pháp, Luật Cơ bản Hồng Kông và Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, đưa ra quyết định về tư cách của các thành viên hội đồng lập pháp của Đặc khu hành chính Hồng Kông. Đây là một yêu cầu tất yếu để duy trì và hoàn thiện hệ thống "Một quốc gia, hai chế độ"; là hành động cần thiết để bảo vệ pháp quyền và trật tự hiến pháp của đặc khu, hợp pháp hợp lý và không cho phép ai thách thức.
Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức ngừng can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và ngừng đi ngày càng xa hơn trên con đường sai trái. Nếu Mỹ nhất quyết làm theo ý mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp đáp trả kiên quyết.