Theo Bản tin Các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin of the Atomic Scientists), ngày 28.10.1962 Đại úy William Bassett, chỉ huy trưởng kíp trắc thủ tên lửa đạn đạo tại Okinawa nhận được lệnh phóng bốn tên lửa hành trình MGM-13 Mace mang đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ cỡ megaton vào 4 mục tiêu là thành phố Vladivostok, Bắc Kinh, Bình Nhưỡng và Hà Nội.
Tên lửa hành trình MGM-13 Mace có tầm bắn 1.300 km (2.400 km đối với MGM-13B) mang theo đầu đạn W28, đương lượng nổ 1,1 Megaton, tốc độ bay 1.040 km/h, trần bay 12.200 km
Ba căn cứ tên lửa bí mật của Mỹ khác đặt tại Okinawa cũng nhận được các mệnh lệnh tương tự, tổng số tên lửa phải phóng là 32 quả. Kiểm tra tài liệu đã giải mã xác nhận tính xác thực của mệnh lệnh, tình hình quốc tế đang căng thẳng đến cực độ - "Khủng hoảng tên lửa Cuba" đạt cấp độ cao nhất.
Nhưng đại úy Basset thấy băn khoăn một yếu tố, đó là cấp sẵn sàng chiến đấu theo tuyên bố là DEFCON 2 (cận kề chiến tranh hạt nhân) , cấp độ này không phù hợp với mệnh lệnh phóng tên lửa. Các quân nhân lực lượng tên lửa chiến lược Mỹ được huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân ở cấp độ DEFCON 1 (chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi).
Quá băn khoăn trước quyết định quan trọng tột cùng này, viên đại úy chỉ huy trưởng kíp trắc thủ ra lệnh đình chỉ chuẩn bị phóng, ra lệnh cho hai binh sĩ phải bắn viên trung úy đang trực bên bàn công tác, nếu anh ta cố gắng phóng tên lửa trước khi cấp độ sẵn sàng chiến đấu được nâng cao, hoặc khi không có mặt của Basset.
Chỉ huy trưởng kíp trắc thủ thấy một điều rất lạ là trong tất cả các mục tiêu được chỉ định chỉ có một thành phố của Liên Xô. Trong thời điểm đó, Liên Xô mới chính là kẻ thù tiềm năng nhất của Mỹ. Sĩ quan trực chỉ huy kíp trắc thủ của căn cứ lân cận thông báo cho William: "Tôi cũng chỉ có 2 mục tiêu ở Liên Xô”.
Theo trắc thủ tên lửa George Bordn kể lại: “Khi bắt đầu vào trạng thái chuẩn bị phóng tên lửa, đại úy dặn chúng tôi, đây có thể là một vụ tấn công thật sự, cũng có thể là một sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của chúng ta. Nếu mệnh lệnh được thay đổi và chúng ta không phóng tên lửa, các bạn đừng đợi khen thưởng hoặc sự tôn vinh dưới mọi hình thức”. Sau sự cố chỉ huy trưởng kíp trắc thủ đã ra lệnh không được kể chuyện này cho bất kỳ ai. Bí mật phải được giữ kín hoàn toàn.
Đại úy chỉ huy trưởng đã liên lạc với chỉ huy cấp trên, cơ quan chỉ huy cao cấp quân đội Mỹ đã ra lệnh hủy mệnh lệnh, dừng phóng tên lửa.
William Bassett mất vào năm 2011, bí mật của sự cố hoàn toàn được giữ kín. 4 năm sau đó, Bộ tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ mới cho phép Bordn kể lại toàn bộ tình huống trên đảo Okinawa . Các nhà báo và các nhà khoa học đã trực tiếp yêu cầu Lầu Năm Góc giải mật thông tin liên quan đến sự cố suýt hủy diệt thế giới của 50 năm trước.
Theo giải thích sơ bộ, đây có thể là lỗi của hệ thống máy tính điều hành tác chiến hệ thống tên lửa chiến lược của quân đội Mỹ.
Một tình huống tương tự cũng đã xảy ra ở Liên Xô. Đêm ngày 26.09.1983, trung tá Stanislav Petrov nhận nhiệm vụ trực chỉ huy điều hành tác chiến tại hầm chỉ huy "Serpukhov-15", theo dõi hoạt động của hệ thống kiểm soát, cảnh báo sớm các vụ tấn công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Có một điểm khác biệt giữa hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ và của Liên Xô, các vệ tinh trinh sát, cảnh báo sớm của Liên Xô không quan sát và kiểm soát toàn bộ khu vực lãnh thổ Mỹ mà quan sát bầu trời trên lãnh thổ Mỹ từ góc chiếu ngang. Nhờ giải pháp này mà các tên lửa, phóng lên từ mặt đất sẽ hiện rất rõ trên nền trời tối và lạnh bằng cả hệ thống quan sát quang học và hệ thống quan sát hồng ngoại. Nhiệm vụ của nhóm trực chỉ huy sẵn sàng chiến đấu là thông báo tình huống phóng tên lửa đạn đạo cho lãnh đạo cao nhất cấp nhà nước.
Trung tá Petrov cho biết: Chúng tôi được phép suy luận, xem xét và quyết định trong vòng 10-12 phút. Suy nghĩ đến 15 phút thì đã muộn, cần phải ra mệnh lệnh cho các kíp trắc thủ tên lửa đạn đạo khởi động hệ thống dẫn đường con quay hồi chuyển, và nạp nhiệm vụ mục tiêu vào tên lửa.
Quan sát góc chiếu ngang là phương pháp các nhà khoa học quân sự Xô viết sử dụng để giảm thiểu đến mức thấp nhất những dấu hiệu nhầm lẫn từ nguồn ánh sáng, phản chiếu từ tuyết và các đám mây.
Nhưng trong đêm đó, lần đầu tiên năm căn cứ quân sự Mỹ, mặt trời và những đám mây lăn tăn trên tầng đối lưu đã giao hòa, sắp xếp với nhau để luồng ánh sáng cuối cùng phản chiếu từ đám mây đã lừa được 1 trong 4 vệ tinh trinh sát đang theo dõi không phận nước Mỹ, vệ tinh đó lập tức báo động về hiện tượng phóng tên lửa. Sau đó vệ tinh lại liên tiếp thông báo 3 vụ phóng tên lửa khác cũng từ căn cứ này.
Sự lựa chọn của trung tá Petrov không nhiều, hoặc bấm vào nút báo động và chuyển gánh nặng trách nhiệm cho Yuri Andropov với "chiếc cặp hạt nhân" của. Hoặc không bấm và chịu trách nhiệm cá nhân. Petrov đã không bấm nút.
Trong vòng từ 2 đến 3 phút không thể phân tích hoặc tính toán được bất cứ điều gì - Petrov giải thích. – quyết định được đưa ra nhờ trực giác. Tôi có 2 lý do để nghi ngờ. Không khi nào cuộc tấn công bằng tên lửa lại bắt đầu từ một căn cứ, mà bắt đầu từ tất cả các căn cứ cùng một lúc.
Thứ hai, máy tính chỉ là một thiết bị điện tử ngu ngốc. Nó có thể nhận bất cứ hiện tượng nào tương tự như một vụ phóng tên lửa... Mặc dù lý luận của Petrov hoàn toàn không vững chắc và không đủ logic để không thực hiện mệnh lệnh, nhưng trực quan và linh cảm của anh đã đúng.
Sau khi xảy ra sự cố này, hệ thống trinh sát và cảnh báo sớm các vụ phóng tên lửa có những sửa đổi, riêng trung tá Petrov bị giải ngũ. Phải hơn 10 năm sau, vào thế kỷ 21, trung tá Stanislav Petrov được tôn vinh và nhận được nhiều giải thưởng đặc biệt, ví dụ như bức tượng Cánh tay nâng quả đất với dòng chữ “Người đã ngăn chặn chiến tranh hạt nhân” từ Liên Hiệp Quốc và Hiệp hội Công dân Quốc tế, Giải thưởng Dresden vì sự nghiệp phòng chống xung đột vũ trang.
TTB