Trong những năm gần đây, tập trung chú ý vào hiện trạng phát triển quân sự Trung Quốc chính là việc phát triển ý tưởng tác chiến từ chối hoặc buộc các đối thủ tiềm tàng phải trả giá đắt khi tiếp cận vào khu vực Tây Thái Bình Dương. Ý tưởng này trong giới hoạch định quân sự Mỹ thường ám chỉ chiến lược chống tiếp cận khu vực (A2/AD).
Theo Strategy Bridge, chiến lược trên nhấn mạnh việc sử dụng sức mạnh tấn công tầm xa được hỗ trợ bởi các hệ thống radar tối tân, các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhằm triệt hạ lực lượng hải quân và nhằm vào các mục tiêu cố định trên đất liền. Tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu bảo vệ những vũ khí này khỏi những cuộc không kích của kẻ thù trong khi các tàu ngầm diesel tàng hình và các chiến hạm mặt nước mang tên lửa dẫn đường uy hiếp lực lượng hải quân hoạt động trong khu vực.
Chiến lược A2/AD cũng giả định những cuộc tấn công vào hệ thống cảnh báo không gian và liên lạc của kẻ thù. Những hệ thống này được thiết kế để phá hủy hoặc ngăn chặn lực lượng kẻ thù xâm nhập vào một khoảng không hay vùng biển nhất định.
Strategy Bridge nhận định, những khả năng trên có thể đe dọa đến khả năng Mỹ tiếp cận vùng biển gần Đông Á, cản trở giao thương của Mỹ và ngăn cản khả năng triển khai lực lượng quân sự của nước này trong khu vực. Năng lực phát triển khu vực chống tiếp cận của Trung Quốc có liên quan mật thiết với những hành động ngày càng hung hăng của nước này trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Khả năng thiết lập vùng A2/AD càng lớn thì càng có khả năng cưỡng bức các nước Đông Á trong những khu vực tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Việc bồi lấp phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông lại có khả năng củng cố khả năng vùng chống tiếp cận của Trung Quốc vì các đảo này sẽ là địa điểm để đặt tên lửa, máy bay và các hệ thống radar tinh vi.
Cho dù Trung Quốc và Mỹ không xảy ra chiến tranh, thì các nhà hoạch định quân sự Mỹ cũng đã dành nhiều năm tranh luận về việc có thể làm gì để đánh bại chiến lược A2/AD của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Một loạt các giải pháp đã được đề xuất bởi các nhà quân sự và các học giả. Bài viết trên Strategy Bridge cung cấp một cái nhìn tổng quan về tư tưởng “chống A2/AD” và kết thúc bằng một lời gợi ý về ý tưởng hiệu quả nhất.
Mỹ nghiền ngẫm “chống A2/AD”
Nhìn chung, những giải pháp mà các nhà chiến lược đề xuất Mỹ tiến hành chiến tranh cường độ cao với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương có thể phân làm ba loại: Tiêu diệt năng lực chống tiếp cận khu vực A2/AD của Trung Quốc, tạo ra một khu vực chống lại A2/AD, hoặc tiến hành một cuộc phong tỏa tầm xa. Những chiến lược này có phần chồng chéo và những thành tố của cả ba chiến lược này có thể được áp dụng trong một chiến dịch chống Trung Quốc. Các tác giả định nhấn mạnh vào các chính sách xoay quanh một trong ba lựa chọn này.
Phá hủy năng lực chống tiếp cận Trung Quốc
Tư tưởng này nhằm phá hủy năng lực chống tiếp cận khu vực A2/AD Trung Quốc một cách trực tiếp được thể hiện quag khái niệm Trận chiến Không- Biển của Lực lượng hải quân và không quân Mỹ. Trận chiến Không- Biển và các chiến lược tương tự nhằm phá hủy lực lượng thực thi A2/AD của Trung Quốc.
Theo Strategy Bridge, cuộc chiến giành quyền tiếp cận này bao gồm việc phá hủy các tên lửa, các tàu, tàu ngầm và máy bay ngăn chặn các phương tiện khác tiếp cận, đồng thời thực hiện một chiến dịch nhằm vô hiệu hóa hệ thống cảnh báo và liên lạc nhằm tiêu diệt hệ thống tấn công tầm xa. Tư tưởng này cũng đòi hỏi gia tăng khả năng sống sót của các vũ khí hoạt động trong khu vực chống tiếp cận cũng như các hệ thống cảm biến và liên lạc của Mỹ hỗ trợ chiến dịch phức tạp nhằm phá hủy khả năng A2/AD của Trung Quốc.
Tư tưởng tác chiến nhằm phá hủy khả năng A2/AD của Trung Quốc đưa ra những kết quả đầy hứa hẹn rằng nó có thể loại bỏ các nguy cơ, nhưng tính khả thi của chiến lược này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Sẽ vấp phải hàng loạt khó khăn để tấn công xuyên qua khu vực A2/AD nhằm phá hủy bệ phóng tên lửa. Có thể thực hiện với các chiến đấu cơ xuyên thủng vùng A2/AD để đánh thẳng vào mục tiêu. Dẫu vậy, máy bay vẫn ở trong tình thế bất lợi khi tìm kiếm các bệ phóng di động có thể tận dụng địa hình gồ ghề của bề mặt trái đất để che giấu.
Lực lượng không quân còn phải chiến đấu với máy bay của Trung Quốc và hệ thống phòng không của nước này. Để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch này, đặc biệt là về lâu dài, cần áp dụng đầu tư và công nghệ mới. Đặc biệt, cần bảo vệ các thiết bị đắt đỏ nhưng dễ bị tổn thương mà Mỹ phụ thuộc trong việc triển khai lực lượng. Quan trọng không kém nữa là khả năng xác định và tấn công tầm xa vào đại lục. Cần lưu ý rằng với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, không thể giả định rằng Mỹ có thể chi nhiều tiền hơn Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí này.
Tạo ra một khu vực chống A2/AD
Theo Strategy Bridge, một kế hoạch thứ hai là Mỹ và các đồng minh trong khu vực thiết lập một khu vực chống lại A2/AD, ngăn Trung Quốc tiếp cận gần những vùng biển gần mình. Khác biệt chính của kế hoạch này so với kế hoạch trước đó là không tìm cách thâm nhập vào khu vực chống tiếp cận của Trung Quốc bằng vũ lực. Thay vào đó, một vùng chống A2/AD sẽ bác bỏ các lợi thế của khu vực A2/AD của Trung Quốc trong khi gây áp lực kinh tế lên Trung Quốc để chấm dứt xung đột. Tiến sĩ Aaron Friedberg đã đề xuất khái niệm “Từ chối hàng hải” (Maritime Denial) đại diện cho các tư tưởng dạng này.
Về nguyên tắc, chiến lược “Từ chối hàng hải” sẽ tạo ra một “vùng đất không người” ngoài khơi Trung Quốc. Nếu tàu thuyền và máy bay Trung Quốc không thể di chuyển an toàn qua vùng chống A2/AD, những hành động hung hăng của Trung Quốc với những người láng giềng như hạ cánh và duy trì quân lính ở các đảo đang tranh chấp sẽ trở nên khó khăn. Thương mại Trung Quốc di chuyển qua khu vực này cũng sẽ là đối tượng để tạo áp lực nhằm kết thúc xung đột.
Tạo ra một khu vực khắc chế A2/AD có thể sử dụng một loạt các hệ thống vũ khí. Tiến sĩ Friedberg nhấn mạnh vào tiềm năng của tàu ngầm, cả hai loại có người lái và không người lái, để đánh chìm các tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực chống A2/AD do khả năng tác chiến chống tàu ngầm rất yếu của Trung Quốc. Tiến sĩ Biddle và Oelrich đề cập đến việc sử dụng tên lửa chống tàu tầm xa để tiêu diệt các mục tiêu ở “vùng đất không chủ” cùng với tên lửa chống radar tầm xa để giúp hạn chế phạm vi của khu vực A2/AD của Trung Quốc.
(còn tiếp)