Tờ La Vanguardia Tây Ban Nha gần đây cho rằng thông tin 4 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng ở Niger đã làm cho Quốc hội và truyền thông Mỹ liên tục đặt câu hỏi: Binh sĩ Mỹ rốt cuộc đang làm gì ở châu Phi? Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng.
Nhưng điều có thể khẳng định là hiện nay Mỹ đóng 900 quân ở Niger, tổng số quân đồn trú ở hơn 20 quốc gia châu Phi khoảng 6.000 quân, hơn nữa sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Phi hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ chính trị của chính phủ.
Nhìn vào bề ngoài, mục tiêu chủ yếu của Mỹ trong các hành động quân sự ở châu Phi là tấn công các tổ chức Thánh chiến (khủng bố) dưới sự trợ giúp của quân đội Pháp. Binh sĩ quân đội Pháp đóng ở châu Phi thực ra còn nhiều hơn Mỹ. Trong số 7.000 binh sĩ Pháp đóng ở châu Phi có 4.000 binh sĩ đóng ở 5 nước gồm Mauritania, Mali, Burkina Faso, Chad và Niger.
Năm 2012, người Tuareg ở Mali tiến hành nổi dậy, các tổ chức Thánh chiến nhân cơ hội tiến hành "đục nước béo cò" ở nước này. Pháp lập tức đã phát động chiến dịch Operation Barkhane.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn cắt giảm chi tiêu quân sự, vì vậy nếu muốn tiếp tục thúc đẩy chiến dịch Operation Barkhane thì chỉ có thể tìm kiếm viện trợ. Pháp đặt tên cho kế hoạch này là "Nhóm 5 nước Sahel" (G5 Sahel). G5 Sahel được thành lập vào năm 2014.
G5 Sahel có kế hoạch mỗi năm chi 423 triệu Euro. EU cam kết cung cấp 50 triệu Euro, Pháp cung cấp 80 triệu Euro, Đức thì còn chưa biết. Tổng thư ký Liên hợp quốc ông Antonio Guterres bày tỏ ủng hộ đối với chiến dịch này, nhưng cũng không đề cập đến vấn đề tài chính. Mỹ thì không muốn đối mặt với vấn đề này.
Mỹ cũng triển khai nhiệm vụ của họ tại châu Phi, nhưng hoàn toàn không được thế giới biết đến. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2013 từng phát động một chiến dịch quân sự nhằm ngăn chặn sự nổi dậy của tổ chức cực đoan Boko Haram và chi nhánh tổ chức Al Qaeda tại Nigeria.
Dưới sự hỗ trợ của quân đội nước sở tại, các đơn vị lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã triển khai hành động truy bắt thủ lĩnh của các tổ chức Thánh chiến, nhưng đồng thời cũng nhận được sự viện trợ gián tiếp từ Pháp.
Ngày 4/10/2017, lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã triển khai kế hoạch bắt giữ một thủ lĩnh của tổ chức Thánh chiến dưới sự trợ giúp của binh sĩ Niger, nhưng trong cuộc chiến ác liệt này đã có 4 binh sĩ đặc nhiệm Mỹ và 5 binh sĩ Niger bị thiệt mạng. Những khó khăn trong cuộc chiến tấn công các tổ chức cực đoan ở khu vực Sahel có thể nhìn thấy rõ qua chiến dịch lần này.
Rõ ràng, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng các hành động quân sự ở khu vực này thì chỉ có thể kích động sự đáp trả lớn hơn từ các tổ chức thánh chiến. Washington luôn hành động kín tiếng ở châu Phi, Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ thậm chí đặt ở Stuttgart, Đức - bên ngoài châu Phi.
Tuy nhiên, các hành động quân sự của quân đội Mỹ tại đây đã được tăng cường một cách lặng lẽ. Trong đó bao gồm kế hoạch huấn luyện và nhiệm vụ trinh sát. Trong đó, các hành động trinh sát cuối cùng rất có thể xảy ra "lau súng cướp cò", nổ ra xung đột gay gắt.
Do bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích không hợp tác với Mỹ, chính phủ Chad đã rút khỏi liên quân tấn công tổ chức Boko Haram. Về bề ngoài, hành động quân sự của EU ở châu Phi chỉ giới hạn ở đào tạo binh sĩ địa phương, nhưng có ý kiến cho rằng các hành động này có tính chất “xâm lược”.
Tờ The Intercept Mỹ cho hay trong một cuộc diễn tập quân sự mô phỏng trên máy tính, Lầu Năm Góc đã giả thiết phạm vi ảnh hưởng của các tổ chức thánh chiến đã mở rộng ở Algeria, Mali, Mauritania, Niger và khu vực Tây Sahara, đồng thời phát động một loạt cuộc tấn công đối với lãnh thổ Mỹ, còn Mỹ hợp tác với Canada điều động tới 70.000 binh sĩ.
Trong khi đó, trên thực tế, chính quyền Donald Trump đang có bước đi tiếp theo chưa đúng đắn ở châu Phi. Vấn đề trước mắt là nếu Washington cảm thấy chán ngán với sự can thiệp quy mô lớn thì sẽ như thế nào? Bất kể là "ảo" hay "thực", chiến tranh luôn xảy ra từ người Mỹ, cuộc chiến tranh tiếp theo coa thể sẽ nổ ra ở châu Phi.