Mỹ “rắn” với Trung Quốc cả về Biển Đông, thương mại

Không chỉ tuyên bố bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, tân tổng thống Mỹ Donald Trump còn hứa sẽ đánh thuế 45% vào hàng Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ và sẽ khuyến khích các công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất về nước.
Chính quyền của ông Donald Trump tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc
Chính quyền của ông Donald Trump tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc

Khi tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ các “lợi ích quốc tế” ở Biển Đông và trao đổi thương mại phải là một “con đường hai chiều”, chính quyền của tân tổng thống Donald Trump muốn tỏ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc trên cả hai hồ sơ này.

Theo giới phân tích, đúng là với quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, ông Donald Trump đã mở đường cho Trung Quốc khẳng định vai trò của một lãnh đạo về kinh tế tại khu vực châu Á, đặc biệt là tạo thuận lợi cho dự án tự do mậu dịch do Bắc Kinh đề xướng là Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RECEP.

Tuy nhiên theo nhận định của hãng AP ngày 25/1, việc bác bỏ hiệp định TPP chỉ là bước đầu tiên trong một kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Donald Trump nhằm sắp xếp lại trao đổi mậu dịch với châu Á. Trước hết, ông Trump đã hứa là sẽ tiếp tục thương lượng hiệp định mậu dịch song phương với từng nước tham gia TPP. Một nhà kinh tế được AP trích dẫn cho rằng những hiệp định song phương này cũng có thể tạo ra nhiều cơ hội cho việc thúc đẩy tự do mậu dịch.

Tân tổng thống Mỹ cũng đã cam kết sẽ đánh thuế 45% vào hàng Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ và sẽ khuyến khích các công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất về Mỹ. Theo AP, những biện pháp nói trên có thể sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nước láng giềng.

Vào tuần trước, Phòng Thương Mại Mỹ ở Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh đang chuẩn bị trả đũa trong trường hợp chính quyền Trump thi hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Theo Phòng Thương Mại Mỹ, chính quyền Trung Quốc chưa gì đã tỏ thái độ cứng rắn bằng cách áp dụng một mức thuế cao bất thường trong một vụ chống phá giá vào tháng 1 năm nay, đánh vào một hóa chất của Mỹ sử dụng trong thức ăn cho gia cầm.

Về hồ sơ Biển Đông, ngay cả trước khi chính thức nhậm chức, tân ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tuyên bố là Mỹ phải có biện pháp để buộc Bắc Kinh dừng xây các đảo nhân tạo trái phép ở vùng biển này và phải ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các đảo đó. Ngay lập tức, báo chí Trung Quốc đe dọa xung đột quân sự với Mỹ sẽ nổ ra nếu Washington có hành động như thế. Chính quyền Bắc Kinh lúc đó phản ứng chừng mực hơn, có lẽ vì muốn chờ xem chính quyền Trump sẽ chính thức tỏ thái độ như thế nào.

Ngày 23/1, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã tuyên bố là chính quyền Trump sẽ “bảo vệ các lợi ích quốc tế” ở vùng Biển Đông đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc với các nuớc láng giềng. Ngay ngày hôm sau, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã thẳng thừng tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền “không thể tranh cãi” trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh, và Bắc Kinh còn thề sẽ “kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích của Trung Quốc" (trái phép) ở vùng biển này.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Bonnie Glaser, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS ở Washington, cả hai ông Tillerson và Spicer đều đã cố cho Trung Quốc thấy là chính quyền Trump sẽ có lập trường cứng rắn hơn trên vấn đề Biển Đông. Theo bà Glaser, chính quyền mới của Mỹ cần phải gửi các tín hiệu rõ ràng và nhất quán đến Trung Quốc.