Theo giáo sư, Mỹ điều động tàu chiến, máy bay đến biển Đông, cụ thể là quanh một số khu vực tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhằm mục đích gì?
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu Lầu Năm Góc cân nhắc các phương án nhằm ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hoạt động cải tạo đất đá trên biển Đông. Chưa có sự phê chuẩn chính thức đối với việc điều tàu chiến vào vùng nước xung quanh các thực thể mà Trung Quốc đã cải tạo đất. Nếu kế hoạch này được phê chuẩn, đây sẽ là một phần của một chương trình kéo dài của Mỹ nhằm bảo đảm tự do lưu thông trong vùng biển, nơi điểm xuất phát đã vượt quá giới hạn mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã đặt ra.
Mục đích của việc tuần tra trên biển và trên không là chặn trước, phủ đầu và thách thức bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển và không phận mà nước này không được công nhận về mặt pháp lý. Theo các báo cáo, tàu chiến Mỹ sẽ tuần tra trong vòng 12 hải lý xung quanh các thực thể mà Trung Quốc cải tạo. Điều này cho thấy Mỹ coi những thực thể này là đá theo luật quốc tế, chứ không phải đảo.
Quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề này như thế nào, theo ông?
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với tất cả các thực thể địa lý nằm trong đường chín đoạn và vùng biển tiếp giáp các thực thể đó. Trung Quốc cũng tuyên bố luật pháp của họ cao hơn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển khi xét đến các hoạt động quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của họ. Trung Quốc yêu cầu phải được thông báo trước và có quyền phê chuẩn trước khi các hoạt động này diễn ra. Trung Quốc kiên quyết bác bỏ mọi nền tảng pháp lý được sử dụng cho các hành động mà Mỹ đề xuất.
Ông nghĩ gì về ý đồ sâu xa của Trung Quốc trong việc đẩy mạnh cải tạo các bãi đá tại Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam?
Mục tiêu tối thượng của Trung Quốc là rõ ràng kể từ năm 2009, khi nước này chính thức đệ trình đường chín đoạn lên Liên Hợp Quốc. Trung Quốc sẽ tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của mình đối với tất cả thực thể địa lý trên biển Đông. Dựa trên tiền đề này, Trung Quốc sẽ có những bước đi để bảo vệ các thực thể mà nước này chiếm đóng. Trung Quốc cũng sẽ cải tạo đất, xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ các công trình trên đó. Trung Quốc đang tìm cách về lâu về dài đưa biển Đông vào quyền kiểm soát của họ, từ đó gây áp lực với các quốc gia Đông Nam Á phải thừa nhận và tôn trọng bá quyền Trung Quốc.
Việc Trung Quốc bất ngờ đưa giàn khoan Hải Dương 981 trở lại biển Đông liên quan việc Mỹ cử tàu chiến, máy bay tới biển Đông?
Theo thông tin mà tôi có được, giàn khoan Hải Dương 981 đang trở về Trung Quốc sau khi thực hiện các hoạt động thăm dò ở vùng biển Myanmar. Việc Hải Dương 981 di chuyển không liên quan thông tin nói rằng Mỹ có khả năng tuần tra trên biển và trên không đối với những nơi Trung Quốc cải tạo đất - khu vực xa hơn về phía nam trên biển Đông.
Theo ông, nguyên nhân căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngay trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng John Kerry?
Tháng trước, Mỹ bắt đầu tăng cường to tiếng chính trị, bắt đầu bằng các tuyên bố của chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và cả bản thân Tổng thống Barack Obama. Mới đây, hai trợ lý bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, chỉ trích Trung Quốc. Tất cả những tuyên bố này được thiết kế để Trung Quốc phải để ý rằng, các vấn đề biển đảo, hàng hải đứng đầu chương trình nghị sự của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc. Mỹ đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc ngừng cải tạo đất và cư xử ôn hòa hơn. Chuyến thăm mới đây của Ngoại trưởng Kerry tới Bắc Kinh nhằm chuyển thông điệp chính thức của Mỹ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Washington.
Ông nhận định thế nào về khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Đông, sau khi cơ bản cải tạo xong các bãi đá tại Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam?
Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng thực tế bằng cách mở rộng đường băng trên đảo Phú Lâm và xây dựng đường băng trên đá Chữ Thập, để cho phép nước này áp đặt ADIZ và nỗ lực bảo đảm thực thi ADIZ trong tương lai. Hiện Trung Quốc chưa đủ năng lực để làm vậy. Trung Quốc giành quyền áp đặt ADIZ nhưng lập luận rằng, tình hình hiện tại chưa đến mức phải làm thế. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đã thách thức các chuyến bay của Philippines trên các thực thể mà Trung Quốc cải tạo, bằng cách ra lệnh cho máy bay Philippines rời khỏi “khu vực an ninh quân sự”.
Trung Quốc cũng sẽ đặt radar tầm xa và có thể đặt các loại tên lửa phòng không trên các thực thể mà nước này chiếm đóng. Trung Quốc đang phát triển loại máy bay phản lực cất cánh và hạ cánh nhanh gọn, không đòi hỏi phải có đường băng dài. Trung Quốc có thể đưa loại máy bay này ra biển Đông bằng loại tàu đổ bộ kiểu ụ nổi kích thước khổng lồ, rồi đặt lên đường băng khi đường băng được xây xong. Trung Quốc đã tuyên bố ý định áp đặt ADIZ, coi đó là lời cảnh cáo các nước Đông Nam Á chớ có thách thức Trung Quốc. Trung Quốc sẽ đợi đến thời điểm chín muồi. Có thể mất một thời gian nữa Trung Quốc mới tuyên bố ADIZ trên biển Đông.
Cảm ơn ông.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa chỉ trích chính sách ngày càng hung hăng của Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông khiến tình hình thêm căng thẳng và gây nguy cơ xảy ra xung đột ở khu vực. Phát biểu tại lễ tốt nghiệp tại Học viện Hải quân ở bang Maryland vừa qua, ông Biden nói rằng, tự do hàng hải và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ đang bị thách thức bởi những hành động của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp. Theo Reuters, ông Biden là quan chức cấp cao nhất của Mỹ lên tiếng quan ngại về việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên biển Đông, từ khi xảy ra vụ Hải quân Trung Quốc xua máy bay Mỹ trong không phận quốc tế ở Trường Sa. “Họ đang ồ ạt xây đường băng, hạ đặt giàn khoan dầu, áp đặt lệnh đánh bắt cá đơn phương ở khu vực tranh chấp, cải tạo đất, tuyên bố sẽ áp đặt vùng nhận diện phòng không”, ông Biden nói. “Như tôi nói, căng thẳng đang ở mức rất cao, nhưng các bạn sẽ ở đó để giữ gìn hòa bình”, Phó Tổng thống Mỹ nói với các học viên hải quân vừa tốt nghiệp. Ông Biden cho biết, một phần trong chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ sẽ bao gồm việc luân chuyển đáng kể các lực lượng quân sự sang khu vực này. “Đó là lý do tại sao 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ đóng quân ở châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020”, ông Biden nói.
Theo Tiền phong