Mỹ ồ ạt phóng tên lửa đánh Syria: Luyện chiêu “phá trận” Nga, Trung Quốc
Tiệp Nguyễn
VietTimes -- JASSM là tên lửa được Mỹ phát triển trong nhiều năm với mục đích triệt hạ khả năng chống tiếp cận - chống xâm nhập của các địch thủ. Đây là vũ khí được Mỹ coi là con bài chiến lược của quân đội trong vài thập kỷ tới.
Ngày 14.4, hai chiếc máy bay chiến đấu hung hãn màu đen đã cất cánh từ căn cứ không quân Al Udeid tại Qatar. Hai chiếc máy bay ném bom khổng lồ B-1B, biệt danh "Bones", có điểm đặc biệt uốn lượn trên thân máy bay được thiết kế vào những năm 1970 để giảm thiểu khả năng bị radar phát hiện. Tuy nhiên, những chi tiết kỹ thuật tàng hình của B-1B đã lỗi thời do sự tiên tiến trong kỹ thuật radar. Thực tế, máy bay EA-6B Prowler của Hải quân đã tham gia cùng hai máy bay thuộc đội ném bom số 34 để hỗ trợ việc làm nhiễu radar.
Những chiếc máy bay hướng thẳng tới thủ đô Damascus của Syria qua hàng nghìn km về phía Tây Bắc. Chúng được Washington phái đi để trừng phạt chính phủ Syria trong vụ cáo buộc "họ đã tấn công hóa học" vào cộng đồng do phiến quân kiểm soát ngày 4.4. Tuy nhiên, không phận Syria được bảo vệ bảo một hệ thống radar phòng không lớn cùng với những khẩu đội tên lửa đất đối không tối tân. Chỉ hai tháng trước, vào ngày 10.2, một tên lửa S-200 (SA-6) của Syria đã bắn rơi máy bay chiến đấu F-16 của Israel. Hơn nữa, quân đội Nga đã triển khai những hệ thống tinh vi với tầm xa hơn là S-400 và S-300V4 đất đối không để đối phó với những cuộc can thiệp tiềm tàng.
Máy bay B-1B Lancer thực hiện nhiệm vụ.
Ngay cả với việc hỗ trợ làm nhiễu và giảm thiểu radar phát hiện hiện đại nhất, Bones vẫn gặp rủi ro bị phát hiện nếu tới quá gần mục tiêu vì thế chiếc máy bay với phi đội 4 người đã sử dụng cách thức tấn công khác. Khi cách mục tiêu khoảng 320km, những chiếc B-1B đã phóng 19 quả tên lửa tấn công liên hợp không đối đất AGM-1588 (JASSM) từ khoang vũ khí trên máy bay (trước đó có thông tin không chính xác cho rằng tên lửa được phóng ra là AGM-185B)
Khi những quả tên lửa rời khoang phóng, những đôi cánh dài khoảng 2,5m giương ra, động cơ phản lực của chúng réo lên. Tên lửa dài 4m hạ xuống độ cao cách mặt đất vài chục mét thì bắt đầu hướng thẳng tới mục tiêu của chúng với tốc độ của một máy bay phản lực thông thường, cơ động theo đường bay đã được lập trình để tránh những địa hình cao và radar của kẻ thù trong khi sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và chống nhiễu GPS để tránh bay nhầm đường. Khi tiếp cận mục tiêu cuối, bộ phận tìm kiếm hồng ngoại tích hợp trên tên lửa sẽ tìm đúng mục tiêu theo mô hình 3D thông tin tích hợp trên bảng mạch của tên lửa và điều chỉnh thêm quỹ đạo của tên lửa - giúp chúng đánh chính xác vào mục tiêu trong bán kính 3m mà chỉ mất nửa thời gian.
Quân đội Mỹ thử nghiệm tên lửa JASSM.
Bay trong không trung 2 phút, bắt đầu từ 4:0 A.M ngày 14.4, toàn bộ 19 tên lửa nặng khoảng 1 tấn đã đánh vào Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Barzeh ngay bên ngoài khu vực phòng không hạng nặng của Damascus. Đầu đạn xuyên nặng 450kg WDU-42 nổ phân mảnh tác động xuyên qua mái của các tòa nhà trước khi phát nổ. Thêm 57 quả tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ các tàu chiến trên mặt nước và tàu ngầm lớp Virginia John Warner để thực hiện vụ công kích.
Phòng không Syria cuối cùng cũng khai hỏa sau khi hầu hết các tên lửa hành trình đã đánh trúng mục tiêu, theo phương Tây thì có 40 tên lửa không đối đất đã bắn lên trời đêm và không trúng mục tiêu nào (trong khi Nga tuyên bố phòng không Syria bắn hạ 71/103 tên lửa của liên quân Mỹ-Anh-Pháp).
Những trung tâm tình báo của phương Tây xác định trung tâm này là một trong những Trung tâm nghiên cứu khoa học của Syria để phát triển và sản xuất vũ khí hóa học. Nhưng chính phủ Syria tuyên bố khác, dẫn lại điều tra vào tháng 11.2017 của Tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học OPCW là không có sự xuất hiện của vũ khí hóa học tại Syria.
Đại học HIAST nơi Mỹ tuyên bố đây là Trung tâm nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa học.
Ba tòa nhà cấu thành trung tâm này đã bị xóa sạch như trong ảnh dưới đây. Thực tế, vài chục quả tên lửa đã tàn phá quá mức, với ý định thổi phồng quy mô của vụ tấn công năm nay so với năm 2017 để báo hiệu một quyết tâm leo thang. Không có thông tin về người bị thiệt mạng có thể tòa nhà đã được sơ tán để tránh khả năng xảy ra một vụ tấn công.
Ngay cả khi việc sử dụng hỏa lực này là quá thừa thãi, vụ tấn công rất đáng chú ý vì đây là một trận chiến đầu tiên sử dụng tên lửa JASSM, vũ khí quyết định vai trò chính trong chiến lược của Mỹ vài thập kỷ tới.
Vấn đề chống tiếp cận/chống xâm nhập
Cả Nga và Trung Quốc đều triển khai những tên lửa tầm xa có thể de dọa một vùng trời rộng lớn hay một khoảng cách lớn trên vùng biển quốc tế. Những vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập bao gồm cả tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc, một vũ khí triển khai trên bề mặt có thể đe dọa những tàu sân bay ở khoảng cách lớn hơn bán kính mà các máy bay trên tàu sân bay có thể tác chiến.
Hệ thống S-400 đất đối không có thể bắn tên lửa tầm xa 40N6 tới mục tiêu ở cách 400km. Khẩu đội S-400 được Nga triển khai tại Latakia nên về mặt lý thuyết Syria có thể đe dọa không phận của căn cứ không quân Anh tại Akrotiri, Cyprus và căn cứ Mỹ tại Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ.
Những phương thức quân đội Mỹ có thể sử dụng để chống lại tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc.
Các máy bay tàng hình có khả năng thâm nhập hệ thống phòng không và triệt hạ các vũ khí này nhưng chúng vẫn có nguy cơ khi có thể bị phát hiện bởi radar dải tần thấp, cảm biến hồng ngoại và radar dải tần cao trong khoảng cách ngắn. Vì thế, cần phải tìm kiếm một biện pháp đánh vào những hệ thống chống xâm nhập từ khoảng cách vượt xa khả năng trả đũa của đối phương.
Kể từ những năm 1990, Mỹ đã sử dụng rộng rãi tên lửa hành trình Tomahawk với khả năng đánh mục tiêu ở cách hàng ngàn km. Nhưng tên lửa Tomahawk rất dễ bị radar phát hiện và có thể bị bắn hạ.
Tên lửa hành trình với công nghệ tàng hình
Quay trở lại những năm 1990, Không lực Mỹ quyết định muốn có một loại tên lửa tấn công hành trình tàng hình với khả năng giảm thiểu phát hiện bởi radar. Mẫu thử AGM-158 của Lockheed Martin đã được chọn năm 1998 tuy nhiên chương trình gặp vô số sai sót trong thập kỷ sau. Cuối cùng, vào năm 2009, một thiết kế được sửa đổi đã thành công 15/16 lần thử nghiệm và vũ khí này cuối cùng được đưa ra sản xuất. Hơn 3.000/4.900 tên lửa JASSM được đặt hàng sản xuất cho Không lực Mỹ (Hải quân trang bị số còn lại). Phiên bản mới nhất của tên lửa đang được kiểm tra trên rất nhiều các hệ thống khác nhau.
Mô hình tên lửa AGM-158 JASSM.
Mẫu AGM-158A cơ bản được triển khai tại Syria sử dụng động cơ phản lực J402 và có tầm bắn 370km. Với phiên bản AGM-158B JASSM tầm bắn mở rộng với kích thước và 70% các thành phần tương tự, nó có thể bắn trong tầm 1.000km nhờ động cơ phản lực cánh quạt đẩy tiết kiệm nhiên liệu F107 và có thêm khoang nhiên liệu. Phiên bản cải tiến này đẩy giá tên lửa từ 800.000 USD lên 1,3 triệu USD. Lockheed Martin cũng đang phát triển phiên bản XR dài 6m với tầm bắn lên tới 1.600km cùng với cánh được cải tiến cũng như phiên bản nhỏ hơn SR có thể lắp vừa những khoang chứa vũ khí của máy bay tàng hình. Tầm bắn có thể nâng lên với giá rẻ bằng cách thức đơn giản là làm nhẹ đi đầu đạn.
Lượng tối đa 24 tên lửa JASSM có thể lắp vào hệ thống phóng bên trong của 1 chiếc B-1B, 16 quả trên máy bay ném bom tàng hình B-2, 12 tới 20 quả trên máy bay B-52H. Những máy bay chiến đấu nhỏ hơn như F-15E, F-16 và FA-18 có thể trang bị một hoặc hai quả tên lửa. Mỹ đang hy vọng F-35 Ligtning II sẽ được kiểm tra để lắp đặt hệ thống tên lửa này bên ngoài (dù nó sẽ không còn khả năng tàng hình đặc biệt nếu làm vậy).
Loại tên lửa này cũng phục vụ tại Phần Lan và Australia (được lắp đặt trên FA-18 Hornet) và Ba Lan (trên F-16). Hải quân Mỹ cũng đang triển khai tên lửa cải tiến AGM-158C chống hạm còn được gọi là LR-ASM để thay thế cho những tên lửa Harpoon lỗi thời của các tàu trên mặt nước và máy bay chiến đấu Super Hornet.
Hải quân Mỹ sẽ thay thế tên lửa Harpoon lỗi thời bằng JASSM.
JASSM cho phép quân đội Mỹ tấn công chính xác cao vào những mục tiêu được bảo vệ kỹ bởi những hệ thống phòng không của kẻ thù. Thực tế, những radar và khẩu đội tên lửa sẽ là những mục tiêu chính của JASSM ở pha bắt đầu của cuộc xung đột, mở đường cho những cuộc tấn công tiếp theo của những máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 dễ bị tổn thương sử dụng những vũ khí tầm ngắn rẻ hơn. AGM-158 cũng có thể sử dụng để tấn công những mục tiêu có giá trị cao được phòng thủ tốt như các trung tâm, hầm chứa tên lửa, các trung tâm năng lượng và thông tin, kho nhiên liệu và vũ khí.
Không lực Mỹ cũng đang tìm cách để khai thác khả năng tàng hình và những tính năng bền bỉ của JASSM-ER cho những vai trò khác. Ví dụ như việc phá hủy hệ thống phòng không bằng cách sử dụng vi sóng để nung chảy các hệ thống điện tử - một cách thức đang được thử nghiệm với một hệ thống tên là CHAMP, CHAMP có thể bắn tới 100 lần. Tuy nhiên, CHAMP cần có một phương tiện có độ bền cao, tàng hình có thể đưa nó tới đủ gần và tồn tại đủ lâu để thực hiện nhiệm vụ. Năm 2015, không lực Mỹ đã tuyên bố đang tìm cách làm nhỏ CHAMP để gắn lên tên lửa JASSM-ER. Với khả năng tuyệt vời phòng không, chống hạm từ xa, chống lại mối đe dọa đang phát sinh trên toàn cầu, JASSM có thể giúp máy bay Mỹ triệt hạ những đe dọa từ xa trong khoảng cách an toàn.