Mỹ ồ ạt nã tên lửa tấn công Syria: Cuộc chiến nhìn từ hai phía
Tiệp Nguyễn
VietTimes -- Nhà phân tích chính trị độc lập tại Brussel (Bỉ) Gilbert Doctorow đã nghiên cứu vụ tấn công Syria hôm 14.4 cùng cách đưa tin của truyền thông Mỹ, phương Tây và Nga. Ông đưa ra nhận định Moscow không có lý do đáp trả lại vụ tấn công của liên minh phương Tây một cách cảm tính. Sắp tới, Nga sẽ có những động thái trả đũa và Anh có thể sẽ là nước đầu tiên hứng chịu điều đó.
Phản ứng của truyền thông trong vụ tấn công của liên quân Mỹ - Pháp - Anh vào Syria ngày 14.4 có sự riêng biệt ở Mỹ và châu Âu và còn khác biệt hơn trong phản ứng của truyền thông Nga. Trong 3 khu vực truyền thông thì những quan sát thú vị nhất tới từ truyền hình Nga, một trong những bên gây chú ý nhất trong tuần với công chúng, khiến cho Nga trở thành một trung tâm quyền lực trong cuộc chơi ngay cả khi về mặt địa lý thì sự kiện xảy ra trên đất Syria.
Trong tin tức về vụ tấn công, truyền thông chính thống của Mỹ như Thời báo New York hay The Washington Post không có sự chỉ trích quan điểm của Lầu Năm Góc về những gì họ đã đạt được. Tiếp theo, những tờ báo này có những chỉ trích ông Trump như thường lệ, khi về mặt cơ bản vẫn tán dương vụ tấn công nhưng đặt ra câu hỏi về một chiến lược dài hạn. Đồng thời liên hệ thời điểm của vụ tấn công tới hoạt động chính trị của tổng thống Trump qua vụ văn phòng luật sư của ông bị FBI khám xét một vài ngày trước khi diễn ra vụ tấn công.
Ông James Mattis Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố cuộc tấn công của Mỹ vào Syria hoàn toàn thành công.
Quan điểm của Lầu Năm Góc hoàn toàn giống như dòng tweet của tổng thống Mỹ: "Nhiệm vụ đã hoàn thành!". Các tướng lĩnh tuyên bố tên lửa của họ đã đánh trúng mục tiêu và thành công hoàn toàn trong việc xóa sạch cơ sở chế tạo vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Họ cũng đặc biệt tán dương hiệu quả của những tên lửa hành trình "tàng hình" mới nhất mà theo họ đã vượt qua được tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng không Syria, sau đó đánh trúng những mục tiêu dự kiến.
Trên lục địa châu Âu, đặc biệt tại Đức, Pháp và Bỉ, đặc biệt trên báo chí ra vào ngày 15.4, những tờ báo đều dùng tin tức địa phương trên trang nhất của họ. Tờ Le Figaro không đề cập tới vụ tấn công. Tờ Le Monde sử dụng lại tin của Mỹ, đưa lại câu chuyện của Lầu Năm Góc và những gì họ đã đạt được. Trong khi đó, truyền thông chính thống của nước Đức có vẻ đưa ra nhiều sáng kiến hơn khi tự phân tích những gì đạt được sau vụ tấn công. Báo điện tử Die Welt bình luận về việc Mỹ và châu Âu thực hiện nhiệm vụ này để thử hiệu quả của những vũ khí mới nhất của họ trên chiến trường.
Tờ Frankfurter Allgemeine có 2 bài đinh, không bài nào đi theo đề tài của truyền thông Mỹ mà đưa ra những nhận định độc lập. Một bài đưa ra quan điểm bảo vệ cuộc tấn công cho thấy Lầu Năm Góc là "thành lũy cuối cùng của sự khôn ngoan" trong chính quyền tổng thống Trump. Và họ cho rằng bản thân ông Trump cũng rõ điều này. Trong khi bài viết còn lại cho biết cuộc tấn công không làm ảnh hưởng tới những bước tiến của tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong bối cảnh người Nga đang mở ra một cuộc đối thoại chiến lược với việc Mỹ không kiểm soát việc sử dụng vũ lực.
Báo Pháp hầu như không đề cập tới vụ tấn công Syria.
Tại Anh quốc, thông tin về Syria, vụ không kích và Nga chiếm phần lớn giấy mực trên truyền thông, hơn cả ở Mỹ và các nước còn lại. Từ quan điểm của những nhà phân tích Nga thì nó phản ánh sự hoang mang tại Anh, nơi vai trò tội ác trong vụ Skripal và vụ dàn dựng tấn công hóa học ở Douma có thể bị phơi bày và sẽ có một cái giá phải trả về mặt chính trị cho bà Theresa May và chính phủ của bà.
Báo đối lập Guardian có một loạt các bài viết nhìn nhận câu chuyện Syria theo quan điểm khác. Một bài bình luận cho rằng ông James Mattis đang "nắm quyền chỉ huy" chứ không phải là ông Trump. Một bài viết khác ủng hộ lãnh đạo đảng lao động Anh ông Jeremy Corbyn kêu gọi về việc "kiểm soát việc can thiệp quân sự" bằng cách nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc bỏ phiếu cho điều luật về quyền phát động chiến tranh. Tại Damascus, có thông tin về việc ông Bashar al-Assad tán tụng Moscow và những chỉ trích của ông Putin về vụ tấn công.
Thời báo London, đưa ra một số bài viết cấm kỵ trong đó có mối liên hệ Nga - Syria mà chắc chắn chủ đề của nó để hấp dẫn sự chú ý của những người hay "buôn chuyện" ở Anh. Nổi bật là bài báo dự đoán về sự trừng phạt Anh quốc vì vai trò của Anh trong vụ Skripal và tại Syria. Theo đó, Nga sẽ đưa ra một loạt những thông tin bí mật đã "hack" được của các Bộ trưởng trong chính phủ Anh, thành viên nghị viện và giới tinh hoa Anh quốc. Để đáp trả, nội các của bà May sẽ xem xét một cuộc tấn công mạng chống lại Nga.
Tờ Guardian: "...James Mattis mới là người chỉ huy tại Syria".
Những gì đáng lưu ý nhất bắt đầu từ giới truyền thông Mỹ là những điều xuất hiện trên truyền hình châu Âu đặc biệt là Euronews. Khẩu hiệu của công ty này là "Euronews. Mọi quan điểm". Khẩu hiệu này có vẻ sáo rỗng với những gì Euronews làm trước đó nhưng không phải trong tuần này. Mỹ, Anh, Pháp đưa ra những gì họ đạt được mỗi giờ trên các bản tin.
Cùng thời điểm, người Nga cũng đưa những tin tức hoàn toàn đối lập: về vụ tấn công hóa học xảy ra tại Douma, đông Ghouta, về việc vi phạm luật quốc tế khi liên minh tấn công vào Syria, về hành động gây hấn của liên minh, hay sự dính líu của Anh vào vụ việc Skripal.
Thực tế, vào ngày 14.4, Euronews đã đưa ra thông tin hoàn toàn giống như những gì Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nói tại Moscow trong cuộc họp lần thứ 26 của Hội đồng cố vấn về chính sách Ngoại giao và Quốc phòng. Trong bài phát biểu, ông Lavrov tiết lộ tìm ra một phòng thí nghiệm của Thụy Sĩ đã nghiên cứu những chất hóa học thu thập tại Salisbury liên hệ với vụ đầu độc Skripal. Sự việc này không liên quan tới Novichok như cáo buộc của ông Boris Johnson mà nó là một chất độc thần kinh được phát triển bởi Mỹ và cũng được sản xuất tại Anh. Ông Lavrov so sánh vụ tấn công giả tại Salisbury với vụ tấn công hóa học ở Douma.
Để người Nga bày tỏ quan điểm riêng về những gì xảy ra tại Syria mà không bình luận thêm bởi các nhà báo của chính mình được xem là một điều kỳ lạ của Euronews hay bất cứ một kênh truyền thông tiêu chuẩn nào của châu Âu, nhưng với điều này thì công chúng chỉ có thể hoan nghênh.
Mỹ tuyên bố đã bắn những quả tên lửa hành trình "tàng hình" mới nhất.
Những kênh truyền thông khác của phương Tây rất sinh động, nhiều người rất thích những bình luận về việc tổng thống Vladimir Putin đã chịu thua Mỹ vì không đánh trả ngay lập tức hay chống lại vụ tấn công ngày 14.4 của liên quân Mỹ, Pháp, Anh. Những tin tức này không xuất hiện trên truyền hình Nga bao gồm cả đối thoại trên truyền hình. Một phần, có thể điều này xảy ra vì việc kiểm soát sóng truyền hình. Nhưng lý do thuyết phục hơn là vì những thông tin về sự việc bắt đầu từ nửa đêm đến rạng sáng ngày 14.4 đều có ý nghĩa trọng đại và được đưa theo một hướng sai lệch trên truyền thông phương Tây nên khả năng về việc những "người cầm chịch" nao núng trước những thông tin như vậy là không có.
Thông tin bắt đầu từ hiệu quả của tên lửa Tomahawk Mỹ và những tên lửa hành trình "thông minh" do liên minh phóng đi. Như đã nói trên, Lầu Năm Góc đã tuyên bố thành công lớn và hướng sự chú ý đặc biệt tới những tên lửa hành trình "tàng hình". Nhưng tin tức Nga nhấn mạnh Washington đã sử dụng hầu hết là những tên lửa thế hệ cũ, những loại đạn lỗi thời. Chúng nhận được sự trả đũa từ hệ thống phòng không cũ kỹ của Syria, với các loại hỗn hợp nhiều loại được chế tạo từ 30 năm trước và khó có thể hoàn toàn hợp nhất tác chiến với nhau. Tuy nhiên, Nga cũng thông tin rằng Syria đã đánh chặn được 71 tên lửa trong 103-105 quả tên lửa do liên quân đánh vào ngoại ô Damascus.
Vào tối 14.4, kênh tin tức Nga Rossiya-1 đã phát một cuộc đối thoại đặc biệt về chính trị do Vladimir Solovyov dẫn chương trình. Những chuyên gia tham gia chương trình đã giải thích rằng tỷ lệ đánh chặn tên lửa của Syria trên thực tế có thể thay đổi. Vì tại Damascus, nơi triển khai các hệ thống phòng không mới nhất và hiệu quả nhất có bao gồm cả hệ thống tên lửa BUK cũ, Syria có thể bắn hạ 100% tên lửa tấn công. Nhưng tại các vùng khác trên đất nước này, nơi có hệ thống phòng không cũ kỹ thì tỷ lệ đánh chặn sẽ thấp hơn.
Thử nghiệm hệ thống S-300.
Với ai đặt câu hỏi về "những hậu quả nghiêm trọng" mà Nga sẽ bắt liên minh phương Tây phải cáng đáng sau vụ không kích ngày 14.4 thì họ nên xem xét vấn đề: Moscow có vẻ đã quyết định cung cấp cho quân đội Syria thế hệ vũ khí phòng không mới nhất S-300. Người ta đã biết vì cuộc nội chiến và thời gian ngắn ngủi để đào tạo các kỹ thuật viên bên phía quân đội Syria khiến cho việc có được hệ thống này trước đây không mang ý nghĩa gì.
Nhưng hiện tại, tình thế quân sự của quân đội chính phủ tổng thống Assad đã ổn định, vấn đề con người không còn quá quan trọng và người Nga có thể chuyển vũ khí và huấn luyện người Syria để họ tự phòng vệ. Điều này thay đổi cơ bản về phương diện cân bằng của khả năng phòng không Syria khiến Mỹ và các đồng minh phải cân nhắc nếu định quay trở lại nước này trong năm tới.
Một trong những quan sát quan trọng nữa là về cách thức mà Mỹ thực hiện vụ tấn công đã hoàn toàn chứng minh tại sao những nhà lãnh đạo Nga đã kiềm chế không đáp trả cũng được các chuyên gia chứng thực bởi những gì họ nói trong cuộc đối thoại của Solovyov. Từ những khoảnh khắc đầu tiên của vụ tấn công, phạm vi tấn công đã bị hạn chế đến mức nhiệm vụ coi như là bất khả thi.
Bình thường, khi Mỹ và các nước khác bắt đầu một chiến dịch quân sự tấn công một nước nào đó, họ sẽ bắt đầu chiến dịch bằng cách tấn công ồ ạt vào hệ thống phòng không và vào các trung tâm chỉ huy và kiểm soát với mục đích vô hiệu hóa được đối phương bằng cách tấn công vào những mục tiêu đặc biệt có giá trị về mặt quân sự. Mỹ hoàn toàn bỏ qua những điều đó khi họ quyết định không động tới người Nga, những quan chức chỉ huy gắn liền với hệ thống phòng không, chỉ huy và kiểm soát của Syria.
Phòng không Syria nhiều lần đánh chặn thành công các tên lửa tấn công vào căn cứ quân sự của họ.
Do đó, việc đặc biệt sử dụng tên lửa thay vì đánh bom bằng máy bay cho thấy tất cả các máy bay có người lái có thể bị bắn hạ ngay cả bởi những vũ khí cũ kỹ của Syria. Tóm lại, cuộc tấn công của liên quân Mỹ - Pháp - Anh vào Syria là một đòn nghi binh mang mục đích chính trị chứ không phải là một cuộc tấn công quân sự. Mô tả của người Mỹ và các đồng minh đây là một "vụ tấn công chính xác" để loại bỏ các cơ sở vũ khí hóa học là một mánh khóe ngụy trang mà chỉ có sự mù quáng hoặc thiên kiến của truyền thông phương Tây chấp nhận. Điều này cho thấy rằng gần như chắc chắn chính phủ Syria không có cơ sở sản xuất hay kho trữ vũ khí hóa học. Vì 4 năm trước đó, dưới đàm phán và thỏa thuận giữa Nga và Mỹ thời tổng thống Obama, kho vũ khí hóa học của Syria đã bị tiêu hủy và có sự chứng thực bên phía Mỹ.
Kết luận quan trọng hơn của sự việc này cùng với những thông tin trên truyền hình Nga rằng tính mạng của người Nga, các lợi ích của họ và tiềm lực quân sự đã có tính toán tới mọi nước đi khi Lầu Năm Góc quyết định thực hiện kế hoạch tấn công vào Syria. Trong những tình huống xảy ra vừa qua, người Nga không có lý do để đáp trả lại một cách thiếu trách nhiệm và cảm tính với sự khiêu khích của Mỹ.
Những hành động tiếp theo của Nga để đòi liên minh phương Tây phải trả giá cho việc vi phạm luật quốc tế tại Syria vẫn chưa xuất hiện. Nhưng có thể phỏng đoán rằng rất có thể Anh sẽ là nước đầu tiên giơ đầu chịu báng.