Việt Nam dự kiến yêu cầu nhận báo giá và thông tin chính thức về 4 - 6 máy bay P-3 Orion trong vài tháng tới, Clay Fearnow, giám đốc cao cấp bộ phận hàng không của công ty Lockheed Martin, nói tại triển lãm hàng không ở Berlin tuần trước, theo Reuters.
Nếu giao dịch thành công, các máy bay P-3 hải quân Mỹ đã ngừng sử dụng và đang đỗ ở một sa mạc sẽ được tân trang với đôi cánh mới, hệ thống nhiệm vụ và thiết bị tác chiến chống ngầm mới cho Việt Nam, ông Fearnow nói.
Chi phí có thể vượt mức 80 - 90 triệu USD/chiếc, từng áp dụng cho Đài Loan cách đây vài năm, vì các thiết bị bổ sung, đại diện hãng sản xuất cho biết thêm.
Lockheed đã chế tạo cánh mới hoặc tân trang hơn 90 máy bay P-3 trên toàn thế giới, bao gồm Mỹ, Na Uy, Đài Loan, Chile và Đức từ năm 2008, với một số đơn đặt hàng vẫn còn đang trong quá trình thực hiện.
Hàn Quốc cũng đang xem xét việc mua cánh mới cho máy bay P-3 của mình. Seoul còn đang nghiên cứu việc mua lại 12 máy bay S-3 của hải quân Mỹ, đã ngừng hoạt đông vào năm 2009 và đang đậu ở một sa mạc, ông Fearnow nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ không thể bình luận về khả năng bán máy bay P-3 hoặc S-3 cho đến khi họ chính thức thông báo với quốc hội Mỹ.
P-3 Orion là máy bay 4 động cơ phản lực cánh quạt, chủ yếu làm nhiệm vụ chống tàu ngầm và trinh sát hàng hải, được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1960. P-3 có sải cánh khoảng 30 m, dài 35 m, cao 10 m với một khoang chứa bom ở dưới thân trước máy bay. Dưới cánh chiếc phi cơ cũng có thể trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau như tên lửa chống hạm AGM-84H/K Harpoon, AGM-84E SLAM, tên lửa đối đất AGM-65F Maverick, ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng trước tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hoan nghênh quyết định này.
Theo VNE