Mỹ: nổ súng, cướp bóc gần khu vực biểu tình Ferguson

Nổ súng, đốt phá và cướp bóc đã xảy ra trong các cuộc biểu tình tại thị trấn Ferguson (Missouri, Mỹ), nhằm phản đối vụ thanh niên da màu Freddie Gray tử vong do chấn thương nghiêm trọng một tuần sau khi bị cảnh sát thành phố Baltimore (Maryland, Mỹ) bắt giữ.
Biểu tình tiếp tục lan rộng tại Mỹ. Ảnh: NYDaily
Biểu tình tiếp tục lan rộng tại Mỹ. Ảnh: NYDaily

Truyền thông địa phương đưa tin ba người đã bị bắn trong các vụ việc riêng rẽ vào đêm 28-4 và rạng sáng 29-4 gần khu vực biểu tình ở thị trấn Ferguson.

Trong khi đó, năm người bị bắt vì cướp bóc tại một trạm xăng gần khu vực Dellwood. Theo báo cáo, khoảng 50 đối tượng đã tham gia đốt phá thùng rác và các khu vệ sinh công cộng ở khu vực này lúc 1 giờ 40 phút ngày 29-4 giờ địa phương. Nhiều người tấn công xe cảnh sát bằng gạch đá.

Ngoài Ferguson, khoảng 500 người cũng tham gia biểu tình bên ngoài các trụ sở cảnh sát ở thành phố Chicago, (bang Illinois, Mỹ) đêm 28-4 – rạng sáng 29-4. Tuy nhiên, các cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình, chỉ một người bị bắt.

Trong khi đó, tại Baltimore, phần lớn đường phố vắng lặng trong đêm 28-4, đêm giới nghiêm đầu tiên sau khi làn sóng biểu tình bạo lực bị thổi bùng lên do vụ Gray. Theo cảnh sát, 10 người đã bị bắt giữ; vài trăm người biểu tình trước một nhà thuốc đã bị cảnh sát dùng hơi cay và đạn cao su giải tán. Sau khi lệnh giới nghiêm kết thúc lúc 5 giờ sáng ngày 29-4 giờ địa phương, các trường học đã mở cửa trở lại. Lệnh giới nghiêm ban đêm tại Baltimore sẽ kéo dài trong một tuần.

Làn sóng biểu tình bạo lực từng bùng nổ tại thị trấn Ferguson năm ngoái sau vụ cảnh sát da trắng bắn chết thanh niên da màu không có vũ trang Michael Brown, 18 tuổi.

Thành phố Baltimore, cách thủ đô Washington khoảng 64 kilomet, có khoảng 622.000 dân, trong đó 63% là người da màu. Vụ biểu tình bạo lực bùng nổ ngày 27-4 sau đám tang Freddie Gray, người đã tử vong do chấn thương cột sống nghiêm trọng, một tuần sau khi bị cảnh sát bắt giữ. Tình hình trở nên căng thẳng buộc chính quyền bang Maryland phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Sự việc này được coi là nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua tại bang Maryland khi buộc lực lượng vệ binh quốc gia phải tuần tra các tuyến phố kể từ vụ bạo loạn năm 1968.

Theo thống kê, bạo lực ở Baltimore đã khiến 235 người biểu tình quá khích bị bắt giữ, trong đó có 34 thiếu niên; 15 công trình xây dựng như nhà cửa và cửa hàng bị phóng hỏa; 144 phương tiện giao thông bị đốt cháy và hơn 20 cảnh sát bị thương.

Theo TBKTSG