Mỹ ngang nhiên bắn hạ Su-22 Syria: Chuyên gia Việt Nam nhận định gì?

VietTimes -- Kể từ ngày 5/5/2017, cuộc nội chiến ở Syria về cơ bản đã chấm dứt, mở ra triển vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này. Nhưng sự kiện liên quân do Mỹ chỉ huy bất ngờ bắn rơi máy bay Su-22 của Không quân Syria không chỉ ngăn cản xu hướng tích cực vừa được nhen nhóm này mà còn đẩy Syria tới trước hiểm họa một cuộc chiến tranh lớn.
Chiến đấu cơ F/A-18 của quân đội Mỹ
Chiến đấu cơ F/A-18 của quân đội Mỹ

Nội chiến Syria sắp kết thúc

Nếu nói tới nội chiến ở Syria, thì đó là xung đột giữa các lực lượng đối lập người Syria bị kích động dẫn tới mâu thuẫn và bất đồng với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad kể từ khi bùng phát các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân Arab” đầu năm 2011 tới nay. Cuộc nội chiến này đan xen trong một thế trận cực kỳ phức tạp với một cuộc chiến tranh khác mà thực chất là chiến tranh xâm lược do các lực lượng khủng bố đến từ hơn 30 quốc gia tiến hành và được phương Tây cũng như đồng minh của họ trong khu vực Trung Đông tài trợ và trang bị. Đến đầu tháng 5/2017, cuộc nội chiến ở Syria về cơ bản đã được hóa giải.

Theo thông báo chính thức của tướng Sergei Rudskoi, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, ngày 4/5/2017, các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Bản ghi nhớ tại cuộc đàm phán ở Astan, thủ đô Cộng hòa Kazakhstan, để thiết lập 4 “vùng an toàn” tại Syria, theo đó các bên không được phép triển khai hoạt động quân sự tại đây, bao gồm cả các chuyến bay của không quân.

Ngày 5/5/2017, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thỏa thuận về các “vùng an toàn” tại Syria có hiệu lực từ nửa đêm tới sáng sớm ngày 6/5/2017 (theo giờ Hà Nội). Trong đó, “vùng an toàn” đầu tiên và lớn nhất được hình thành tại miền Bắc Syria bao gồm tỉnh Idlib và những quận liền kề của các thành phố Latakia, Aleppo và Hama với tổng số dân hơn 1 triệu người.

Còn trên thực tế, từ 0 giờ ngày 1/5/2017, Không quân Nga đã ngừng sử dụng không phận tại các “vùng giảm căng thẳng" được hình thành tại 4 khu vực, gồm tỉnh Idlib, một số vùng liền kề tới phía Bắc tỉnh Homs, Đông Ghouta và một loạt các tỉnh ở miền Nam Syria (Daraa và Al-Quneitra). Tại ranh giới các “vùng giảm căng thẳng” đã thành lập các khu vực an toàn và tại đó đặt các trạm kiểm soát người dân ra vào “vùng giảm căng thẳng” để thực hiện công tác cứu trợ nhân đạo và các điểm giám sát ngừng bắn [1].

Như vậy, theo nhận định của tướng Sergey Rudskoy, cuộc nội chiến ở Syria trên thực tế đã ngừng và tình hình đang thay đổi theo hướng tích cực sau khi Bản ghi nhớ được ký tại Astana ngày 4/5/2017 về việc thiết lập các “khu vực giảm căng thẳng” trên lãnh thổ Syria. Cũng theo Bản ghi nhớ, các khu định cư bị chiến tranh tàn phá hiện đã được giải phóng khỏi các tổ chức khủng bố sẽ được phục hồi hạ tầng cơ sở và nước Nga sẽ đi đầu giúp đỡ Syria hàn gắn vết thương chiến tranh. Người dân Syria đang trở lại các thị trấn và làng mạc vừa được giải phóng, tích cực khôi phục hoạt động kinh tế, cơ sở điện lực, các đầu mối giao thông, hệ thống kênh dẫn nước tưới tiêu đất nông nghiệp.

Phát biểu với Kênh truyền hình Ấn Độ ở thủ đô Damascus, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết, điều tồi tệ nhất trong cuộc nội chiến Syria đã lùi lại phía sau nhờ hàng loạt thắng lợi của Quân đội Syria [2].

Phi công chiếc Su-22M4 của Syria

Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng

Tình hình đang từng bước đi vào ổn định ở Syria hòan toàn đi ngược lại mục tiêu đề ra trong chiến lược gây “bất ổn có kiểm soát” của Mỹ ở Trung Đông, do đó họ đang tìm mọi cách để phá loại. Những toan tính đó đã được hiện thực hóa vào ngày 18/6/2017: liên quân do Mỹ dẫn đầu đã bắn hạ chiếc máy bay cường kích Su-22 của Syria khi nó đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại vùng nông thôn thuộc tỉnh Raqqa. Đây là lần đầu tiên, liên quân do Mỹ chỉ huy bắn hạ máy bay của chính phủ Syria đang làm nhiệm vụ chống khủng bố.

Theo lý giải của Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ, liên quân do Mỹ chỉ huy bắn hạ một máy bay quân sự của Syria ném bom vào những vị trí gần các tay súng thuộc Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) là liên minh người Kurd được Washington hậu thuẫn. Phía Mỹ còn cho rằng việc liên quân bắn hạ Su-22 của Syria là “hành động tự vệ tập thể để đảm bảo an toàn cho các lực lượng đối tác”, ám chỉ các tay súng của SDF do Mỹ hậu thuẫn [3,4].

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị người Kurd, ông Rizan Hadu-thành viên của Hội đồng dân chủ Syria, nhận định: "Chiếc máy bay Su-22 của Syria bị Mỹ bắn hạ không hề tìm cách tấn công các vị trí của Lực lượng dân chủ Syria. Do đó, tuyên bố của chính quyền Damascus rằng chiếc máy bay này đang làm nhiệm vụ tấn công các vị trí của IS là đúng sự thật”. Ông Rizan Hadu khẳng định, Mỹ không thể đưa ra bất kỳ lý do nào, dù là rất yếu ớt, để có thể biện minh cho việc bắn hạ máy bay Syria trên lãnh thổ nước này [5].

Rõ ràng, đây là vụ tấn công có chủ ý nhằm vào quân đội Syria bởi trong không phận quốc gia này hiện có các máy bay của Không quân Nga hoạt động và hai bên đã thiết lập kênh liên lạc chính thức để tránh hiểu nhầm và tránh va chạm, nhưng Mỹ đã không sử dụng kênh liên lạc đã thỏa thuận với Nga. Bộ Quốc phòng Syria và Bộ Quốc phòng Nga đã khẳng Syria nhấn mạnh: "Cuộc tấn công trắng trợn này là âm mưu nhằm phá hoại các nỗ lực của quân đội Syria vốn là lực lượng chiến đấu có hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống khủng bố trên khắp lãnh thổ của đất nước”.

F/A-18 của hải quân Mỹ xuất kích từ tàu sân bay
F/A-18 của hải quân Mỹ xuất kích từ tàu sân bay

Ngày 19/6/2017, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Matxcơva chấm dứt hiệu lực Bản ghi nhớ giữa Mỹ và Nga ký ngày 20/10/2015 về ngăn chặn sự cố trên không và bảo đảm an toàn bay trong quá trình hoạt động ở Syria, đồng thời đình chỉ đường dây nóng giữa Nga và Mỹ về tình hình Syria và khẳng định, bất kỳ máy bay nào, bao gồm máy bay và thiết bị bay không người lái của liên quân quốc tế, khi bị phát hiện ở vùng phía tây sông Euraphates, sẽ bị các lực lượng phòng không của Nga theo dõi trên không cũng như trên mặt đất và chúng được xem là những mục tiêu. Tuy nhiên, Matxcơva không công khai tuyên bố sẽ bắn hạ các máy bay của liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ra tuyên bố lên án hành động của Mỹ đang giúp đỡ những kẻ khủng bố mà chính Mỹ cũng đang chiến đấu chống lại và cho rằng hành động của Mỹ là sự gây hấn [6].

Mỹ cố tình bắn hạ Su-22 của Syria nhằm mục đích gì?

Liên quân do Mỹ chỉ huy bắn hạ máy bay Su-22 của Syria nhằm nhiều mục đích.

Một là, cổ vũ tinh thần của các lực lượng phiến quân, trước hết là IS, đang bị hoảng loạn sau khi thủ lĩnh của họ là Abu Bakr al-Baghdadi vừa bị không quân Nga tấn công tiêu diệt ở Rakka [7,8].

Hai là, ngăn cản và phá hoại mọi diễn biến tích cực trong tiến trình hòa bình đang được hình thành sau khi nội chiến ở Syria về cơ bản đã chấm dứt.

Ba là, thử phản ứng đối với lập trường của Nga kiên quyết ủng hộ chính quyền Damascus trong cuộc chiến chống IS.

Bốn là, “diễn tập thử” phương án gây hấn, buộc quân đội Syria phản ứng đáp trả, mượn cớ đó Mỹ sẽ phát động cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào thủ đô Damascus của Syria để giải quyết nhiệm vụ chiến lược trong cuộc chiến này là loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Năm là, gây sức ép đối với Nga, buộc Nga phải “xuống thang” trong cuộc đối đầu với Mỹ trên các mặt trận khác nhau. Vì thế, ngay sau sự kiện liên quân Mỹ bắn rơi Su-22 của Syria, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị một kế hoạch ba điểm để thương lượng với Nga: (1) thuyết phục Nga kiềm chế các hành động “gây hấn” và nhấn mạnh rằng Washington sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục những hành động như vậy; (2) phối hợp với Nga trong các vấn đề mang tính lợi ích chiến lược đối với Mỹ như vấn đề Syria, Triều Tiên và  an ninh mạng (đặc biệt là hợp tác tích cực hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS và cô lập Bình Nhưỡng); (3) duy trì sự ổn định chiến lược với Nga [9].

Cường kích Su-22 của quân đội Syria
Cường kích Su-22 của quân đội Syria

Không ai cần Thế chiến III bùng phát ở Syria

Theo nhận định của Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban quan hệ quốc tế của Hội đồng liên bang Nga Vladimir Jabarov, những vụ gây hấn tương tự như sự kiện liên quân Mỹ bắn rơi máy bay Su-22 của Syria có thể dẫn tới hành động đáp trả và khơi mào cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn [10].

Matxcơva hiểu quá rõ thâm ý này của Mỹ. Ý đồ ẩn chứa trong kịch bản này đã từng được Iror Morozov, thành viên của Hội đồng liên bang Nga lột tả. Từ trước tới nay, chính quyền Damascus vẫn kiềm chế, không để xảy ra hành động quá khích mà Mỹ có thể lợi dụng. Điện Kremlin cũng nhận thức rõ toan tính này của Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố rõ về toan tính này của Mỹ: “Liên quân do Mỹ chỉ huy không hành động chống IS mà là đang áp dụng mọi biện pháp nhằm ngăn cản quân đội Syria chống khủng bố. Rõ ràng, Mỹ đang sử dụng IS để thực hiện chính sách của họ ở Trung Đông”.

Theo tuyên bố của Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Nga, Mátxcơva không có ý định tự động bắn rơi mọi khí tài bay xâm phạm khu vực hoạt động của Không quân Nga ở Syria mà quyết định bắn hay không còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ có hành động xâm lược thì Không quân Nga sẽ có hành động đáp trả cứng rắn nhất” [11,12].

Theo giới quân sự Nga cũng như phương Tây, nếu xảy ra xung đột giữa máy bay và hệ thống phòng không của Nga với máy bay của Mỹ và NATO trên bầu trời Syria thì chắc chắn là phần thắng sẽ thuộc về phía Nga. Nhưng sự đụng độ đó sẽ dẫn tới chiến tranh lớn nên tốt nhất là xung đột đó sẽ không xảy ra bởi không ai cần tới Thế chiến III-một cuộc chiến mà trong đó không có kẻ chiến thắng mà chỉ dẫn tới sự hủy diệt đối với cả hai bên.

Do đó, phía Nga một mặt kiềm chế hành động đáp trả trước các vụ gây hấn của Mỹ, mặt khác thể hiện cho đối phương biết rằng giành ưu thế tuyệt đối về quân sự so với Nga để “nói chuyện” với Matxcơva trên thế mạnh, hoặc thậm chí phát động chiến tranh là ảo tưởng phiêu lưu đẩy hiểm họa.

Phản ứng cứng rắn của Nga sau vụ Su-22 của Syria bị Mỹ bắn rơi đã thể hiện tác dụng: Ngày 19/6/2017, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Josept Dunford, cho biết Washington đang tìm cách nối lại đường dây nóng quân sự với Nga, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lực lượng của cả hai bên đang hoạt động tại Syria. Theo ông, Mỹ sẽ triển khai các biện pháp thông qua kênh ngoại giao và quân sự để nối lại đường dây nóng trong những giờ tới. Đồng thời, lực lượng quân sự của liên quân do Mỹ chỉ huy đang điều chỉnh vị trí đóng quân trên lãnh thổ Syria, còn không quân Australia thuộc liên quân này tuyên bố sẽ không cất cánh trong thời gian tới./.

***

Tài liệu tham khảo

[1]В Генштабе заявили о фактической остановке гражданской войны в Сирии.

https://ria.ru/syria/20170609/1496218430.html?utm_source=push&utm_medium=browser_notification&utm_campaign=ria.ru

[2] Syrian President Bashar al-Assad says civil war’s ‘worst is behind us’. http://www.independent.co.uk/news/world/middle-east/bashar-al-assad-syria-civil-way-worst-is-behind-us-russia-a7771556.html

[3 ]ВВС возглавляемой США коалиции сбили сирийский истребитель в районе Ракки. http://tass.ru/mezhdunarodnaya-panorama/4346682?utm_source=tass&utm_medium=push&utm_campaign=push_all&following_ch=2352

[4] Syrian warplane shot down by US jet. http://edition.cnn.com/2017/06/18/middleeast/syrian-warplane-shot-down-coalition/index.html

[5]Kurdish Politician: Syrian Fighter Jet Shot by US Not in Anti-SDF Operation. http://en.farsnews.com/newstext.aspx?nn=13960329000889

[6] Минобороны России прекратило действие меморандума с США по Сирии. https://topwar.ru/118419-minoborony-rossii-prekratilo-deystvie-memoranduma-s-ssha-po-sirii.html

[7] Abu Bakr al-Baghdadi dead: Russia says it may have killed Isis leader in Raqqa air strike. http://www.independent.co.uk/news/world/middle-east/abu-bakr-al-baghdadi-dead-isis-leader-russia-raqqa-air-strike-killed-syria-islamic-state-chief-a7792801.html

[8] Russia destroyed the leader of ISIS Abu Bakr al-Baghdadi? There are 4 reasons to doubt this. https://intmassmedia.com/2017/06/18/russia-destroyed-the-leader-of-isis-abu-bakr-al-baghdadi-there-are-4-reasons-to-doubt-this/

[9]Tillerson draws up program for dealing with Russia — media. http://tass.com/world/952235

[10] В Совфеде отреагировали на инцидент со сбитым самолетом ВВС Сирии со стороны США. http://ru.faktxeber.com/News_h447475.html

[11]Клинцевич: Россия не будет автоматически сбивать любые объекты в районах действия ВКС в Сирии. https://www.vz.ru/news/2017/6/19/875154.html

[12]Будут Ли ВКС России Сбивать Самолеты Коалиции США.http://votat.md/2017/06/20/vy-yasneno-budut-li-vks-rossii-sbivat-samolety-koalitsii-ssha/