Thủy quân lục chiến Mỹ. |
Vụ kiện trọng tài Biển Đông của Philippines có thể có kết quả trong thời gian tới. Tờ Washington Post Mỹ ngày 10/5 phân tích nếu Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc tiến hành các hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo trái phép ở bãi cạn Scarborough, lân cận vịnh Subic của Philippines, thì đồng minh của Mỹ ắt sẽ cho rằng liên minh với Mỹ rất thiếu hiệu quả.
Hiện nay, toàn thế giới đang theo dõi sát sao việc Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague chuẩn bị đưa ra phán quyết đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines. Các giới phần lớn dự đoán kết quả phán quyết sẽ bất lợi cho yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc.
Nhưng dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến khả năng Bắc Kinh thời gian tới sẽ tiến hành bồi đắp, xây đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough, nơi cách căn cứ vịnh Subic của Quân đội Mỹ chỉ khoảng 150 hải lý.
Theo tờ Washington Post, trong vài tháng tới, sách lược tái cân bằng châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đối mặt với thử thách từ Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không tuân thủ cam kết “không quân sự hóa Biển Đông”.
Chính quyền Barack Obama nếu không thể ngăn chặn hành động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough thì vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ bị suy giảm.
Bãi cạn Scarborough cách Trung Quốc khoảng 500 hải lý, nếu xây dựng căn cứ quân sự ở đây Bắc Kinh có đủ khả năng đe dọa Manila và Quân đội Mỹ đồn trú ở Philippines.
Đồng thời việc đó còn cho thấy Bắc Kinh và ông Tập Cận Bình không tuân thủ luật pháp quốc tế, ngang nhiên coi thường phán quyết, ngang nhiên thúc đẩy yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc.
Mỹ đã sử dụng nhiều biện pháp quân sự để ngăn chặn các hành động bất hợp pháp của Bắc Kinh. Gần đây, trong chuyến thăm Philippines vào tháng 4/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter còn đích thân quan sát cuộc diễn tập quân sự liên hợp giữa Mỹ và Philippines trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố Mỹ và Philippines đã cùng nhau tuần tra ở Biển Đông.
Tờ Washington Post lo ngại Mỹ vẫn chưa hành động “đủ”, hiện nay xem ra đã sử dụng hết cách. Nhưng, nếu chính quyền Barack Obama không thể ngăn chặn Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough thì đồng minh của Mỹ sẽ cho rằng, làm đồng minh của Mỹ cũng chẳng ăn thua gì.
Trước đó, theo các nguồn tin, vào ngày 19/4, Quân đội Mỹ đã điều 6 máy bay tấn công A-10 Thunderbolt và 2 máy bay trực thăng Pave Hawk cất cánh từ sân bay Clark của Philippines, bay qua vùng trời bãi cạn Scarborough. Điều này rõ ràng đã phát đi tín hiệu với Trung Quốc.
Gần đây, Mỹ-Philippines cũng đã ký kết thỏa thuận quân sự mới, cho phép Quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ quân sự của Philippines, trong đó căn cứ không quân Antonio Bautista trên đảo Palawan nằm rất gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều này giúp Mỹ có thể triển khai phản ứng nhanh khi có xung đột xảy ra ở Biển Đông.
Đáng chú ý, ngày 6/5, Bắc Kinh thông qua cuộc họp báo của Âu Dương Ngọc Tĩnh, Vụ trưởng Vụ Biên giới và Hải dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên khẳng định cái gọi là "chủ quyền" đối với quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough.
Trung Quốc đã đưa ra những bằng chứng không có thật về việc thực thi chủ quyền của Trung Quốc đối với hai khu vực này. Trung Quốc lấy cớ ba hiệp ước giữa Mỹ với Tây Ban Nha và Anh để bác bỏ chủ trương chủ quyền của Philippines đối với bãi cạn Scarborough, theo đó, tự nhiên coi bãi cạn này là của mình.
Đáng chú ý, Âu Dương Ngọc Tĩnh cho biết, đến cuối tháng 6 năm nay, Trung Quốc sẽ kết thúc xây dựng ở Biển Đông. Điều này có nghĩa Bắc Kinh có thể sẽ không xây dựng ở bãi cạn Scarborough vào thời điểm này. Tuy nhiên, muốn biết Trung Quốc sẽ làm gì với bãi cạn này hay với các khu vực khác trên Biển Đông thì chỉ có cách theo dõi chặt chẽ hành động của nước này trên thực tế.