Mỹ khoe "thầm": Trung bình hai ngày lực lượng Mỹ tiêu diệt một thủ lĩnh IS

Ngày 4-12, các quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ trung bình cứ hai ngày lực lượng Mỹ lại tiêu diệt một thủ lĩnh từ cấp trung đến cấp cao của IS, tuy nhiên mục tiêu tối thượng sẽ là ông trùm IS.
Đặc nhiệm Mỹ tại Iraq - Ảnh: AFP
Đặc nhiệm Mỹ tại Iraq - Ảnh: AFP

Theo báo Washington Post, các quan chức Nhà Trắng cho biết đây chính là lý do khiến Tổng thống Barack Obama quyết định triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Iraq.

Cứ hai ngày lực lượng Mỹ giết một thủ lĩnh cấp trung và cao của IS, nhưng thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi đang lẩn trốn biệt tăm.

Thông tin tình báo giúp xác định mục tiêu

Quân đội Mỹ xác định tiêu diệt Baghdadi là mục tiêu cực kỳ quan trọng, bởi hắn đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức lực lượng cực đoan bên ngoài các vùng lãnh thổ IS đang kiểm soát ở Syria và Iraq. Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh lực lượng Mỹ luôn đạt tỷ lệ thành công cao khi lập kế hoạch tiêu diệt các mục tiêu khủng bố quan trọng.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng thông báo trong thời gian qua quân đội Mỹ đã tiêu diệt được một số thủ lĩnh cấp cao của IS như phó tư lệnh IS tại Iraq Haji Mutazz, hai phiến quân người Anh khét tiếng là Junaid Hussain và đao phủ “John thánh chiến” ở Syria.

Thành công lớn nhất là trận càn ở Syria hồi tháng 5 giúp tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao Abu Sayyaf của IS. Ngày 16-5, máy bay trực thăng Black Hawk và máy bay V-22 Osprey từ Iraq chở 24 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Delta Force xâm nhập Syria, bắn chết Sayyaf, kẻ được mệnh danh là “thủ lĩnh dầu khí” của IS.

Khi đó, lực lượng Mỹ bắt được vợ của Sayyaf đồng thời thu thập được vô số máy vi tính, điện thoại và các tập tài liệu chứa thông tin về cơ cấu kinh tế của IS. Các quan chức Nhà Trắng khẳng định càng mở nhiều trận càn tiêu diệt các thủ lĩnh IS thì Mỹ càng thu thập được nhiều tin tình báo về các mục tiêu kế tiếp.

“Càng có thêm thông tin tình báo chúng tôi càng dễ tiếp cận bọn thủ lĩnh IS” - một quan chức nhấn mạnh. Đội đặc nhiệm mà Bộ Quốc phòng Mỹ cử đến Iraq ban đầu sẽ bao gồm 100 binh sĩ cực kỳ tinh nhuệ. Họ sẽ làm nhiệm vụ thực hiện chiến dịch càn quét để tiêu diệt các thủ lĩnh IS.

Ngoài ra, 50 binh sĩ thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch đặc biệt của Mỹ cũng sẽ lên đường đến Syria để hỗ trợ quân nổi dậy chống IS. Hồi năm 2007, chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng từng triển khai lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ đến Iraq, chuyên tổ chức các trận càn ban đêm để tiêu diệt các thành viên cấp cao của nhóm khủng bố Al-Qaeda hoạt động tại đây.

Tránh sa lầy

“Kẻ thù hiện nay là IS. Đặc nhiệm Mỹ sẽ tập trung vào các mục tiêu và cá nhân có giá trị cao” - một quan chức Mỹ khẳng định. Các đặc nhiệm Mỹ sẽ phối hợp với binh sĩ người Kurd và quân đội Iraq ở Iraq, và binh sĩ Ả Rập tại Syria khi thực hiện các trận càn ban đêm.

Giới quan sát nhận định đây là chiến thuật ông Obama áp dụng để tăng tốc cuộc chiến chống IS mà không cần triển khai lực lượng bộ binh quy mô lớn đến Trung Đông, điều mà ông luôn từ chối thực hiện vì lo sợ nguy cơ sa lầy.

“Tổng thống Obama đang cố tìm sự cân bằng giữa việc triển khai bộ binh quy mô lớn với việc ngăn chặn nguy cơ sa lầy” - báo New York Times dẫn lời chuyên gia Aaron David Miller thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson nhận định.

Thời gian qua, lực lượng Mỹ cũng đã tập trung không kích và mở các trận càn ở những địa điểm mang tính chiến lược đối với IS. Quan trọng nhất là vùng lãnh thổ dài gần 100 km ở phía tây bắc Syria, dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là cửa ngõ đển hàng chục nghìn tay súng nước ngoài từ ít nhất 100 quốc gia đến Syria để gia nhập IS. Một địa điểm trọng yếu khác là khu vực gần thị trấn Kobane, nơi lực lượng người Kurd và Ả Rập đã giành lại từ IS gần đây, và đặc biệt là Raqa, “thủ đô” của IS ở Syria. “Đó là những lãnh thổ chiến lược” - quan chức trên mô tả.

Cực đoan Syria đến Thái Lan để tấn công lợi ích Nga

Ngày 4-12, truyền thông quốc tế đăng tải tài liệu mật bị rò rỉ từ cảnh sát Thái Lan cho thấy 10 công dân Syria “có quan hệ” với IS đã đến quốc gia Đông Nam Á để tấn công các lợi ích của Nga.

Theo Reuters, trong tài liệu mật đóng dấu “khẩn” lực lượng cảnh sát đặc nhiệm Thái Lan cho biết nhận được thông tin tình báo này từ Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB). Theo đó, 10 người Syria đã đến Thái Lan trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 31-10.

Trong đó, bốn nghi can đến thành phố biển Pattaya, hai tới đảo du lịch Phuket, hai đến thủ đô Bangkok và hai đi đâu không rõ.

Reuters dẫn lời hai lãnh đạo cảnh sát ở Bangkok xác nhận tài liệu này là có thật, và cảnh sát Nga và Thái Lan đã trao đổi trực tiếp với nhau về mối đe dọa này.

Nhà chức trách Thái Lan yêu cầu tăng cường an ninh “tại các địa điểm mà chính quyền Nga lo ngại”, bao gồm các địa điểm có nhiều người Nga tụ tập và cả những nơi có liên quan đến các nước đồng minh tham gia chiến dịch chống IS ở Syria.

Theo Tuổi trẻ