Theo báo Wall Street Journal, tại Canberra (Úc) chuẩn đô đốc Christopher Paul thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết Washington quyết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực. Mỹ sẽ triển khai thêm hàng loạt tàu chiến hiện đại tới Thái Bình Dương, trong đó có tàu khu trục lớp Zumwalt.
Tàu khu trục lớp Zumwalt là loại tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Mỹ, chi phí mỗi chiếc lên đến 3,45 tỉ USD. Tàu Zumwalt dài 180m, đạt tốc độ tối đa 56km/giờ, được trang bị các loại tên lửa hùng mạnh như Tomahawk hay Sea Sparrow. Tàu Zumwalt có thể chở theo máy bay trực thăng và được trang bị hệ thống chống rađa cực kỳ hiện đại.
Bảo vệ an ninh
“Khu vực Thái Bình Dương đang có nhiều thay đổi và thế giới đã trở nên kém an toàn hơn. Có những kẻ muốn cản trở tự do hàng hải và hạn chế đi lại trên vùng biển quốc tế, bồi đắp đất xây đảo trái phép, tạo ra các vùng cấm và đe dọa láng giềng” - chuẩn đô đốc Paul khẳng định.
Ông Paul nhấn mạnh Mỹ muốn Úc và Nhật mở rộng hoạt động quân sự ở Thái Bình Dương để hỗ trợ Mỹ đảm bảo an ninh khu vực. Ông đánh giá thế hệ tàu chiến mới của Úc, bao gồm các tàu khu trục tên lửa và tàu đổ bộ có thể chở 1.000 binh sĩ và trực thăng, hoàn toàn phù hợp với chiến lược mới tại Thái Bình Dương.
Chuẩn đô đốc Paul cho rằng Úc là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương. Hiện Úc đang có kế hoạch hiện đại hóa quân đội và sẽ mua ít nhất 72 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, hàng loạt tàu chiến mới và xây dựng một hạm đội tàu ngầm trị giá khoảng 50 tỉ USD.
Chuẩn đô đốc Paul cho biết các tàu chiến Úc hoàn toàn có thể phối hợp với tàu khu trục Zumwalt của Mỹ trong các sứ mệnh bảo vệ an ninh trên Thái Bình Dương, ví dụ như “bảo vệ một hòn đảo nhỏ không có người ở”.
Tháng trước các lãnh đạo hải quân Mỹ cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét kế hoạch triển khai tàu chiến tại Úc và tăng cường tập trận với Ấn Độ.
Mỹ, Nhật mở rộng chiến dịch hải quân
Theo Reuters, cùng ngày ở Tokyo (Nhật) đô đốc Robert Thomas, tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ, tuyên bố việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe theo đuổi quyền phòng vệ tập thể (CSD) sẽ giúp hải quân Nhật và Mỹ tăng cường hợp tác ở Thái Bình Dương.
“CSD giúp hạm đội 7 và Lực lượng phòng vệ biển Nhật (JMSDF) tập trận và hoạt động khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương một cách dễ dàng hơn” - đô đốc Thomas nhấn mạnh. Ông khẳng định lực lượng Nhật có thể hoạt động ở vùng biển và vùng trời quốc tế tại bất cứ đâu trên thế giới.
Trước đó Nhật và Mỹ đã tuyên bố đến cuối tháng 6 sẽ ra quyết định về các hướng dẫn mới đối với quan hệ liên minh. Các thay đổi này sẽ giúp Nhật đóng vai trò quân sự to lớn hơn trong khu vực. Ở Tokyo, đô đốc Thomas đã thảo luận với tư lệnh JMSDF Eiichi Funada về các chiến dịch quân sự chung như chống cướp biển, chống buôn người và cứu hộ.
Lực lượng hai nước cũng sẽ tổ chức tập trận ở nhiều địa điểm mới tại châu Á. Hiện hạm đội 7 vẫn là lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á với 80 tàu chiến, 140 máy bay và 40.000 binh sĩ. JMSDF có khoảng 120 tàu chiến, bao gồm hơn 40 tàu khu trục và 20 tàu ngầm.
Theo: Tuổi Trẻ