Mỹ chi thêm 4 tỷ USD tìm cách đánh chặn tên lửa Triều Tiên (video)

VietTimes -- Lo ngại thật sự về hệ thống phòng thủ tên lửa không đủ khả năng ngăn chặn những cuộc tấn công vào các thành phố Mỹ của Triều Tiên, chính quyền tổng thống Donald Trump quyết định mở rộng chiến lược ngăn chặn các ICBM của Bình Nhưỡng trước khi tên lửa ra khỏi không phận quốc gia này.
Máy bay không người lái Avenger do General Atomics chế tạo, được sử dụng để bắn hạ tên lửa ICBM Bắc Triều Tiên - ảnh NewYork Times
Máy bay không người lái Avenger do General Atomics chế tạo, được sử dụng để bắn hạ tên lửa ICBM Bắc Triều Tiên - ảnh NewYork Times

Một khái niệm tiếp cận mới của chính quyền tổng thống Trump dẫn đến một bản đệ trình Quốc hội Mỹ, được trình khẩn cấp vào tuần trước với tổng giá trị khoảng 4 tỷ USD nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa liên lục địa ICBM từ Triều Tiên.

Khái niệm tiếp cận giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo bao gồm các giải pháp: sử dụng vũ khí công nghệ thông tin (hack) xâm nhập vào các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và điều hành tác chiến của Bắc Triều Tiên, tấn công vô hiệu hóa hệ thống này trước khi tên lửa được phóng đi, sử dụng máy bay không người lái tấn công và máy bay tiêm kích đánh chặn các tên lửa trong giai đoạn phóng lên quỹ đạo.

Hệ thống phòng thủ tên lửa trên bờ Tây Thái Bình Dương sẽ được mở rộng để sử dụng như tuyến phòng thủ cuối cùng, nếu các phương thức tấn công ngăn chặn trước giai đoạn phóng tên lửa và giai đoạn thứ nhất không thành công.

Trong những cuộc phỏng vấn, các quan chức quốc phòng, các nhà khoa học công nghệ quân sự hàng đầu và các thành viên cao cấp Quốc hội Mỹ mô tả động thái này là hành động phản ứng mạnh mẽ. Là hành động cụ thể đáp trả những thành công bất ngờ của Triều Tiên trong việc phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng đưa đầu đạn hạt nhân đến lãnh thổ Hoa Kỳ.

Thượng nghị sĩ Jack Reed thuộc đảng Dân chủ, một trong những thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, trở về từ chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 10 tuyên bố Mỹ cần phải làm nhiều hơn để chống lại Bắc Triều Tiên, ông cho rằng: "Có một mối đe dọa đang phát triển nhanh chóng, thời gian cho phản ứng đang giảm dần và phải thừa nhận rằng chúng ta không thể dựa vào một giải pháp duy nhất".

Trong nhiều năm, phương thức ngăn chặn nguy cơ đối với lãnh thổ Mỹ là hệ thống các tổ hợp phòng không phòng thủ tên lửa, được triển khai ở Alaska và California nhằm đánh chặn các đầu đạn hạt nhân tầm xa tiến công vào đất liền Mỹ, bắn hạ các đầu đạn này khi chúng vào bầu khí quyển.

Cách phòng thủ như vậy, được gọi là "bắn hạ 1 viên đạn bằng 1 viên đạn" vẫn còn nhiều nghi ngờ về hiệu quả tác chiến thực tế, mặc dù ngân sách quốc phòng đã cung cấp đến hơn 100 tỷ USD cho hệ thống. Các tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis trên các khu trục hạm, hoạt động trên biển Triều Tiên và  trên vùng biển Hàn Quốc có nhiệm vụ ngăn chặn các tên lửa tầm trung và tầm gần, nhưng không chắc chắn bảo vệ được các thành phố ở Mỹ.

Theo đề xuất này, chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch đổ hàng trăm triệu USD vào hai phương thức đánh chặn khác, cả hai giải pháp này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Phương thức thứ nhất liên quan tới các cuộc tấn công mạng không gian ảo và các hoạt động phá hoại khác, nhằm mục đích ngăn chặn vụ phóng tên lửa trước khi diễn ra cuộc tấn công xảy ra - Lầu năm góc gọi là “loại trừ vụ phóng” "left of launch." Phương thức thứ hai là một cuộc tập kích phá hủy tên lửa trong giai đoạn đầu tiên, khi tên lửa rời bệ phóng và bay lên với tốc độ chậm.

Mỹ chi thêm 4 tỷ USD tìm cách đánh chặn tên lửa Triều Tiên (video) ảnh 1Sơ đồ đánh chặn tên lửa liên lục địa Bắc Triều Tiên của chính quyền tổng thống Donald Trump

Ngân sách khẩn cấp trị giá 4 tỷ USD mà Nhà Trắng đang đề xuất nằm ngoài khoản đầu tư 8 tỷ USD mà Cơ quan Phòng thủ tên lửa được cấp cho năm tài chính 2017, dành cho những yêu cầu mà các lực lượng và các cơ quan quân sự trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa đạn đạo đặt ra. Hai tháng trước đây, khoảng 440 triệu USD cũng được điều chỉnh từ các chương trình khác sang chương trình phòng thủ tên lửa, nguyên nhân chính là những mối đe dọa từ phía Triều Tiên đang trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong bản yêu cầu khẩn cấp được gửi đến Quốc hội và các văn bản khác được công bố, những thuật ngữ được sử dụng trong các bộ tài liệu đề cập đến nỗ lực "làm gián đoạn / đánh bại". Các quan chức Nhà Trắng khẳng định rằng "gián đoạn" được hiểu là hành động tinh vi phức tạp hơn nữa trong các cuộc tấn công mạng và tác chiến điện tử mà tổng thống Barack Obama đã ra lệnh tiến hành năm 2014 khi Nhà Trắng quyết định gia tăng các hoạt động tấn công xâm nhập nhằm làm tê liệt những vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Sử dụng vũ khí tấn công để vô hiệu hóa các vụ phóng tên lửa là phương thức tấn công có sự đổi mới cơ bản trong hệ thống các hoạt động tác chiến phòng thủ tên lửa trong ba thập kỷ qua.

Nhưng đối với Triều Tiên, đây cũng là phương thức tấn công khó thực hiện nhất. Các hacker buộc phải xâm nhập vào chương trình sản xuất tên lửa, chỉ huy kiểm soát và giám sát phóng tên lửa, hệ thống dẫn đường tên lửa của một quốc gia đang hạn chế sử dụng Internet và có rất ít các mối quan hệ không gian ảo với thế giới bên ngoài. Mọi truy cập không gian mạng quốc tế phần lớn thông qua Trung Quốc, ở một mức độ thấp hơn là Nga.

Những hoạt động tấn công mạng vào Triều Tiên bắt đầu năm 2014, hàng loạt các cuộc tấn công syber và can thiệp điện tử được tiến hành nhằm phá hoại tiến trình phát triển tên lửa tầm trung Musudan của Bắc Triều Tiên, phá hoại tiến trình thử nghiệm tên lửa. Không có thông tin chính xác về kết quả đạt được, mỗi hoạt động tấn công lại cho những kết quả khác nhau.

Một điều an ủi các thành viên cao cấp cơ quan lập pháp Mỹ là, tỷ lệ thất bại của tên lửa Musudan là 88%, nhưng không rõ bao nhiêu phần trăm là kết của cuộc tấn công mạng, bao nhiêu là những hoạt động gây khó khăn cho công tác hậu cần kỹ thuật trong quá trình phát triển tên lửa, bao nhiêu do lỗi thiết kế chế tạo. Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un  yêu cầu thay đổi thiết kế, các cuộc thử nghiệm có tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều.

Mỹ sẽ sử dụng các phương thức khác để ngăn chặn tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên - video NewYork Times

Các loại vũ khí tấn công mạng rất khó xác định được hiệu quả, mặc dù được đầu tư hàng tỷ USD, nhưng ông Michael Sulmeyer, giám đốc dự án “Chương trình an ninh mạng - Cyber Security Project" tại Harvard, trước đó là giám đốc Kế hoạch Chiến lược mạng và Hoạt động trong không gian mạng thuộc Lầu Năm Góc cho rằng: "Không có quá nhiều mục tiêu để tấn công. Triều Tiên khó có thể đạt được hiệu quả trong công nghệ phát triển tên lửa nếu chúng tôi muốn và khi chúng tôi muốn". Nhưng chỉ trong năm 2017, những vụ phóng tên lửa thành công liên tiếp của Triều Tiên đặt câu hỏi nghi ngờ cho tuyên bố trên..

Trong văn kiện của Nhà Trắng đề xuất cho Quốc hội Mỹ đề cập đến khoản đầu tư nhằm tăng cường năng lực tác chiến của hệ thống phòng thủ tên lửa. Mục tiêu của giải pháp này là tấn công các tên lửa đạn đạo tầm xa trong khu vực dễ tổn thương nhất, giai đoạn đầu vụ phóng tên lửa.

Một ý tưởng được đưa ra là sử dụng các máy bay tàng hình F-22 hoặc F-35, cất cánh từ các căn cứ ở Hàn Quốc và Nhật Bản khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên quá trình chuẩn bị phóng tên lửa, dù là thử nghiệm của Triều Tiên. Các máy bay thế hệ 5 tiên tiến của không quân Mỹ sẽ sử dụng tên lửa không đối không tầm xa thông thường, tấn công vào tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên khi tên lửa rời bệ phóng. Nguy hiểm duy nhất phải đối mặt là máy bay chiến đấu phải bay vào không phận Triều Tiên, gia tăng nguy cơ bị bắn hạ.

Hạn chế của phương pháp này là thời gian rất ngắn. Các tên lửa tầm xa trong giai đoạn phóng lên chỉ bay trong vòng 5 phút, khác hoàn toàn với giai đoạn hành trình, đầu đạn hạt nhân bay qua không gian vũ trụ khoảng 20 phút trước khi lao xuống đất, đồng thời tạo nguy cơ Bắc Triều Tiên sẽ phóng tiếp tên lửa báo thù.

Tướng John E. Hyten thuộc lực lượng Không quân Mỹ, tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, chỉ huy lực lượng tên lửa hạt nhân Mỹ, nhận xét trong một hội nghị, được tổ chức ở Viện Hudson: "Bạn phải rất cẩn trọng khi đưa ra quyết định phóng một vũ khí vào lãnh thổ của một quốc gia nào đó. Phải nhận thức được hậu quả nếu bạn sai, hoặc nếu bạn bắn trượt mục tiêu".

Một ý tưởng khác nhận được nhiều sự quan tâm là sử dụng các UAV chiến đấu, tuần tra thường xuyên trên biển Nhật Bản, sẵn sàng cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Khi phát hiện vụ phóng ICBM, các UAV sẽ phóng tên lửa tầm nhiệt tấn công các tên lửa đạn đạo trong giai đoạn bay lên.

Leonard H. Caveny, nhà phát triển máy bay không người lái mang tên lửa, cựu sĩ quan Hải quân, giám đốc khoa học và công nghệ trong chương trình chống tên lửa của Lầu Năm Góc từ năm 1985 đến 1997, cho rằng nếu có một chương trình dồn nén thời gian, có thể sản xuất được vũ khí trong vòng một năm hoặc ngắn hơn hơn.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Caveny đang xem xét khả năng sử dụng Avenger, máy bay không người lái tấn công có sải cánh 76 feet (23m), phát triển bởi tập đoàn General Atomics cho mục đích này. Arthur L. Herman, thành viên cao cấp của Viện Hudson ở Washington, đang hợp tác với tiến sĩ Caveny cho rằng: "Đây sẽ là một vũ khí mới làm thay đổi cuộc chơi”.

Cơ quan phòng thủ tên lửa Lầu Năm Góc cũng đang nghiên cứu phát triển máy bay không người lái, có khả năng mang vũ khí laser công suất lớn tấn công tên lửa đạn đạo trong giai đoạn phóng lên quỹ đạo. Nhưng kế hoạch gần nhất cũng dự kiến, loại UAV siêu hiện đại này chỉ có thể xuất hiện sớm nhất vào năm 2025 - quá muộn để đóng vai trò then chốt trong cuộc khủng hoảng hiện tại hoặc thời gian đương nhiệm tổng thống của ông Donald Trump.

Nhưng ý tưởng này giành được sự ủng hộ lớn. Trong cuộc nói chuyện ở Viện Hudson, tướng Hyten nhận định rằng, vũ khi laser tốt hơn tên lửa đánh chặn do tránh những rắc rối khi phóng tên lửa vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền, đặc biệt là tiêu diệt các tên lửa phóng thử nghiệm. Ông cho rằng, một chùm tia năng lượng định hướng tập trung phóng từ vũ trụ có thể tránh được các vấn đề rắc rối liên quan đến chủ quyền.

Theodore A. Postol, giáo sư danh dự về khoa học công nghệ và chính sách an ninh quốc gia tại trường đại học M.I.T, nhà phát triển các máy bay không người lái mang tên lửa cho rằng: các phi đội UAV, tuần tra giám sát trên vùng trời gần không phận Triều Tiên, đe dọa phá hủy lực lượng hạt nhân chiến lược của Bình Nhưỡng là một lực lượng đáng sợ và tạo đòn bẩy ngoại giao mới.

"Chúng tôi cần nó ngay bây giờ, ông nói, Mối quan tâm của chúng ta là phải có được một cái gì đó một cách cách nhanh chóng, một loại vũ khí gây áp lực lên Triều Tiên, tạo điều kiện cho đàm phán".

TTB