Mỹ bắt các ngân hàng lớn tăng dự phòng rủi ro

Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 20/7 đã nâng mức vốn dự trữ tối thiểu bắt buộc đối với nhóm 8 ngân hàng lớn nhất nhằm hạn chế nguy cơ các thể chế này gặp rắc rối và ảnh hưởng tới hệ thống tài chính toàn cầu.
Chủ tịch FED Janet Yellen
Chủ tịch FED Janet Yellen

Điều luật mới của Fed yêu cầu các ngân hàng quan trọng với hệ thống toàn cầu (GSIB) bổ sung thêm 200 tỷ USD vào nguồn vốn cho các hoạt động tài chính rủi ro cao hoặc cắt giảm các hoạt động này.

Việc nâng mức vốn quy định sẽ giúp đảm bảo các GSIB có đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động ngay cả trong tình huống gặp rắc rối và bảo vệ hệ thống tài chính không bị tác động từ các rắc rối này.

8 ngân hàng lớn nhất của Mỹ bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Bank of New York Mellon, Citigroup và State Street.

Trong đó, JP Morgan Chase - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với tổng tài sản 2.499.000 tỷ USD, sẽ phải duy trì nhiều vốn hơn bất kỳ ngân hàng nào khác, với mức bổ sung tương đương 4,5% giá trị tài sản trước thời điểm tháng 1/2019 khi quy tắc mới chính thức có hiệu lực hoàn toàn.

7 ngân hàng còn lại sẽ phải bổ sung phần vốn dự phòng thêm 1 - 3,5%. Cụ thể, Citigroup, 3.5%; Goldman Sachs, 3%; Morgan Stanley, 3%; Wells Fargo, 2%; State Street, 1.5%; Bank of New York Mellon, 1%.

Trước khi biểu quyết thông qua quy định mới, Chủ tịch Fed Janet Yellen, đã tuyên bố các định chế tài chính phải có trách nhiện gánh lấy chi phí gây ra bởi hoạt động yếu kém của họ thay vì đổ lên vai người khác. Quan điểm của bà Yellen là các ngân hàng phải lựa chọn hoặc là tăng nguồn vốn dự trữ và giảm nguy cơ khủng hoảng, hoặc là thu hẹp quy mô hoạt động để khi gặp rủi ro sẽ không ảnh hưởng quá nhiều tới hệ thống tài chính.

Theo chinhphu.vn