Mỹ, Anh đã hết thời: Ba nước Nga, Trung, Ấn mới “bá chủ” giá vàng thế giới
VietTimes -- Sản lượng vàng trên thế giới đến chủ yếu từ Nga, Trung Quốc và BRICS - nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi. Vì vậy, không khó hiểu khi các nước này có quyền kiểm soát giá vàng quốc tế và không còn phụ thuộc vào những giao dịch vàng "trên giấy" tại London.
BRICS sẽ có hệ thống giao dịch vàng thật không liên quan tới thị trường vàng thế giới
Một trong những sự kiện thường niên đáng chú ý nhất trong thị trường kim loại quý của Nga là hội thảo "Thị trường vàng thỏi Nga". Thường được biết đến với cái tên Giải thưởng vàng thỏi Nga. Hội thảo này đã diễn ra lần thứ 10 vào ngày 24.11.2017 tại Moscow.
Trong các tham luận tại hội thảo, đáng chú ý nhất là phát biểu của ông Sergey Shvetsov, phó chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga. Trong bài phát biểu, ông này cập nhật việc Nga sẽ có những bước tham gia phát triển quan trọng trong thị trường vàng thế giới. Và đưa ra tầm nhìn về tính quan trọng của vàng thật (vàng thật về mặt vật lý - không phải vàng trên giấy tờ) đối với kinh tế trong dài hạn và những lợi ích chiến lược của Liên bang Nga.
Đầu tiên, trong bài phát biểu, ông Shvetsov xác nhận nhóm BRICS đang thảo luận để thành lập một hệ thống giao dịch vàng riêng. BRICS gồm 5 thành viên bao gồm Liên bang Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil. 4 trong 5 nước này là những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới (trừ Ấn Độ). Đồng thời, Nga và Trung Quốc là 2 nước nhập khẩu và tiêu thụ vàng (thật) lớn nhất thế giới. Vì vậy, thực tế họ chính là những nhân vật chính trong thị trường vàng "thật" thế giới.
Lượng dự trữ vàng của Nga ngày càng tăng theo thời gian.
Shvetsov cũng cho biết hệ thống giao dịch vàng mới sẽ hoạt động theo hình thức liên hệ song phương giữa các thành viên trong BRICS. Ông cũng xác nhận lại lần nữa Ngân hàng Trung ương Nga đã ký một thỏa thuận ghi nhớ với Trung Quốc để phát triển một hệ thống giao dịch vàng chung. Những bước tiến hành đầu tiên của kế hoạch này sẽ bắt đầu vào năm 2018.
Vị phó chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga cũng xem nhẹ địa vị thống trị của London và Thụy Sĩ trên thị trường vàng bấy lâu nay. Ông cho rằng những giao dịch của London và Thụy Sĩ ngày càng trở nên không thích hợp với thực tế. Ông cũng bóng gió về những tiêu chuẩn xác định giá vàng mới sẽ được đưa ra nhờ sự hợp tác giao dịch vàng giữa các nước BRICS.
Sự hợp tác của các nước BRICS trên thị trường vàng, đặc biệt là giữa Nga và Trung Quốc không phải là một điều mới. Nó từng được chính ông Shvetsov thông báo lần đầu tiên vào tháng 4.2016 trong chuyến thăm Trung Quốc. Theo TASS, ông đã phát biểu: "Chúng tôi (Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) đã thảo luận về giao dịch vàng. Các nước BRICS là những nền kinh tế chính với lượng dự trữ vàng lớn và tiêu thụ cũng như sản xuất rất nhiều kim loại quý. Tại Trung Quốc, vàng được giao dịch tại Thượng Hải và Nga thì ở Moscow. Ý tưởng của chúng tôi là tạo nên một mối liên kết giữa những thành phố này để tăng cao khối lượng giao dịch vàng giữa hai thị trường".
Vào tháng 3 năm nay, Ngân hàng Trung ương Nga đã mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Bắc Kinh. Thời điểm đó, động thái của Ngân hàng Trung ương Nga là để có bước tiến lớn hơn trong mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong mọi vấn đề tài chính cũng như việc Ngân hàng Trung ương Nga và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược. Bản Thỏa thuận ghi nhớ về giao dịch vàng giữa hai ngân hàng được ký vào tháng 9 năm nay. Khi đó, các phó thống đốc của 2 ngân hàng cùng nhau làm chủ tọa một cuộc họp quốc tế về hợp tác tài chính tại thành phố Sochi, Nga.
An ninh quốc gia và khủng bố tài chính
Tại hội thảo Thị trường vàng thỏi tuần trước, ông Shvetsov cũng giải thích việc Nga tiếp tục tăng lượng dự trữ vàng là để hoàn thành mục tiêu củng cố an ninh quốc gia của Liên bang Nga. Phát biểu này cho thấy Nga đang coi vàng vừa là bản vị quan trọng cho đồng tiền, vừa là tài sản chiến lược về địa chính trị - cung cấp nguồn của cải và sức mạnh tài chính để Nga độc lập với các thị trường và hệ thống tài chính bên ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov
Tình cờ, vào Chủ Nhật vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov đã xác nhận kết luận trên qua phát biểu trong một chương trình thảo luận thuộc kênh Russia 1, Đài truyền hình Nga. Chương trình của Siluanov thảo luận về việc ngân sách và những sắc lệnh của chính phủ Nga đang đi ngược lại với lợi ích của Liên bang. Nhưng ông Siluanov cũng thông báo về những điều sẽ xảy ra trong trường hợp những quyền lực nước ngoài chiếm đoạt lượng dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga: "Nếu vàng và dự trữ ngoại tệ của chúng ta bị cướp hay ngay cả ai đó có ý định làm vậy, điều đó sẽ tạo nên khủng bố tài chính. Chung quy việc này là một cuộc chiến tài chính giữa Nga và các thế lực định cướp đoạt tài sản của Nga".
Trong cuộc thảo luận, họ cũng bàn cãi liệu Ngân hàng Trung ương Nga có "cất" vàng của họ ở nước ngoài không? Về chính thức 2/3 lượng vàng dự trữ của Nga được cất trong hầm tại Moscow và 1/3 còn lại ở St. Petersburg. Nhưng bình luận của Siluanov nhấn mạnh tầm quan trọng của dự trữ vàng chính thức đối với nước Nga và lưu ý vì sao Ngân hàng trung ương Nga là một trong những ngân hàng dự trữ vàng lớn nhất thế giới.
Nga dự trữ 1.800 tấn vàng và sẽ còn tăng thêm
Từ năm 2000 cho tới giữa 2007, Ngân hàng Trung ương Nga đã dự trữ lượng vàng không thay đổi là khoảng 400 tấn. Nhưng tới quý 3 năm 2007, chính sách vàng của Ngân hàng chuyển hướng bất ngờ. Tới đầu 2011, lượng vàng Nga dự trữ đạt hơn 800 tấn. Cuối năm 2014, Ngân hàng Trung ương Nga có 1.200 tấn vàng và tới cuối 2016 là hơn 1.600 tấn.
Mặc dù lượng dự trữ vàng được quản lý bởi Ngân hàng Trung ương Nga nhưng ngân hàng thuộc sở hữu của Liên bang vì vậy có thể coi lượng vàng dự trữ thuộc về Liên bang Nga. Đây là chính sách của Liên bang Nga để thực hiện chiến lược tích lũy vàng từ cuối 2007, thời điểm trùng với khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong tháng 10.2017, Ngân hàng Trung ương Nga thêm 21,8 tấn vào lượng dự trữ chính thức, nâng tổng lượng dự trữ lên 1.801 tấn. Cho tới thời điểm này, Liên bang Nga thông qua Ngân hàng Trung ương Nga thông báo thêm 186 tấn vào lượng dự trữ, gần với mức dự định là tăng thêm 200 tấn trong năm nay.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn thông báo chính thức lượng dự trữ của họ là 1.842 tấn vàng. Điều này, có thể cho Ngân hàng Nga thêm động lực dự trữ nhiều vàng hơn Trung Quốc vào quý đầu 2018. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không thêm vàng vào lượng dự trữ của họ.
Mối đe dọa với thị trường vàng London
Thông báo của ông Shvetsov về tiêu chuẩn định giá vàng mới có thể là bước tiến của hệ thống giao dịch vàng BRICS. Điều này, làm cho tất cả các thành viên với lượng sản xuất và tiêu thụ lớn sẽ có một hệ thống giao dịch vàng dựa trên vàng thật. Và tiêu chuẩn định giá dựa trên hệ thống này sẽ căn cứ vào những giao dịch vàng thật, rời khỏi hệ thống giá vàng quốc tế vốn chỉ căn cứ trên giấy tờ.
Hiện tại, giá vàng thế giới được thiết lập dựa trên sự kết hợp giữa thị trường kinh doanh vàng London OTC và thị trường trao đổi hợp đồng vàng tương lai COMEX. Dù sao, giao dịch vàng ở London và COMEX với số lượng rất lớn dựa trên phái sinh giả từ vàng, hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ với thị trường vàng thật. Tại London, các phái sinh được đảm bảo bằng một lượng dự trữ vàng rất nhỏ và chủ yếu được tính bằng tiền mặt. Trong khi, tại New York, phái sinh là những giao dịch hợp đồng vàng trong tương lai cũng được trả bằng tiền mặt nhưng với lượng vàng thật được đảm bảo cũng rất ít.
Nữ hoàng Elizabeth trong hầm vàng của Ngân hàng Anh quốc.
Thị trường vàng London và New York cùng giao dịch ảo trong 24 giờ, họ ảnh hưởng lẫn nhau bởi lãi suất vàng quy định theo tiêu chuẩn của LBMA Gold Price. Giá vàng được tính 2 lần một ngày thông qua các cuộc đấu giá tại London vào 10h30 sáng và 3h chiều giữa những ngân hàng vàng tại đây. Những cuộc đấu giá chỉ được đảm bảo bởi một lượng vàng thật rất nhỏ. Vì thế, tiêu chuẩn định giá vàng thông qua các cuộc đấu giá của LBMA Gold Price trên thực tế sẽ không thể động tới những giao dịch vàng "vật lý".
Có thể thấy, các nước sản xuất vàng chính trên thế giới như Nga, Trung Quốc và các nước khác trong BRICS đã cảm thấy mệt mỏi với sự thống trị của một loại giá vàng quốc tế chỉ dựa trên môi trường giao dịch ảo và không có sức ảnh hưởng tới thị trường vàng thật. Tiêu chuẩn định giá vàng của Sàn giao dịch vàng Thượng Hải được đưa ra vào tháng 4.2016 là một bước tiến lớn với vàng "vật lý".Trong khi, tiêu chuẩn này vẫn chưa ảnh hưởng tới giá vàng trên thị trường quốc tế, thì nó đã có sẵn cơ sở là số vàng thật dự trữ để làm điều này.
Tuyên bố của ông Shvetsov nhấn mạnh hệ thống giao dịch vàng mới của BRICS rõ ràng là một bước các nước này đem giá vàng trả lại cho các thị trường vàng thật. Cản trở cho tiêu chuẩn định giá của BRICS, chỉ có thể là tiêu chuẩn định giá vàng dựa trên giao dịch quốc tế bằng vàng thật.