Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị mới đây, CTCP Thép Vina Roma Quảng Trị (viết tắt: Vina Roma) đã đề xuất xây dựng dự án Khu Liên hợp gang thép Quảng Trị tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị với tổng vốn đầu tư khoảng 47.810 tỉ đồng.
Mục tiêu của dự án là sản xuất thép xây dựng, thép hình và thép tấm cán nóng với công suất 4,5 triệu tấn thép sản phẩm/năm, phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư dây chuyền sản xuất thép xây dựng, công suất 1,1 triệu tấn thép sản phẩm/năm; giai đoạn 2 đầu tư dây chuyền sản xuất thép hình, công suất 1,1 triệu tấn thép sản phẩm/năm và giai đoạn 3 đầu tư dây chuyền sản xuất thép tấm cán nóng, công suất 2,3 triệu tấn thép sản phẩm/năm.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Vina Roma được thành lập vào tháng 11/2021, trụ sở chính đặt tại một số nhà trên đường Bùi Thị Xuân, phường 2, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, do ông Nguyễn Quý Chiến (SN 1982) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Vina Roma có quy mô vốn điều lệ lên tới 6.000 tỉ đồng, được góp vốn bởi 6 pháp nhân và 2 thể nhân, bao gồm: CTCP Đầu tư – Xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (25% VĐL), CTCP Tập đoàn Công Hà (5% VĐL), CTCP Đông Hải 27-7 (5% VĐL), CTCP We Construction (15% VĐL), CTCP Tân Phú Xuân (15% VĐL), CTCP Cơ khí và lắp máy Việt Nam (10% VĐL), ông Nguyễn Văn Bắc (15% VĐL) và ông Bùi Đức Thuận (10% VĐL).
Sinh năm 1970, ông Nguyễn Văn Bắc cũng là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư – Xây dựng hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc (Tân Việt Bắc), từng nắm giữ tới 90% vốn điều lệ của công ty này.
Thành lập tháng 7/2005, Tân Việt Bắc hiện đặt trụ sở chính tại số 31B7 Đầm Trấu, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Giai đoạn từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2021, Tân Việt Bắc đã thực hiện 4 đợt tăng vốn, với quy mô vốn điều lệ tăng mạnh từ 350 tỉ đồng lên 1.500 tỉ đồng.
Trụ sở chính của Tân Việt Bắc (Ảnh: HB) |
Giới thiệu trên trang chủ, ngoài Vina Roma, Tân Việt Bắc cho biết còn sở hữu cả chục công ty thành viên khác như: CTCP Khai thác mỏ Tân Việt Bắc Quảng Trị, CTCP Cảng Tân Việt Bắc Quảng Trị, CTCP Than khoáng sản Tây Bắc Quảng Ninh, CTCP Sản xuất cấu kiện bê tông Tân Việt Bắc Quảng Trị, CTCP Tân Việt Bắc Hải Dương, CTCP Năng lượng Bác Ái, CTCP Năng lượng Tân Việt Bắc Ban Mê, CTCP Năng lượng Bắc Nam, CTCP Thủy điện Tân Việt Bắc Lạng Sơn, CTCP Thủy điện Tân Việt Bắc, CTCP Đầu tư thủy điện Tân Việt Bắc Quảng Ngãi. Tổng quy mô vốn điều lệ của các công ty này lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Trong đó, CTCP Năng lượng Bác Ái là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 2.1 (công suất 240MWp) và Thiên Tân 2.2 (công suất 75MWp). CTCP Năng lượng Tân Việt Bắc Ban Mê có hai dự án là Nhà máy điện mặt trời Ia J’lơi (công suất 1.250MWp) và Nhà máy điện mặt trời Ea Bung (công suất 1.250MWp).
CTCP Đông Hải 27-7 (Đông Hải 27-7) – cổ đông sở hữu 5% vốn điều lệ của Vina Roma – được thành lập từ tháng 1/2008, trụ sở chính tại thôn Lâu Động, xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là đóng tàu và cấu kiện nổi.
Đáng chú ý, Đông Hải 27-7 và Tân Việt Bắc cũng là đối tác thân quen. Cụ thể, vào tháng 4/2018, liên danh hai doanh nghiệp này đã trúng thầu hai dự án tại Kinh Môn, Hải Dương, là dự án xây dựng khu dân cư mới xã Phúc Thành có tổng chi phí 175,8 tỉ đồng và dự án xây dựng khu dân cư mới xã An Phụ có tổng chi phí thực hiện 125,2 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Đông Hải 27-7 – ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1976) – cũng là đồng hương quê Hải Dương với Giám đốc Tân Việt Bắc, ông Nguyễn Văn Bắc.
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, ông Bùi Đức Thuận (SN 1957) – người nắm giữ 10% vốn điều lệ của Vina Roma – chính là Giám đốc CTCP Tân Phú Xuân (Tân Phú Xuân) – cổ đông pháp nhân sở hữu 15% vốn điều lệ của Vina Roma.
Tân Phú Xuân được thành lập từ tháng 5/2004, địa chỉ trụ sở chính tại Khu 2, phường Phú Thứ, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Tính đến tháng 6/2017, công ty này có quy mô vốn điều lệ 1.500 tỉ đồng.
CTCP CTCP Cơ khí và lắp máy Việt Nam (viết tắt: Colavi) – cổ đông nắm giữ 10% vốn điều lệ của Vina Roma – được thành lập vào tháng 11/2003 tại Khu Hoàng Sơn, phường Hoàng Quế, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến cuối năm 2020, Colavi có quy mô vốn điều lệ 822 tỉ đồng. Hiện nay, Chủ tịch HĐQT là ông Đinh Hoàng Liên (SN 1973); Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hữu Trình (SN 1979).
Trên trang chủ, Colavi cho biết hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là thiết bị vận chuyển, dây chuyền công nghiệp, sản xuất thiết bị hạ tầng và sản xuất kết cấu thép.
Đặc biệt, Colavi là nhà đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh (công suất 1.500 MW, tổng mức đầu tư 47.480 tỉ đồng), liên danh cùng Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Tokyo Gas và Marubeni. Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động thương mại vào quý 3/2027.
CTCP We Construction (WEC) – pháp nhân nắm giữ 15% vốn điều lệ của Vina Roma – tiền thân là CTCP Xây lắp Công nghiệp Tây Đông, được thành lập vào tháng 12/2014, hiện đóng trụ sở chính tại Khu công nghiệp Quế Võ 3, tỉnh Bắc Ninh. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp.
Tính đến tháng 4/2018, WEC có vốn điều lệ 40,75 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm 6 thể nhân là các ông: Lưu Văn Toản (38,528% VĐL), Vũ Trùng Dương (18,405% VĐL), Nguyễn Tiến Dũng (3,68% VĐL), Nguyễn Tuấn Đạt (2,577% VĐL), Nguyễn Trọng Hiệp (24,54% VĐL), Lưu Hoàng Tuấn (12,27% VĐL).
Ngoài vai trò cổ đông lớn nhất, ông Lưu Văn Toản cũng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của WEC.
CTCP Tập đoàn Công Hà (Công Hà) – cổ đông nắm 5% vốn điều lệ của Vina Roma – tiền thân là Công ty TNHH Cơ khí xây dựng và Kinh doanh thương mại Công Hà, được thành lập vào cuối tháng 2/2011, địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại.
Tính đến tháng 5/2021, Công Hà có vốn điều lệ 258 tỉ đồng, trong đó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Công (SN 1978) góp 233,49 tỉ đồng, sở hữu 90,5% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại thuộc về hai cổ đông cá nhân họ Đặng là bà Đặng Thị Nga (5% VĐL) và ông Đặng Hồng Sơn (4,5% VĐL). Tới tháng 10/2021, quy mô vốn điều lệ của Công Hà tăng mạnh lên mức 968 tỉ đồng./.