Quan hệ Trung – Nhật hiện đang trong tình trạng đặc biệt nhạy cảm: Đầu tháng 8/2016, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản cảnh cáo Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục “khoe cơ bắp”; trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên dọa nạt và xâm phạm vùng lãnh hải đang tranh chấp ở biển Hoa Đông, Nhật đã trù tính kế hoạch ngân sách quốc phòng kỷ lục lên đến khoảng 51 tỷ USD. Joyman Lee trong cuốn “Senkaku/Điếu Ngư: Quần đảo tranh chấp” từng nhận định: “Quan hệ Trung – Nhật giống như một trái bom nổ chậm”.
Gần đây, tổ chức nghiên cứu chiến lược Rand đưa ra báo cáo đáng lo ngại cảnh báo về nguy cơ cuộc chiến tranh Trung – Mỹ. Không thể phủ nhận thực tế xung đột Trung – Mỹ đang leo thang, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên có quan điểm cho rằng nếu phải so sánh thì quan hệ căng thẳng Trung – Nhật hiện nay tiềm ẩn nguy cơ leo thang chiến tranh mạnh mẽ hơn so với quan hệ Trung – Mỹ. Quan điểm này càng đáng chú ý trước thông tin Nhật đang chuẩn bị cho kế hoạch ngân sách quốc phòng kỷ lục lên đến 5,16 nghìn tỷ yên (khoảng 51 tỷ USD) vào năm 2017 (xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 cùng hệ thống tên lửa chung với Mỹ, máy bay tàng hình F-35...) nhằm chuẩn bị trước các đe dọa từ Trung Quốc cũng như Triều Tiên.
Trên Apple Daily (Hong Kong), tác giả Vương Đan có bài phân tích so sánh nhằm chứng minh cho luận điểm nêu trên. Theo đó, trước quan điểm về khả năng xảy ra cuộc chiến tranh Trung – Mỹ, tác giả đưa ra ba luận điểm phản bác:
1- Nếu quan hệ Trung – Mỹ leo thang thành chiến tranh sẽ rất nguy hiểm, vì có thể dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ ba khi các phe phái khác nhau trên thế giới bị cuốn vào, khi đó cái giả phải trả ngoài sức chịu đựng của bất kỳ quốc gia nào. Điển hình như trong thời chiến tranh lạnh Xô – Mỹ kéo dài, khi đó hai bên luôn hò hét dọa nạt nhau nhưng cuối cùng vẫn không bên nào dám động thủ, vì suy tính đến cái giá phải trả quá khủng khiếp nếu xảy ra cuộc chiến;
2- Tuy người Mỹ muốn cản trở Trung Quốc nổi dậy nhưng suy cho cùng thì Mỹ không xung đột trực tiếp về chủ quyền và lãnh thổ với Trung Quốc, vì thế quan điểm Mỹ đơn thuần giúp trợ oai cho các nước thuyết phục hơn nhiều quan điểm cho rằng Mỹ sẽ đích thân khai chiến với Trung Quốc;
3- Quan hệ thương mại giữa Trung – Mỹ hiện rất lớn và chặt chẽ, xảy ra chiến tranh sẽ làm tình hình kinh tế của cả hai bên đều thiệt hại nghiêm trọng.
Và khả năng leo thang thành chiến tranh trong xung đột Trung - Nhật mạnh mẽ hơn vì những nguyên nhân:
1. Giữa Trung Quốc và Nhật có nhiều ân oán, vì thế mức độ ủng hộ cuộc chiến của người dân hai nước mạnh hơn nhiều so với Trung – Mỹ.
2. Một núi khó chứa hai cọp. Tại châu Á, việc Trung Quốc trỗi dậy gây xung đột với Nhật Bản mạnh hơn nhiều so với Mỹ, đặc biệt từ khi ông Abe lên nắm quyền người Nhật lại tái diễn tư tưởng “đại quốc”, tâm lý xã hội ức chế tích lũy đã lâu kể từ sau Thế chiến thứ Hai có dịp bùng lên, trong đó đối tượng chính nhắm vào là Trung Quốc.
3. Nền kinh tế Nhật có xu hướng hướng nội, ngoại thương với Trung Quốc tuy lớn nhưng không rắc rối, gắn kết phức tạp với lợi ích chính trị như giữa Trung – Mỹ.
4. Giữa Trung Quốc và Nhật có xung đột lợi ích trực tiếp trong vấn đề đảo Điếu Ngư. Ngày 5/8 vừa qua khi tàu cảnh sát biển và tàu cá Trung Quốc cùng xâm phạm khu vực 12 hải lý tại đảo tranh chấp Điếu Ngư thì Nhật tức tốc triệu tập Đại sứ Trung Quốc trú tại Nhật để phản đối, chính quyền Trung Quốc đáp trả bằng cách điều thêm tàu cảnh sát biển và tàu cá xâm nhập khiến người Nhật càng thêm tức giận. Có thể thấy, căng thẳng Trung – Nhật luôn thường trực và nghiêm trọng hơn so với Trung – Mỹ.
Ngoài những phân tích trên, giới quan sát còn chỉ ra còn có 5 lý do quan trọng khiến nguy cơ leo thang thành chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản luôn thường trực trong bối cảnh lịch sử hiện nay:
Thứ nhất, tình trạng chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc hiện đang lên cao là một thực tế, trong tình huống xấu nhất thì chiến tranh trở thành lựa chọn duy nhất để chính quyền Tập Cận Bình trấn an được lòng dân và phòng ngừa những phản kháng trong nội bộ, vì gia cố ổn định nền chính trị tập trung quyền lực là mục tiêu hàng đầu của chế độ;
Thứ hai, dư luận trong nước Nhật cũng ngày càng tỏ ra cứng rắn, xu thế ghét Trung Quốc đang lên cao, sau khi sửa Hiến pháp thì chủ nghĩa quân phiệt Nhật sẽ như diều gặp gió và có thể gây áp lực lớn đối với chính phủ Nhật (Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến thứ Hai quy định Nhật từ bỏ dùng chiến tranh giải quyết tranh chấp được ông Abe cho rằng không còn phù hợp tình hình hiện tại);
Thứ ba, thái độ của Mỹ là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Có thể Mỹ không trực tiếp có hành động quân sự với Trung Quốc mà thay vào đó sẽ khích lệ hoặc đứng sau hối thúc một nước nào đó ở Đông Á trực tiếp đối đầu với Trung Quốc, vì đây là cách phù hợp lợi ích của Mỹ, và nước này không ai khác ngoài Nhật Bản;
Thứ tư, tại Đông Á còn có nhân tố gây rối khó lường là Triều Tiên. Trong trường hợp xấu nhất, nếu lãnh đạo nước này bị uy hiếp mạnh do bất ổn chính trị nội bộ thì rất nhiều khả năng sẽ toan tính hành động quân sự, dĩ nhiên Nhật Bản sẽ phản công lại, và Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Thứ năm, tranh chấp biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đặc biệt mạnh mẽ vì vấn đề năng lượng. Khi nguy cơ năng lượng bùng phát thì cuộc chiến tranh vì vấn đề năng lượng Trung – Nhật sẽ hiện hữu rõ ràng.
Từ những nguyên nhân trên, quan điểm cho rằng chiến tranh Trung – Nhật là tất yếu trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay không phải không có cơ sở. Vào năm 2011, trong bài viết “Senkaku/Điếu Ngư: Quần đảo tranh chấp” đăng trên tạp chí History Today, nhà nghiên cứu Joyman Lee cũng đã có nhận định: “Sự tranh chấp chủ quyền tại quần đảo này sớm muộn sẽ xảy ra, giống như một trái bom nổ chậm, do nó gắn với những quyền lợi to lớn”.