Mối hợp tác giữa Hướng Việt và DLG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Từ cuối năm 2020, DLG bắt đầu trích lập các khoản phải thu ngắn hạn với Đồng Phú Hưng và Vạn Gia Long – những pháp nhân có liên quan tới nhóm Hướng Việt.

DLG bắt đầu trích lập các khoản phải thu với Vạn Gia Long và Đồng Phú Hưng sau nhiều năm

DLG bắt đầu trích lập các khoản phải thu với Vạn Gia Long và Đồng Phú Hưng sau nhiều năm

Tính đến cuối quý 2/2021, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã CK: DLG) đã trích lập dự phòng lần lượt 6,75 tỉ đồng và 58,5 tỉ đồng đối với các khoản phải thu ngắn hạn khác tại CTCP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long (Vạn Gia Long) và Công ty TNHH Sản xuất – Thương Mại – Dịch vụ Đồng Phú Hưng (Đồng Phú Hưng).

Vạn Gia Long là chủ đầu tư dự án Căn hộ cao cấp Sunshine Apartment (được biết đến với tên gọi Dragon Court hoặc Đức Long Golden Land), còn Đồng Phú Hưng là chủ đầu tư dự án Nhà cao tầng Đức Long New Land tại Tp. HCM.

Các khoản phải thu kể trên mới được DLG trích lập dự phòng từ cuối năm ngoái.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Đồng Phú Hưng từng là công ty con của DLG, do tập đoàn này trực tiếp đứng tên sở hữu 98,7% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 4/2019 – tháng 10/2019, DLG đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Đồng Phú Hưng cho CTCP Bất động sản Hướng Việt (HVR) và CTCP Tư vấn đầu tư Hướng Việt (Hướng Việt), những thành viên của Hướng Việt Group.

Cùng với đó, HVR đã thâu tóm lượng lớn cổ phần của Vạn Gia Long.

Tham vọng năng lượng tái tạo

Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực bất động sản, mối hợp tác giữa DLG và nhóm Hướng Việt còn mở rộng sang lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Tháng 6/20219, CTCP Điện mặt trời DLG Ninh Thuận (DLG Ninh Thuận) – chủ đầu tư dự án dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam Đức Long, công suất 50MWp - có giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật mới, là ông Tạ Quốc Dũng (SN 1971).

Tháng 9/2019, HĐQT DLG thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại DLG Ninh Thuận cho Chủ tịch HĐQT Bùi Pháp. Sau giao dịch, DLG Ninh Thuận không còn là công ty liên kết của DLG.

Theo dữ liệu của VietTimes, ông Tạ Quốc Dũng hiện còn đứng tên tại loạt pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như: CTCP Giải pháp năng lượng tái tạo Việt Nam (VNRE), Công ty TNHH Giải pháp năng lượng tái tạo Việt Nam Tây Ninh (VNRE Tây Ninh), CTCP Năng lượng tái tạo HVE (HVE), CTCP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận. Đa số các pháp nhân này đều có mối liên hệ với nhóm Hướng Việt.

Trong đó, VNRE được thành lập vào tháng 11/2019, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Võ Quang Long (40% VĐL), ông Tạ Quốc Dũng (40% VĐL), ông Trần Thế Tùng (15% VĐL) và ông Đào Duy Hải (5% VĐL). Ông Võ Quang Long, nên biết, chính là cổ đông sáng lập của Hướng Việt – cổ đông lớn của HVR.

Đối với HVE, công ty này mới được thành lập vào tháng 12/2020, do ông Trần Bình Ổn góp 291,2 tỉ đồng, nắm giữ 91% vốn điều lệ. Vị doanh nhân sinh năm 1958 hiện là Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của HVR.

Đáng chú ý, ngày 30/6/2021, HVR đã phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 9%/năm cho kỳ điều chỉnh đầu tiên. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán quốc tế Việt Nam (VIS) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi nhánh Tp. HCM.

Số tiền thu về sẽ giúp HVR tăng quy mô vốn hoạt động để thanh toán tiền đặt cọc bảo đảm cho việc nhận chuyển nhượng tài sản là toàn bộ Nhà máy Điện mặt trời Hàm Kiệm 1 công suất 46 MWp tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Dự án này do CTCP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận làm chủ đầu tư.

Cổ đông ‘gần lớn’ của OCB

Theo dữ liệu của VietTimes, cập nhật tới tháng 11/2020, HVR nắm giữ tới 52 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 4,7% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Phương Đông. Nếu duy trì sở hữu tới nay, số cổ phiếu này có giá trị thị trường lên tới 1.500 tỉ đồng.

Mặt khác, bà Nguyễn Thị Thu Trang – cổ đông sáng lập của HVR – từng tham gia mua 14,5 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ của ngân hàng OCB vào tháng 1/2016. Trước đó, bà Trang không nắm giữ cổ phiếu OCB nào./.