Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ TT&TT hôm 31/12/2015, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho hay, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho MobiFone tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ truyền hình, MobiFone đã lập Đề án đầu tư vào truyền hình.
“MobiFone dự kiến sẽ đầu tư lớn vào dự án truyền hình. MobiFone sẽ đầu tư hạ tầng để cung cấp dịch vụ truyền hình, đồng thời sẽ tham gia vào Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ. Việc đầu tư phát triển dịch vụ truyền hình sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh của MobiFone trên thị trường”, ông Trà cho hay.
Ông Lê Nam Trà cũng cho biết, chiến lược phát triển của MobiFone sẽ nhắm vào 4 mảng chính gồm; di động, truyền hình, bán lẻ và đa phương tiện.
Hiện có rất nhiều thông tin đồn đoán quanh việc MobiFone mua lại Truyền hình An Viên (thuộc Công ty AVG) song chưa có thông tin xác nhận chính thức từ phía có thẩm quyền về mối “lương duyên” này.
Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG trong cuộc trao đổi ngắn với ICTnews tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của MobiFone hôm 25/12/2015 liên quan đến vấn đề hợp tác giữa AVG và MobiFone , cho biết: "Hai bên đã có kế hoạch hợp tác, cũng có lĩnh vực kinh doanh gần gũi nhau và dễ tìm được tiếng nói chung".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ TT&TT cũng cho hay, trong năm 2016, Bộ TT&TT sẽ tập trung chỉ đạo triển khai cổ phần hóa MobiFone, cố gắng theo đúng tiến độ đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, MobiFone là một Tổng công ty đặc biệt, nhưng không chỉ đặc biệt theo xếp hạng của Chính phủ, mà còn đặc biệt vì nhiều điểm.
MobiFone đang ăn nên làm ra, doanh thu 2015 ước đạt: 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt: 7.395 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu lên tới 49,35%, cao hơn nhiều so với Viettel (40,8%). MobiFone hiện đứng trong Top 10 về đóng góp cho ngân sách nhà nước. Chính vì sự đặc biệt như vậy nên khi cổ phần hóa Tổng công ty này phải rất thận trọng.
Theo phân tích của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong cả năm 2015, Nhà nước tiến hành cổ phần hóa 478 doanh nghiệp và thoái vốn được 9.924 tỷ đồng. Hầu hết số này đều đang thua lỗ, thậm chí "chết lâm sàng", Nhà nước phải bán gấp để thu hồi vốn, bảo toàn vốn.
Thế nhưng cổ phần hóa MobiFone được thực hiện khi MobiFone đang làm ăn có lãi, tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện giá trị doanh nghiệp của Tổng công ty này đã được đơn vị tư vấn xác định và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chắc chắn khi cổ phần hóa MobiFone thì số tiền Nhà nước thu được sẽ lớn hơn toàn bộ 478 doanh nghiệp của năm 2015 cộng lại.
Dự kiến, cổ phần hóa MobiFone có thể thu về cho nhà nước khoảng 20.000 tỷ đồng, cao hơn tổng số tiền trên 15.000 tỷ đồng đã thu về từ thoái vốn tại 558 doanh nghiệp trong giai đoạn 2011-2015.
Giá trị lớn như vậy nên áp lực của Bộ TT&TT, của MobiFone khi cổ phần hóa là rất lớn. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son kiến nghị với Chính phủ cần áp dụng tiêu chí ưu tiên khác cho nhiệm vụ cổ phần hóa MobiFone. Tiến độ triển khai có thể chậm một chút, nhưng phải đạt được hiệu quả cao nhất, bán được cổ phần với giá cao nhất cho Nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Theo ICTnews