Kể từ khi Twitter được Elon Musk mua lại và rơi vào tình trạng hỗn loạn, công ty mẹ của Facebook là Meta đã phát động một cuộc tấn công mới, bao gồm tung ra các ứng dụng mới, các chức năng tương tự Twitter. Liệu Mark Zuckerberg có thành công?
Phát triển ứng dụng cạnh tranh Twitter và mời những người nổi tiếng dùng thử
Tại cuộc họp nhân viên của Meta vào tuần trước, Chris Cox, Giám đốc sản phẩm, một trong những cộng sự đáng tin cậy nhất của Zuckerberg, đã công bố "đối thủ của Twitter". Sản phẩm này có tên nội bộ là "Project 92", còn được gọi là "Barcelona" trong một số phiên bản. Các nhà phát triển của Facebook hy vọng ứng dụng này cuối cùng sẽ đánh bại Twitter.
Có thông tin cho rằng ứng dụng này dự kiến sẽ được đặt tên là “Threads”, từ ảnh chụp màn hình sản phẩm có thể thấy, nó sẽ có văn bản cuộn liên tục giống như Twitter, với các nút tương tự như "like" và "forward". Meta đã mời nhiều người nổi tiếng và KOLs, trong đó có cả "nữ hoàng talk show" Oprah Winfrey dùng thử ứng dụng, hy vọng rằng những người nổi tiếng dùng trước sẽ giúp thu hút số đông.
Cố vấn truyền thông xã hội Matt Navarra cho biết: "Tôi biết Meta đã đàm phán với một người nổi tiếng người Anh và một số ngôi sao lớn của Mỹ". Ông cho biết ứng dụng mới có thể ra mắt ngay vào "cuối tháng này hoặc tháng tới, họ đã cho nhân viên trải nghiệm một thời gian."
Threads sẽ hoạt động độc lập với Instagram rất được hoan nghênh của Meta, dự kiến sẽ giới hạn các bài đăng ở 500 ký tự, điều này giống với thiết kế ban đầu của Twitter, mặc dù nền tảng cạnh tranh đã loại bỏ các tweet ngắn hơn để sử dụng các bài viết dài. Navarra cho biết “toàn bộ thiết kế của Threads rất giống với Twitter".
Người dùng sẽ có thể chuyển thông tin tài khoản từ Instagram sang, bao gồm cả việc bảo lưu tài khoản của họ và thông báo cho những người theo dõi cùng tham gia. Ứng dụng này được coi là dễ chấp nhận hơn đối với những người có ảnh hưởng đã tích lũy được lượng người theo dõi lớn trên các nền tảng khác.
Mark Zuckerberg từng cố gắng mua Twitter với giá 500 triệu USD
Kể từ khi Elon Musk mua Twitter với giá 44 tỉ USD vào năm ngoái, nó đang mất doanh thu quảng cáo và nhiều người dùng thậm chí đã rời bỏ. Rõ ràng, Zuckerberg đang chuẩn bị tấn công nhân lúc đối thủ hỗn loạn.
Các nhà quảng cáo cũng như người dùng đều choáng váng trước quyết định của Musk hủy bỏ lệnh cấm đối với các tài khoản bị chặn vì ngôn từ thù hận. Ông cũng xóa huy hiệu chứng nhận (tích) màu xanh lam khỏi giao diện tài khoản, bắt mọi người trả tiền để có được chứng nhận chữ V màu xanh lam mới, bị nhiều người coi là một sự xúc phạm. Điều này khiến Twitter mất rất nhiều tiền mặt và càng dễ bị tấn công.
Nhiều công ty hiện lo ngại rằng quảng cáo của họ có thể xuất hiện cùng với các thông tin sai lệch hoặc ngôn từ thù hận. Theo dự báo nội bộ, khoản thu nhờ quảng cáo của các thương hiệu trên Twitter đã giảm 59% so với cùng kì năm trước.
Zuckerberg, vốn được coi là một kẻ đầu cơ, đã nhìn thấy cơ hội để lật đổ đối thủ lâu năm của Facebook. Meta bắt đầu tung ra ứng dụng mới vào tháng 1, chỉ vài tuần sau khi Musk tiếp quản Twitter.
Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, nhận định: “Zuckerberg rất khôn ngoan khi tận dụng tình hình hỗn loạn của Twitter để tấn công”.
Người sáng lập Facebook từ lâu đã bị ám ảnh bởi Twitter, ông từng cố gắng mua lại công ty non trẻ này với giá 500 triệu USD vào năm 2008, khi nó mới vừa thành lập được 2 năm.
Threads có thể thực sự thay thế Twitter?
Cho đến nay các đối thủ nhỏ hơn vẫn chưa thể gây ra nhiều thiệt hại cho Twitter. Các ứng dụng như Bluesky và Mastodon, được ông chủ cũ Twitter là Jack Dorsey hỗ trợ, đã chứng kiến số lượng người dùng tăng lên kể từ khi được Musk mua lại, nhưng chúng không thể biến những tăng trưởng đó thành thế mạnh thực sự.
Nhưng Meta gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng hơn. So với các đối thủ nhỏ hơn khác, các nhà quảng cáo có thể sẵn sàng rót tiền quảng cáo vào tài khoản của Zuckerberg hơn. Brian Wieser, một nhà phân tích quảng cáo độc lập, người viết bản tin Madison & Wall Street, nói rằng mặc dù Facebook đã có những lo ngại về bảo mật từ lâu, đặc biệt là với người dùng trẻ tuổi, nhưng các nhà quảng cáo vẫn có thái độ cởi mở với các dịch vụ mới của Meta.
Ông nói thêm: "Mặc dù tôi cho rằng các vấn đề về an toàn thương hiệu và khả năng ứng dụng là mối quan tâm chung trên tất cả các mạng truyền thông xã hội, nhưng không có gì khiến hầu hết các nhà quảng cáo tránh xa Meta như sự hiện diện của Musk trên Twitter".
Twitter từ lâu đã được các chính trị gia, nhà báo, người nổi tiếng và học giả hoan nghênh. Tuy nhiên, ứng dụng Facebook và Instagram của Zuckerberg luôn có ưu thế về quy mô.
Hồi tháng 11/2022, Musk cho biết kể từ khi ông tiếp quản Twitter, nền tảng này đã đạt mức "cao nhất mọi thời đại" với khoảng 250 triệu người dùng. Tuy nhiên, điều này không thể sánh với các ứng dụng của Meta: chỉ riêng Instagram đã có hơn 2 tỉ người dùng. Zuckerberg chỉ cần thuyết phục một tỷ lệ nhỏ người dùng tạo tài khoản ứng dụng mới cũng đủ gây thành mối đe dọa cho Twitter.
Matt Navarra nói rằng mặc dù mọi người có tâm lý tiêu cực đối với ứng dụng Facebook, nhưng Instagram vẫn duy trì "hiệu ứng hào quang tích cực" đối với Meta và thương hiệu của nó đã giúp thuyết phục các nhà quảng cáo. Ứng dụng cạnh tranh của Meta có thể giúp thu phục những người nổi tiếng theo chủ nghĩa tự do và các thương hiệu không hài lòng với hành vi trò lố của Musk.
Có tin Chris Cox, giám đốc sản phẩm của Meta, được cho là đã nói với các nhân viên: "Chúng ta nghe thấy ý kiến của những người sáng tạo và nhân vật của công chúng, họ rất quan tâm đến một nền tảng hoạt động bình thường".
Rút kinh nghiệm từ quá khứ, liệu lần này Meta có thất bại?
Zuckerberg có thể cần một chiến thắng: Các nhà đầu tư đang ngày càng bất an với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Meta vào Metaverse. Công ty này đang chi hơn 1 tỉ USD mỗi tháng để cố gắng lôi kéo người dùng đến với tầm nhìn của Zuckerberg về một kiểu mạng internet tương lai được hỗ trợ bởi thực tế ảo.
Tuy nhiên, thành tích kém cỏi của Meta trong việc phát hành các ứng dụng của chính nó làm dấy lên nghi ngại. Ngoại trừ Facebook, đỉnh cao của Zuckerberg, nhiều ý tưởng ban đầu của công ty đã rất khó thực hiện và buộc phải phát triển thông qua các thương vụ mua lại khôn ngoan, mục tiêu chủ yếu là Instagram và WhatsApp.
Mấy năm gần đây, Meta đã phải loại bỏ nhiều ứng dụng như ứng dụng nhắn tin dựa trên Instagram Direct, tính năng Nhóm tách ra từ Facebook (chỉ thu hút được 15 triệu lượt tải xuống) và Neighborhoods, một ứng dụng tập trung vào cộng đồng địa phương.
Navarra nói: “Meta không có thành tích tốt khi tung ra các ứng dụng mới cho người dùng trẻ tuổi và hầu hết chúng đều thất bại nhanh chóng mà không đạt được bất kỳ tiến triển nào”.
Ông nói thêm rằng Meta "tốt hơn trong việc sao chép các trường hợp sử dụng thành công hơn là tự tung ra các tính năng mới". Vào năm 2016, Zuckerberg đã áp dụng tính năng Stories của đối thủ Snapchat trên Instagram, trong đó các video ngắn được ghim vào hồ sơ của người dùng, cản trở sự phổ biến của các ứng dụng cạnh tranh.
Công ty cũng đã thiết kế lại Instagram để giống đối thủ đang phát triển nhanh chóng là TikTok, nhưng đã phải bãi bỏ những thay đổi sau khi nhận phản ứng dữ dội từ người dùng.
Có lẽ để tránh những thiếu sót của Threads, Zuckerberg đã tìm kiếm thêm nhiều tính năng giúp WhatsApp thu hút người dùng Twitter. Meta đã ra mắt Channels, một cách để các thương hiệu hoặc công ty truyền bá thông điệp của họ tới số lượng lớn người theo dõi. Họ có thể gửi tin nhắn, hình ảnh, âm thanh hoặc video.
Các đội bóng như Manchester City và Barcelona đã ký kết quan hệ đối tác, các cơ quan chính phủ cũng vậy. Với 2 tỉ người dùng, Channels có thể là cách hiệu quả hơn để tiếp cận trực tiếp người dùng chứ không phải mong đợi họ khám phá một tweet.
Dù là WhatsApp hay Threads, cuộc chiến Mark Zuckerberg – Elon Musk khó có thể sớm được định đoạt. Ives cho biết các đối thủ cạnh tranh sẽ phải đối mặt với "một cuộc chiến tốn kém để tranh giành thị phần vì tăng trưởng quảng cáo vẫn chịu áp lực rất lớn".
Musk không tỏ rõ thái độ, nhưng CEO mới của Twitter là Linda Yaccarino, đang nỗ lực trấn an những lo ngại của các khách hàng quảng cáo, bà đã đáp lại sự tấn công của Meta bằng một thái độ thách thức: “Trò chơi bắt đầu nào!”.
Theo Tencent