Màn đổi chủ ở Địa ốc Tân Kỷ (TKC)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự đồng hành của Central Capital không chỉ đem lại kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh của TKC. Ở giác độ nào đó, nó cũng là động lực giúp thị giá cổ phiếu TKC tăng bằng lần trong 2 năm vừa qua.
CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ là nhà thầu xây dựng có tiếng ở khu vực phía Nam
CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ là nhà thầu xây dựng có tiếng ở khu vực phía Nam

Tính đến cuối quý đầu năm 2022, CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (Mã CK: TKC) có quy mô vốn điều lệ ở mức 113,8 tỉ đồng – không đổi kể từ sau đợt phát hành cổ phiếu thưởng vào năm 2015.

Dù có quy mô vốn khá khiêm tốn, song dưới sự điều hành của anh em doanh nhân Trần Văn Sỹ, giai đoạn 2015 – 2018, TKC ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong vai trò nhà thầu xây dựng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2019, doanh thu của TKC bất ngờ suy giảm phân nửa, về còn 587,6 tỉ đồng. Đồng thời, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty bị âm. Đơn vị kiểm toán cũng đặt vấn đề nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Trong bối cảnh ấy, TKC bắt đầu kết duyên với nhóm Central Capital, nổi bật là việc doanh nghiệp này liên tiếp trúng thầu các dự án Khu du lịch sinh thái Prime – Prime Hotels & Resorts (do Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm làm chủ đầu tư) và dự án Toà nhà khách sạn - Da Nang Silk Tower (do Công ty TNHH Đầu tư Tháp Lụa Đà Nẵng làm chủ đầu tư).

Diễn biến giá cổ phiếu TKC trên thị trường chứng khoán sau khi doanh nghiệp này có sự đồng hành của Central Capital

Diễn biến giá cổ phiếu TKC trên thị trường chứng khoán sau khi doanh nghiệp này có sự đồng hành của Central Capital

Đến tháng 6/2021, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) của TKC đã thông qua loạt tờ trình liên quan đến việc phát hành trả cổ phiếu để trả cổ tức các năm 2017 và 2018; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu; và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, TKC dự kiến sẽ phát hành tổng cộng 12,3 triệu cổ phiếu ra công chúng, nhằm tăng vốn điều lệ từ 113,8 tỉ đồng lên 236,9 tỉ đồng. Nhà đầu tư chiến lược mà TKC dự kiến phát hành riêng lẻ, sau đó, được xác định là Công ty TNHH Sài Gòn May mặc Xuất khẩu – thành viên của Central Capital.

Tuy nhiên, tới tháng 3/2022, TKC đã có văn bản đề nghị Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) dừng xem xét hồ sơ chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty. Khi ấy, ban lãnh đạo TKC đã lên lộ trình tăng vốn điều lệ khác, giàu tham vọng hơn, với mục tiêu tăng vốn công ty này lên tới 1.000 tỉ đồng.

Sự thay đổi trong kế hoạch tăng vốn của TKC cho thấy phần nào tiềm lực của nhóm cổ đông đang chiếm đa số ‘ghế’ trong Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty này: Central Capital.

Giai đoạn 17/11 – 30/11/2021, TKC chứng kiến sự thoái lui của loạt cổ đông nội bộ, bao gồm các uỷ viên HĐQT và người thân, như: ông Trần Văn Sỹ (bán 1 triệu cổ phiếu), ông Trần Văn Tuấn (bán 1 triệu cổ phiếu), ông Trần Văn Nho (bán 586.035 cổ phiếu).

Ở chiều hướng ngược lại, 3 nhà đầu tư cá nhân có liên quan đến Central Capital đã mua vào lượng lớn cổ phiếu TKC, bao gồm: ông Lê Đại Nghĩa (mua vào 1,1 triệu cổ phiếu; tương đương 10,25% vốn điều lệ), bà Lê Võ Thu Hà (mua vào 823.074 cổ phiếu; chiếm 7,67% VĐL), bà Vũ Thị Kim Loan (mua vào 1 triệu cổ phiếu; chiếm 9,23% VĐL). Các giao dịch này đều được thực hiện vào ngày 17/11/2021.

Ít tuần sau đó, thượng tầng của TKC cũng được ‘thay máu’ gần như triệt để, khi ĐHĐCĐ bất thường đã thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ HĐQT và BKS nhiệm kỳ cũ, đồng thời bầu ra HĐQT và BKS mới cho nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Trong số 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, có tới 3 đại diện liên quan tới nhóm Central Capital, là các ông Lê Đại Nghĩa, Trần Trọng Dũng và Trần Đức Vinh. Trong khi đó, nhóm cổ đông cũ có hai đại diện là các ông Trần Văn Sỹ và Trần Văn Tuấn. Ông Lê Đại Nghĩa sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT TKC.

Sinh năm 1980, ông Trần Đức Vinh, nên biết, là anh trai của CEO Central Capital Trần Thị Dịu Hoà. Ông Vinh hiện là giám đốc của Công ty TNHH A Type Machine, Công ty TNHH TM Phú Tích, Công ty TNHH The Alcove Library Hotel.

Trong khi đó, ông Lê Đại Nghĩa đồng hành cùng bà Trần Thị Hoà tại một số đơn vị, có thể kể tới Công ty TNHH Sài Gòn May mặc Xuất khẩu, CTCP Tổ chức Nhà Quốc gia. Từ đầu năm 2017 tới nay, ông Nghĩa đảm nhiệm vị trí Giám đốc CTCP Uhome Việt Nhật và Thành viên HĐQT CTCP BĐS Happy House.

Bà Trần Thị Dịu Hoà - CEO Central Capital

Bà Trần Thị Dịu Hoà - CEO Central Capital

Sinh năm 1982, bà Trần Thị Dịu Hoà là dân tài chính gốc, rồi phát triển sang lĩnh vực bất động sản. Cuối năm 2018, bà Hoà bắt tay với ông Vũ Đức Toàn sáng lập Central Capital, chia nhau lượng cổ phần chi phối và các vị trí lãnh đạo chủ chốt nhất ở tập đoàn này.

Công ty TNHH A Type Machine, lưu ý rằng, cũng là một trong những nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ 66,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (Mã CK: KPF) – một doanh nghiệp mà nhóm Central Capital đã và đang để lại nhiều dấu ấn.

Trở lại với TKC, AGM 2022 của doanh nghiệp này đã thông qua kế hoạch phát hành 4,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức và chào bán 10,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên 264 tỉ đồng.

Cùng với đó, doanh nghiệp này dự tính sẽ phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 1 năm, nhằm đầu tư góp vốn vào công ty phát triển dự án/hợp tác đầu tư kinh doanh bất động sản (638,8 tỉ đồng); thanh toán các khoản nợ nội bộ (161,1 tỉ đồng)./.