Yeah1 và Tân Hiệp Phát vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa tháng 3. Yeah1 sẽ phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ sinh thái công nghiệp truyền thông số để giúp Tân Hiệp Phát tiếp cận người dùng trẻ tuổi. Hợp tác này được ký không lâu sau khi bà Trần Uyên Phương trở thành cổ đông lớn tại Yeah1 với sở hữu hơn 22%.
Với giới phân tích, thỏa thuận này được xem là "bước ngoặt" mới của Yeah1 kể từ khủng hoảng đầu năm 2019. Còn với người trong cuộc, như ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch Yeah1, thỏa thuận với Tân Hiệp Phát là cách để công ty trở lại với guồng quay tăng trưởng và trả nợ lời hứa về một "kỳ lân".
"Nếu chúng tôi chọn cách co lại, chỉ tập trung những mảng sinh lời cao, mang tiền đi gửi ngân hàng, tỷ suất sinh lời có thể lên 30-40%. Nhưng Yeah1 không chọn cách này, chúng tôi mắc nợ thị trường câu chuyện về một kỳ lân. Đó là mối nợ mà chúng tôi phải trả", ông Tống nói với VnExpress.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tổng và bà Trần Uyên Phương. |
Cái tên "kỳ lân" của sàn chứng khoán được gửi gắm cho Yeah1 vào tháng 6/2018, khi cổ phiếu YEG lên sàn. Chỉ mất ba phiên giao dịch, YEG thành cổ phiếu đắt giá nhất thị trường, cho tới khi sự cố với YouTube xóa bỏ tất cả. YEG giảm tốc không phanh, thị giá giảm liên tục về vùng đáy dưới 40.000 đồng vào đầu năm 2020, mất hơn 80%.
"Lúc đó, Yeah1 như một chiếc máy bay vừa cất cánh. Chúng tôi mua công ty bên Mỹ, phát triển thị trường mới, kể cả những bước tiếp theo, như nguồn tài chính mấy chục triệu USD cũng được chuẩn bị. Nhưng rồi chỉ một biến cố đã khiến mọi thứ đổ bể", Chủ tịch Yeah1 nhớ lại.
Tác động đến hoạt động của kinh doanh của Yeah1 sau biến cố này, theo ước tính của ông Tống, chỉ khoảng 15-20%, nhưng tác động gián tiếp để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều.
Cổ phiếu Yeah1 đã mất hơn 60% so với mức giá chào sàn. Ảnh: Trading View |
"Khi bước 1 gặp vấn đề, để mọi thứ trở lại guồng quay, bước 2 và bước 3 phải được đẩy nhanh hơn. Đáng lẽ Social Network phải là bước đi trước, phát triển mạnh rồi 2-3 năm tới mới đến mảng thương mại truyền thông, nhưng khi bước 1 gặp trục trặc, Yeah1 phải đẩy nhanh hơn các bước tiếp theo", Chủ tịch Yeah1 nói.
Dù được xem là bước "xé rào", nhưng kinh nghiệm ở những mảng hoạt động cũ có thể giúp YEG ở bước đi mới. Nhiều năm phát triển nội dung trên các mạng xã hội giúp công ty này có một tệp người dùng đủ lớn, đa phần là giới trẻ. Tuy nhiên, vấn đề là tệp người dùng này lại phụ thuộc vào những đối tác mà Yeah1 không nắm quyền kiểm soát.
Ông Tống từng thừa nhận nguy cơ này từ sau biến cố với YouTube và cho biết về ý định xây dựng một nền tảng mới. Tuy nhiên nguồn lực để thực hiện lại là một thách thức với một công ty được xem là startup như họ. Và Tân Hiệp Phát có thể là lời giải cho bài toán khó này.
Với nguồn lực lớn, tệp khách hàng tương đồng, Tân Hiệp Phát có thể là bước đệm để Yeah1 tự xây dựng một nền tảng độc lập, cũng là nguồn dữ liệu khách hàng mới cho chính Yeah1. Ngược lại, Yeah1 có thể là lời giải giúp Tân Hiệp Phát gia tăng sản lượng khi công ty này dù là một thế lực trên thị trường đồ uống nhưng tốc độ tăng trưởng đã chững lại.
Tham gia cuộc chơi thương mại điện tử trên nền tảng truyền thông số, nhưng ông Tống cũng khẳng định sẽ không vào cuộc đua đốt tiền để chiếm thị phần. Thay vào đó, ứng dụng của Yeah1 sẽ phân tích dữ liệu và hành vi người dùng, từ đó giúp thúc đẩy doanh số. "Bản thân Yeah1 không đủ nguồn lực để tham gia vào cuộc chơi e-commerce, mà chúng tôi có hướng đi riêng của mình", ông Tống nói.
Theo VnExpress
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu