Lý do thủ tướng Malaysia “đóng cửa” siêu dự án 100 tỷ USD của Trung Quốc

VietTimes -- Việc thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad chỉ trích công khai dự án Thành phố Rừng vì đã bán tới 70% nhà ở thuộc dự án cho người nước ngoài không chỉ là vì ông đang "hiệu chỉnh" lại những mối quan hệ với Trung Quốc mà còn do mâu thuẫn mang tính lịch sử, Asiatimes cho biết.

Công trình phát triển bất động sản lớn đang xây dựng tại bang Johor của Malaysia là một điểm nổi bật trong sự mở rộng các biện pháp chính trị của vị thủ tướng 90 tuổi nhằm chống lại một công ty phát triển địa ốc tư nhân lớn của Trung Quốc vốn được chống lưng bởi vị vua của bang này là Ibrahim Ismail.

Kế hoạch tham vọng trị giá 100 tỷ USD có tên Thành phố Rừng được quản lý với sự hùn vốn của một đơn vị đầu tư mà cổ phần lớn nhất của đơn vị này là nhà vua bang Johor. Nó được thiết kế để nối 4 đảo nhân tạo xây dựng gần Singapore và khi hoàn toàn được xây dựng xong thành phố này sẽ thay đổi bản đồ khu vực bằng cách tạo ra một quận sẽ cung cấp chỗ ở cho 700.000 dân cho tới năm 2050.

Dù Thành phố Rừng chỉ mới trong giai đoạn phát triển đầu tiên và có rất ít người ở, những người có quốc tịch Trung Quốc chiếm tới 70% số người mua còn người Malaysia chỉ chiếm 20%. Những người mua bất động sản nước ngoài đến từ 22 quốc gia khác nhau bao gồm Indonesia, Hàn Quốc cũng đầu tư ở mức nhỏ lẻ.

Một bản phối cảnh siêu dự án Thành phố Rừng.
 Một bản phối cảnh siêu dự án Thành phố Rừng.

Thủ tướng Mahathir Mohamad tuyên bố vào cuối tháng 8 rằng những người nước ngoài sẽ không được tiếp tục mua bất động sản tại đây đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người bao gồm cả chính quyền bang Johor. Điều này trái với luật của Malaysia vì luật nước này cho phép công dân nước ngoài và các công ty sở hữu đất đai và nhà cửa khi được sự cho phép của bang mà không cần sự cho phép của liên bang hay nhà cầm quyền.

Thủ hiến bang Johor Osman Sapian - một thành viên của Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất - cũng là đảng của ông Mahathir, đã phản đối bình luận của thủ tướng và bảo vệ sự đóng góp của dự án này cho cả bang Johur và nền kinh tế quốc gia. Ông cho rằng nhà lãnh đạo đất nước đã không được "giải thích rõ ràng" về chính sách đất đai của bang.

Sự phản đối này có vẻ khiến ông Mahathir thay đổi lập trường bằng cách thừa nhận rằng người nước ngoài sẽ được cho phép mua nhà ở nhưng thay vào đó sẽ bị từ chối cấp visa cư trú cho những người mua. Điều này gây ra quan ngại chương trình Malaysia My Second Home (MM2H), mà người nước ngoài có thể được cấp và gia hạn visa 10 năm sẽ nhanh chóng bị hủy bỏ.

Đầu năm 2017, ông Mahathir đã chỉ trích mạnh mẽ Thành phố Rừng, đây là một bước tiến trong chiến lược bầu cử của ông khi đề cập tới các siêu dự án do Trung Quốc đứng sau. Đây là bằng chứng về việc người tiền nhiệm của ông, cựu thủ tướng Najib Razak đã trao đặc quyền cho Bắc Kinh để che đậy thâm hụt tài chính do chính quyền bất tài trong quản lý ngân sách và tham nhũng.

Ông Mahathir Mohamad đắc cử thủ tướng ngày 9.5.2018.
 Ông Mahathir Mohamad đắc cử thủ tướng ngày 9.5.2018.

"Đây không phải là đầu tư Trung Quốc mà là một sự dàn xếp", ông đã nhận xét ngay trước chiến thắng gây sốc của mình trong cuộc bầu cử ngày 9.5. Ông đôi khi so sánh các công trình phát triển do Trung Quốc đứng sau với các cơ sở của Singapore như một thuộc địa của Anh quốc và làm dấy lên nỗi lo sợ của những người theo chủ nghĩa dân tộc khi người nước ngoài mua bất động sản có thể trở thành công dân Malaysia với quyền bầu cử.

Nhưng ngược với những lời nói của mình, ông Mahathir có vẻ tán thành cả chương trình visa dài hạn và dự án Thành phố Rừng trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng trước và buổi gặp mặt ngày 16.8 với ông Dương Quốc Quang chủ tịch Country Garden Holdings - một nhà phát triển địa ốc tại Hồng Kông có công ty con đang lãnh đạo xây dựng dự án này.

Theo giám đốc chiến lược của công ty Country Garden Holdings Ng Zhu Hann thì những phản ứng mạnh mẽ gần đây nhất của ông Mahathir chống lại dự án bất động sản đối lập với lập trường cá nhân của ông trong cuộc họp kín kéo dài 40 phút vào tháng trước. Ông nói rằng thủ tướng Malaysia "chào đón đầu tư nước ngoài có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm".

Bộ trưởng kinh tế, đồng thời là phó chủ tịch của đảng liên minh cầm quyền lớn nhất là ông Azmin Ali đã gây hoang mang hơn khi ông cáo buộc Country Garden đứng sau một "kế hoạch đặc biệt" tặng những chương trình công quản miễn phí tại Thành phố Rừng để lấy được đầu tư Trung Quốc. Cả Country Garden và thủ hiến của bang Johor đều phủ nhận tuyên bố không có căn cứ này.

Vị trí dự án Thành phố Rừng, khi hoàn thiện sẽ kết nối 4 đảo nhân tạo, tạo ra một khu vực rộng gấp 3 lần Singapore.
 Vị trí dự án Thành phố Rừng, khi hoàn thiện sẽ kết nối 4 đảo nhân tạo, tạo ra một khu vực rộng gấp 3 lần Singapore.

Hơn nữa, Putrajaya tuyên bố đưa ra khả năng hành động đơn phương để thay đổi các điều kiện đầu tư đã đạt được với chính quyền trước đó. Đây là một động thái mà các nhà phân tích cho rằng sẽ gây ảnh hưởng tới niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài vì lo sợ rằng các công trình phát triển tư nhân sẽ trở thành mục tiêu của sự phân biệt đối xử.

Những người khác thì coi bình luận công khai của ông Mahathir là một chiến thuật chính trị để nâng mức tiêu dùng nội địa.

"Ông Mahathir muốn Trung Quốc hiểu rõ hơn về ý kiến trong nước Malaysia khi họ đầu tư vào đất nước này", ông Mustafa Izzuddin một nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore nói. Ông tin rằng những bình luận cá nhân của thủ tướng Malaysia có ý định "đảm bảo với các lãnh đạo Trung Quốc rằng Malaysia vẫn mở cửa với đầu tư Trung Quốc".

Thủ tướng Malaysia coi việc hiệu chỉnh lại những ràng buộc với Trung Quốc là ưu tiên chủ chốt trong chính sách ngoại giao. Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc mới đây, ông lặp lại việc hoan nghênh thương mại, kỹ thuật và đầu tư Trung Quốc và ủng hộ đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương dù ông công khai cảnh báo về một "chủ nghĩa thực dân mới" trong đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Không giống như các dự án đã bị hoãn lại như đường sắt cao tốc HSR với Singapore hay ECRL do Trung Quốc cung cấp vốn, Thành phố Rừng là dự án đầu tư địa ốc nước ngoài lớn nhất tại Malaysia. Việc xây dựng cũng không dựa vào chi tiêu công để có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nợ quốc gia của Malaysia.

Mô hình Thành phố Rừng trong một trung tâm thương mại tại Johor.
 Mô hình Thành phố Rừng trong một trung tâm thương mại tại Johor.

Trong khi những bước đi để thiết lập lại điều kiện quan hệ với Trung Quốc là một tín hiệu của việc Malaysia đang quay về với chính sách không liên kết. Đây còn được xem là biện pháp phòng thủ chính trị của ông để ngăn chặn phe đối lập cánh hữu.

Truyền thông Trung Quốc thận trọng phản ứng với bình luận và sự thay đổi trong chính sách của ông Mahathir. Dù thận trọng không chỉ trích chính phủ mới bầu của Malaysia, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang nhắm tới việc tranh thủ về thương mại với các nước Đông Nam Á giữa những căng thẳng thương mại đang tăng nhiệt với Mỹ, một vài tờ báo Trung Quốc đã đưa ra những tín hiệu không hài lòng.

Tờ Hoàn cầu Thời báo kêu gọi chính phủ Trung Quốc phải giúp đỡ các công ty Trung Quốc "bảo vệ những lợi ích của họ": "Trung Quốc cần hiểu và thích nghi với những thay đổi trong nội địa Malaysia và giữ tính nhất quán trong hợp tác với nước này trong khi các công ty Trung Quốc cần phải bảo vệ lợi ích của riêng mình".

Một yếu tố khác là sự kình địch mang tính lịch sử giữa người trị vì tối cao tại Johor vua Ibrahim với ông Mahathir. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình, ông Mahathir đã thông qua các tu chính án trong hiến pháp để hạn chế quyền lực của hoàng gia Malaysia, rút bỏ quyền miễn trừ truy tố của họ sau 2 trường hợp hành hung có liên quan tới gia đình hoàng gia Johor trong những năm 1990.

Vua Ibrahim công khai phàn nàn về những sự hạn chế trong kỷ nguyên Mahathir - ngăn hoàng gia có quyền phủ quyết trong lập pháp. Đề cập tới những tranh cãi xung quanh Thành phố Rừng, vị vua này đã nâng những lời khiển trách của ông với ông Mahathir lên một mức độ nặng nề hơn.

Ông Mahathir (trái) và vua Ibrahim (phải).
 Ông Mahathir (trái) và vua Ibrahim (phải).

Theo hiến pháp vua Ibrahim là một biểu tượng bảo vệ văn hóa Malaysia. Ông cũng là một doanh nhân giàu có và là nhà vô địch của Iskandar Malaysia - một vùng kinh tế đặc biệt tại Johor được ví như "Thâm Quyến tiếp theo". Thành phố Rừng là dự án lớn nhất giữa hàng chục dự án trong khu vực và sẽ có diện tích lớn gấp 3 lần Singapore khi hoàn thiện vào năm 2025.

Ông Mustafa Izzuddin nói: "Mối quan hệ giữa ông Mahathir và hoàng gia Johor sẽ tiếp tục căng thẳng vì hoàng gia Johor phẫn hận với sự can thiệp quá mức của chính phủ liên bang do ông Mahathir lãnh đạo... Ở thời điểm hiện tại, quan hệ căng thẳng đang được giải quyết một cách kín đáo và ngoại giao vì vậy nó không lan rộng ra với công chúng".

Lãnh đạo chính trị của Pakatan Harapan, liên minh cầm quyền do ông Mahathir dẫn đầu đang lãnh đạo bang Johor "muốn nuôi dưỡng quan hệ tốt đẹp với hoàng gia Johor vì đức vua được người dân Johor sùng kính". Ông nhấn mạnh sự ủng hộ của vua Ibrahim là "quan trọng với Pakatan để cai trị đất nước một cách hiệu quả".

Bộ Nhà ở và Chính quyền địa phương của Malaysia tuyên bố đang tìm cách để giới hạn quyền sở hữu nước ngoài với nhà cửa tại Thành phố Rừng, nhắm tới việc kìm hãm luật và các chính sách của bang Johor có thể cho phép tới 70% người nước ngoài có quyền sở hữu trong siêu dự án.

Chính quyền Johor giữ lại 30% nhà ở trong Thành phố Rừng cho những người mua Malaysia nhằm xoa dịu nỗi sợ bài ngoại khi có những cư dân Trung Quốc tràn vào. Tuy nhiên, chính phủ liên bang do ông Mahathir lãnh đạo có vẻ đang có ý định đưa ra những hạn chế chặt chẽ hơn với những người mua nước ngoài - một động thái sẽ làm quan hệ của thủ tướng Malaysia và vua Johor trầm trọng hơn.