Lý do khó soán ngôi đồng USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đồng USD có thể suy yếu sau những sự kiện liên quan tới ngành ngân hàng thời gian qua, song điều đó chưa đủ để soán ngôi của đồng bạc xanh trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Ông Marc Chandler - chiến lược gia thị trường đến từ Bannockburn Global Forex, một nhánh của First Financial Bank (Mỹ) - mới đây đã có bài viết trên tờ Barron's, trong đó chia sẻ góc nhìn về vị thế của đồng USD và cả những nỗ lực làm suy yếu vai trò của đồng bạc xanh trong hệ thống tài chính toàn cầu.

VietTimes trân trọng gửi quý độc giả nội dung được chuyển ngữ của bài viết này.

Sự trỗi dậy của một số đồng tiền có thể ảnh hưởng tới vị thế của đồng USD? (Ảnh: Barron's)

Sự trỗi dậy của một số đồng tiền có thể ảnh hưởng tới vị thế của đồng USD? (Ảnh: Barron's)

Việc tịch thu một số tài sản của Nga và dùng chúng để tài trợ Ukraine được cho là sẽ làm giảm sự hấp dẫn của đồng USD. Đồng thời, việc Mỹ ngày càng dựa vào các đòn trừng phạt và “vũ khí hoá” đồng USD cũng làm tăng tốc quá trình tìm kiếm những đồng tiền thay thế.

Bên cạnh đó, một số vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ cũng gây nhiều lo ngại về sức khỏe của đồng USD trước những cuộc khủng hoảng tài chính.

Ở một diễn biến khác, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Arab Saudi khiến nhiều người tin vào viễn cảnh đồng nhân dân tệ dầu mỏ (petro-yuan; ám chỉ sức mạnh của đồng nhân dân tệ neo vào dầu mỏ) sẽ thay thế đồng đô la dầu mỏ (petro-dollar).

Có 2 cách để đồng USD đánh mất đi vị thế trong nền kinh tế thế giới: Một là, USD được thay thế bởi một đồng tiền khác (giống như cách mà USD thay thế đồng bảng Anh cách đây một thế kỷ); Hai là, khi Mỹ rút khỏi vai trò toàn cầu.

Một số người tin vào kịch bản thứ nhất, song nó khó có thể xảy ra trên thực tế. Những người coi vai trò của đồng USD như một gánh nặng, chứ không phải một đặc lợi, muốn từ bỏ nó. Điều này giống như một cuộc “giải giáp vũ trang” tài chính trong một cuộc chơi lớn tranh giành tầm ảnh hưởng quốc tế.

Trung Quốc có thể là khách hàng lớn nhất của Arab Saudi, nhưng không có dấu hiệu cho thấy Arab Saudi sẽ tính tiền dầu bằng đồng nhân dân tệ (NDT). Ở một số cấp độ thì điều này không có ý nghĩa, bao gồm cả việc đồng riyal của Arab Saudi neo giá với đồng USD. Khi Fed thay đổi lãi suất, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Arab Saudi và một số nước khác ở Trung Đông thường sẽ nhanh chóng làm theo.

Việc thêm NDT vào Quỹ rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2015 được cho là sẽ thúc đẩy lượng dự trữ đối với đồng tiền này. Nhưng đến cuối quý 3 năm 2022, tỷ lệ đồng NDT trong dự trữ ngoại hối quốc tế chỉ khoảng 2,75%. Tỷ lệ sử dụng NDT trong các giao dịch của SWIFT đã tăng lên trên 3% hồi đầu năm ngoái, nhưng đến tháng 2/2023, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 2,2%.

Đối với Trung Quốc, họ cũng khó có thể từ bỏ đồng USD. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), từng có thời được xem là thách thức đối với Ngân hàng Thế giới (WB), đã đạt một thoả thuận dùng đồng USD để thanh toán cho các giao dịch của họ. Thoả thuận có sự tham gia của nhiều đồng minh của Mỹ, bao gồm Anh, Đức, Australia và Israel.

Ngay cả dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất của Trung Quốc cũng không thể tách khỏi đồng USD. Ban đầu, Trung Quốc đưa ra những khoản vay bằng đồng NDT, nhưng bên nợ nhanh chóng chuyển đổi số tiền sang đồng USD. Bởi vậy mà hiện nay, nhiều ngân hàng Trung Quốc đưa ra các khoản vay dự án bằng đồng USD.

Vai trò của đồng USD trong "vũ trụ" tài chính khó có thể bị lung lay (Ảnh: Reuters)

Vai trò của đồng USD trong "vũ trụ" tài chính khó có thể bị lung lay (Ảnh: Reuters)

Hơn nữa, quá tập trung tìm hiểu các giao dịch dầu mỏ được thanh toán bằng đồng USD sẽ gây hiểu lầm về vai trò của nó đối với nền kinh tế thế giới. Thế giới đã có nhiều thay đổi trong 40 năm qua, ví dụ, thị trường tiền tệ hiện nay đã vượt qua thị trường hàng hoá với cách biệt khá lớn.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) ước tính rằng khối lượng giao dịch hàng ngày trên thị trường hối đoái là khoảng 7,5 nghìn tỉ USD. Giá trị thương mại toàn cầu trong cả năm 2022 là khoảng 32 nghìn tỉ USD. Đồng USD chiếm khoảng 88% trao đổi tiền tệ, rất ít thay đổi kể từ năm 1989. Trung Quốc có thể là đối tác quan trọng nhất của nhiều quốc gia hơn so với Mỹ, nhưng vai trò của đồng USD vẫn không lung lay.

Việc mua bán dầu mỏ hay những loại hàng hoá khác bằng đồng USD không phải lý do giúp giữ vững vai trò của đồng bạc xanh đối với nền kinh tế thế giới. Nguyên nhân sâu xa chính là độ sâu, rộng và minh bạch của thị trường vốn của Mỹ, và tiếp đến là sự thống trị về mặt quân sự và hệ thống pháp lý của nước này.

Sự đa dạng về dự trữ ngoại hối, trong đó hướng tới một số đồng tiền thay thế như euro, sterling, yen hay đôla Canada và Australia, cũng không thể đe doạ đồng USD.

Các đòn trừng phạt tài chính nhằm vào Nga được nhiều nước áp dụng, và những quốc gia này đã chìm sâu vào thế giới mà đồng USD là trung tâm. Khi công nghệ được cải thiện và làm giảm một số rào cản, một số hệ thống thanh toán mới đã xuất hiện trong vài năm trở lại đây; tuy nhiên chúng đều nhỏ và bị phân mảnh.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã vô tình tạo cơ hội cho cả một số đồng tiền ít ngờ tới, như đồng dirham của UAE, hiện đang được Ấn Độ sử dụng để trả tiền mua dầu của Nga. Ấn Độ hiện đã trở thành nước nhập khẩu lớn nhất dầu thô của Nga, và họ muốn tránh sử dụng đồng NDT do đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của đồng NDT vẫn có thể sẽ mở rộng. Dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã mở rộng tầm với ra nhiều quốc gia thuộc Trung Á. Nga có thể sẽ bước vào quỹ đạo của đồng NDT do cuộc chiến ở Ukraine. Các công ty Trung Quốc đã lấp chỗ trống mà các công ty phương Tây để lại sau khi rút khỏi nước này.

Có khả năng một khối sử dụng đồng NDT sẽ dần thành hình, bao gồm Nga, Triều Tiên và Iran. Nhưng họ không hoàn toàn từ bỏ đồng USD. Số phận của đồng USD nằm ở chính Washington chứ không phải Bắc Kinh./.

Theo Barron's