Lửa giận lại bùng lên ở cái nôi 'Mùa xuân Arab'

5 năm sau "Mùa xuân Arab", người dân Tunisia tiếp tục xuống đường vì tức giận với tình trạng thất nghiệp và bất công của nền kinh tế. 
Người biểu tình Tunisia mang theo di ảnh của Yahyaoui tuần hành trên phố. Ảnh: Al Jazeera
Người biểu tình Tunisia mang theo di ảnh của Yahyaoui tuần hành trên phố. Ảnh: Al Jazeera

Khi Ridha Yahyaoui phát hiện ra rằng mình lại bị loại trong cuộc đua tranh xin việc làm, người thanh niên 28 tuổi thất nghiệp này đã trèo lên một cột điện trong thị trấn Kasserine ở Tunisia hôm thứ bảy tuần trước, và bị điện giật chết. Một số nhân chứng cho hay Yahyaoui đã tuyên bố sẽ tự tử trước khi trèo lên cột điện.

Cái chết của Yahyaoui diễn ra gần tròn 5 năm sau khi người đàn ông thất nghiệp Mohamed Bouazizi châm lửa tự thiêu, làm bùng lên một cuộc cách mạng ở Tunisia, khơi cảm hứng cho phong trào "Mùa xuân Arab" lan tràn khắp Trung Đông.

Những gì xảy ra cách đây 5 năm đang gần như lặp lại. Sau cái chết của Yahyaoui, các cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng ra các thị trấn, thành phố trên khắp Tunisia, khi đông đảo thanh niên nước này thể hiện nỗi tức giận và tuyệt vọng trước tình hình kinh tế, chính trị của đất nước sau cuộc cách mạng mở đầu cho "Mùa xuân Arab".

Ở một số thị trấn, người biểu tình giận dữ đập phá, cướp bóc các cửa hàng và đụng độ bạo lực với lực lượng an ninh, khiến một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ Tunisia phải ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng.

Theo bình luận viên Charlotte Alfred của Huffington Post, điều khiến đông đảo người dân Tunisia cảm thấy thất vọng nhất sau khi nổi dậy lật đổ chính quyền cách đây 5 năm là đến nay tình trạng thất nghiệp của thanh niên vẫn không được cải thiện, thậm chí còn tồi tệ hơn.

Trước phong trào biểu tình năm 2011, với hàng triệu người dân Tunisia xuống đường đòi tự do chính trị và cơ hội kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đứng ở mức 13%, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB). Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp tại Tunisia đã tăng lên mức 15,2%, và người dân lại tiếp tục xuống đường hô to khẩu hiệu "Việc làm, tự do và nhân phẩm".

Tình hình đặc biệt bi đát đối với những cử nhân trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Tỷ lệ thất nghiệp đối với các cử nhân này ở mức 32% vào năm 2011, và đến năm 2016, vẫn có gần 20% thanh niên Tunisia không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, theo WB. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp đối với thanh niên độ tuổi 15-24 là gần 40%.

Ngoài ra, sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền của Tunisia cũng ngày càng bộc lộ rõ, đặc biệt là giữa khu vực đô thị, duyên hải của nước này với vùng đất khô cằn từ miền trung tới giáp biên giới Algeria. Đây chính là vùng đất có thị trấn Kasserine của Yahyaoui, nơi tỷ lệ thất nghiệp lên tới gần 30%. Vùng Sidi Bouzid lân cận, nơi Bouazizi tự thiêu, cũng phải chịu đựng tình trạng đói nghèo tương tự. Đây chính là những khu vực nghèo khó nơi cuộc biểu tình năm 2011 bùng lên.

Tunisia là "cái nôi" khởi phát phong trào Mùa xuân Arab cách đây 5 năm. Đồ họa:BBC

Tunisia là "cái nôi" khởi phát phong trào Mùa xuân Arab cách đây 5 năm. Đồ họa:BBC

"Dù ai điều hành đất nước đi nữa, Tunisia vẫn đang chịu tình trạng phân phối của cải bất công", giáo sư Khattar Abou Diab, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Paris, nói. "Người dân đã được tự do hơn sau các cuộc biểu tình năm 2011, nhưng họ muốn có những thứ vững chắc hơn như thực phẩm và công ăn việc làm".

Căn nguyên bất ổn

Khi phong trào biểu tình năm 2011 bùng lên và lật đổ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali, đưa Tunisia bước vào con đường dân chủ đầy gập ghềnh, những quyền tự do dân chủ mà nó mang lại không song hành với tăng trưởng kinh tế.

Những bất ổn chính trị sau cuộc cách mạng đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu từ du lịch và đầu tư nước ngoài ở Tunisia, đẩy đất nước rơi vào tình trạng suy thoái từ năm 2011.

Tunisia được đánh giá là quốc gia thành công nhất trong phong trào "Mùa xuân Arab", khi một loạt các nước khác theo gót vẫn đang chìm trong hỗn loạn và bất ổn, như Libya, Syria, Ai Cập. Thế nhưng một loạt vụ tấn công khủng bố, trong đó có vụ xả súng tại một bảo tàng nổi tiếng và một khách sạn ven biển, đã giáng thêm đòn mạnh vào nền du lịch nước này.

Các đảng phái chính trị ở Tunisia đã tham gia vào các cuộc bầu cử dân chủ để lập nên hiến pháp và chính quyền mới, nhưng sau đó họ lại lao vào các cuộc đấu đá chính trị và tranh giành quyền lực. Nhiều người biểu tình cáo buộc chính phủ phớt lờ mục tiêu phát triển kinh tế và không có biện pháp hữu hiệu để diệt trừ tình trạng tham nhũng lan tràn từ trước cuộc cách mạng.

"Con trai tôi là nạn nhân của tình trạng tham nhũng, phân chia bè phái và những lời hứa hẹn không bao giờ trở thành hiện thực", Othman Yahyaoui, cha của người thanh niên bị điện giật chết ở Kasserine, chia sẻ với AFP. "Khi tình trạng lạm quyền này vẫn tiếp diễn, sẽ có thêm nhiều người khác phải chết như nó".

Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi tuyên bố ông hiểu rõ căn nguyên của các cuộc biểu tình hồi cuối tuần trước. Chính phủ đã hứa hẹn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở những khu vực như Kasserine, nhưng chưa đưa ra các biện pháp cụ thể. Pháp cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ Tunisia một tỷ euro trong vòng 5 năm tới.

Người biểu tình Tunisia đụng độ với cảnh sát. Ảnh:Al Jazeera

Người biểu tình Tunisia đụng độ với cảnh sát. Ảnh:Al Jazeera

Thủ tướng Tunisia Habib Essid cảnh báo rằng sẽ không có một "chiếc đũa thần" giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay, và kêu gọi người dân kiên nhẫn. Thủ tướng cũng cho rằng có những người lợi dụng các cuộc biểu tình để hủy hoại tiến trình chuyển giao dân chủ, đồng thời cam kết rằng nền dân chủ nước này sẽ được bảo tồn "bằng bất cứ giá nào".

Tổng thống Essebsi còn đổ lỗi cho "những bàn tay bẩn" kích động bạo lực trong đoàn biểu tình, và các chuyên gia lo ngại rằng những cáo buộc này rất giống với cách phản ứng của chính quyền cũ trong phong trào Mùa xuân Arab. "Đây không phải là dấu hiệu tốt, vì nó thể hiện tổng thống không xử lý nguyên nhân thực sự. Ông ấy đang đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài", ông Roxanne Farmanfarmaian, giảng viên Đại học Cambridge, nhấn mạnh.

Theo Vnexpress