Người dân Cuba tại Havana lắng nghe bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama
Quyết định lịch sử này không chỉ có lợi cho Mỹ và Cuba, mà còn có lợi cho cả khu vực và thế giới. Nó càng cho thấy cựu Thủ tướng Anh duy nhất từng nhận giải Nobel văn học Winston Churchill đã đúng, khi ông cho rằng: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.
Thế giới hiện đại càng cho thấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc luôn được đặt lên trên hết. Thậm chí, có nơi, có lúc, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan, méo mó làm nảy sinh quái thai, dị dạng nào đó, đi ngược với trào lưu của thế giới văn minh tiến bộ. Nhưng, việc đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong mọi xử thế bang giao ngày nay đã tỏ ra là một xu thế không thể đảo ngược.
Bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn đã trở thành “cách tiếp cận lỗi thời” trong thế giới hiện đại ngày nay. Bạn bè thì thường ít khi “chơi” xấu, cài bẫy gây thiệt hại cho nhau. Nhưng, trước những hành vi “bạn” cố tình “xấu chơi”, thì bất kỳ chủ thể nào cũng không thể và không nên dĩ hòa vi quý, “ngậm bò hòn làm ngọt” được. Bạn bè “xấu chơi” thì phải đấu tranh, cảnh báo và ngăn chặn cho kỳ được. Còn, trong mọi xung đột, bất đồng, dẫu có là kẻ thù của nhau thì vẫn có thể tìm ra lối thoát có lợi, để có thể giải quyết xung đột, bất đồng thông qua đối thoại và thương lượng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Chưa kể, nếu gác thù thành bạn, gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, mang đến những lợi ích to lớn, thì lại càng là điều cần làm hơn hết vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc luôn bất biến.
Bởi thế, việc bình thường hóa và phát triển quan hệ thân thiện giữa hai nước láng giềng gần gũi nhau về địa lý như Mỹ và Cuba sẽ chỉ có lợi cho nhân dân hai nước cũng như quốc tế và khu vực. Quan điểm này được đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc nhiều lần khẳng định. Hơn ai hết, Việt Nam thấu hiểu những khó khăn và khổ đau mà nhân dân Cuba phải chịu đựng trong những năm tháng bị cấm vận kéo dài, mà đây lại là cuộc cấm vận dài nhất trong lịch sử thế giới cận đại, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc và các qui định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc kéo dài những hành động cấm vận, gây sức ép kinh tế như vậy chỉ càng làm quyền lợi của chính Mỹ và cả Cuba đều bị mất mát, ảnh hưởng.