Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã CK: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính Quý 1/2021 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 7.460 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, Vietnam Airlines báo lỗ gộp 3.869 tỉ đồng.
Trong quý đầu tiên 2021, doanh thu nội địa của hãng hàng không này giảm 25,8% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu quốc tế giảm mạnh 97,1%; doanh thu thuê chuyến giảm 83,5%.
Chi phí tài chính Quý 1/2021 của Vietnam Airlines ở mức 358,8 tỉ đồng, giảm 68,2% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm lần lượt 51,5% và 9,9% xuống mức 394,7 tỉ đồng và 359,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do tốc độ giảm doanh thu cao hơn tốc độ giảm chi phí nên lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm trên 2.793 tỉ đồng. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế gần 4.975 tỉ đồng, lỗ sau thuế của công ty mẹ là gần 4.890 tỉ đồng.
Trên bảng cân đối, tại ngày 31/3/2021, quy mô tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 60.580 tỉ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản cố định với hơn 43.434 tỉ đồng, chiếm 71,7% tổng tài sản; số dư tiền và tương đương tiền giảm nhẹ 3,5% xuống còn 1.594,8 tỉ đồng.
Về nguồn vốn, tính đến cuối Quý 1/2021, nợ phải trả của Vietnam Airlines tiếp tục tăng 5,4% so với đầu năm lên đạt 59.549 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ vay và nợ thuê tài chính là 34.333 tỉ đồng, chiếm 56,6% tổng nguồn vốn.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vietnam Airlines tại ngày 31/3/2021 ghi nhận giá trị âm 14.219 tỉ đồng, cao hơn 36 tỉ đồng so với quy mô vốn điều lệ (14.183 tỉ đồng). Khoản lỗ sau thuế 3 tháng đầu năm 2021 cũng khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines giảm mạnh từ 6.072 tỉ đồng xuống còn 1.030 tỉ đồng.
Cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỉ đồng từ việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thời gian thực hiện dự kiến trong nửa đầu năm 2021.
Vietnam Airlines cho biết, số tiền thu được từ đợt phát hành dùng để thanh toán các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán gốc và lãi tiền vay.
Cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo đó, tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỉ đồng, lãi suất tái cấp vốn là 0%.
Thủ tướng yêu cầu các tổ chức tín dụng cần theo dõi riêng khoản vay của Vietnam Airlines, thoả thuận về lãi suất, số tiền, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay, phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines và tình hình tài chính của hãng hàng không này./.