Liên kết truyền hình: Để không ai chịu thiệt

Nhiều sai sót  do liên kết các chương trình truyền hình xảy ra đã khiến nhiều người trong cuộc phải giật mình nhìn lại. Họ cũng có lắm nỗi niềm.
Những chương trình truyền hình cung cấp kiến thức và giàu tính nhân văn vẫn luôn được khán giả đón nhận, như Đường lên đỉnh Olympia (VTV3) từ năm 1999 đến nay vẫn là sân chơi hấp dẫn, Vượt lên chính mình (HTV7) - game show xóa nợ và cung cấp vốn cho người
Những chương trình truyền hình cung cấp kiến thức và giàu tính nhân văn vẫn luôn được khán giả đón nhận, như Đường lên đỉnh Olympia (VTV3) từ năm 1999 đến nay vẫn là sân chơi hấp dẫn, Vượt lên chính mình (HTV7) - game show xóa nợ và cung cấp vốn cho người

Rõ ràng các chương trình liên kết tạo nên sinh khí mới cho nhà đài cũng như mang lại nhiều lựa chọn cho khán giả truyền hình. Tuy nhiên, nhiều sai sót xảy ra đã khiến nhiều người trong cuộc phải giật mình nhìn lại. Họ cũng có lắm nỗi niềm.

Ðạo diễn Nguyễn Quang Dũng - người nhiều năm tham gia các chương trình truyền hình thực tế với vai trò giám khảo - chia sẻ một kinh nghiệm khá thú vị: “Mọi người hay than phiền vì sao chúng ta cứ mãi chạy theo các format (định dạng) nước ngoài, nhưng mọi người không hiểu rằng hầu hết format trong nước đều được đài chia sẻ về ý tưởng nhưng không chấp thuận chia sẻ về rủi ro. Các nhà tài trợ cũng vậy. Còn mang một format đã thành công vang dội ở nhiều quốc gia trên thế giới đi chào hàng bao giờ cũng dễ dàng và nắm chắc phần thắng hơn, đặc biệt với các format thuần về giải trí”.

Thực tế đã chứng minh điều này. 

Ở nước ngoài, người ta kiếm tiền từ các chương trình giải trí và trích tiền đó đầu tư ngược lại vào các chương trình cộng đồng, xã hội, giáo dục. Nhưng ở nước ta thì chưa thấy
Đạo diễn NGUYỄN QUANG DŨNG

Ám ảnh... quảng cáo

Ðặt câu hỏi điều gì khiến nhà sản xuất (NSX) lo lắng nhất khi sản xuất chương trình truyền hình, phần lớn câu trả lời là: quảng cáo. Hiện nhà đài và NSX liên kết theo hai hình thức: liên kết theo đơn đặt hàng (vẫn thường được hiểu theo kiểu “mua đứt bán đoạn”) và liên kết sản xuất theo kiểu hai bên cùng đầu tư và chia lợi nhuận theo tỉ lệ thỏa thuận.

Và dù ở hình thức nào thì nhà đài cũng là đơn vị chịu trách nhiệm chính về mặt pháp lý, giữ bản quyền phát sóng, kiểm soát chất lượng, kiểm duyệt nội dung các chương trình trước khi lên sóng và hưởng gần như trọn doanh thu từ quảng cáo thu về.

Trao đổi vớiTuổi Trẻvề việc xử lý sai phạm trong các chương trình truyền hình liên kết của các đài truyền hình trên cả nước thời gian vừa qua, ông Đặng Anh Tuấn - chánh thanh tra Bộ TT&TT - cho biết sai phạm xảy ra chủ yếu ở Đài truyền hình VN (VTV) và đơn vị này bị xử phạt nhiều nhất.

Ở các đài truyền hình khác, do lượng chương trình liên kết ít nên ít sự việc vi phạm.

Về mức xử phạt mà dư luận cho rằng còn thấp và không mang tính chất răn đe, ông Tuấn cho biết việc xử phạt mức nào, bao nhiêu tiền đều căn cứ theo quy định tại nghị định 159/NĐ-CP năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí.

Ông Đặng Anh Tuấn khẳng định không có việc nương tay trong xử phạt đối với VTV hay bất cứ cơ quan báo chí nào có vi phạm, mà bộ luôn khách quan trong việc xử lý.

M.QUANG

“Dù chúng tôi chọn hình thức “mua đứt bán đoạn” hay liên kết sản xuất thì đều phải cam kết quảng cáo đạt ở mức nào đó theo yêu cầu của đài, nếu không sẽ phải bù vào để đủ với số tiền đã cam kết” - một NSX thân cận với HTV tiết lộ. Một NSX nhỏ khác cho biết: “Ví dụ đài định giá chương trình là 10 tỉ đồng thì số tiền cam kết mang về phải 20 tỉ đồng trở lên mới “có cửa” lên sóng.

Và quảng cáo đó từ đâu mà có? Cũng từ NSX. Tức NSX vừa phải lo nội dung, vừa phải tự chạy kiếm quảng cáo nhằm đảm bảo doanh thu mới “liên kết” được với đài”.

Các NSX cũng cho biết thêm với một số chương trình được “vào giờ vàng”, số tiền cam kết quảng cáo thu vào phải cao hơn tiền đầu tư sản xuất hoặc tiền do nhà đài định giá.

Bà Bích Thủy - giám đốc Hãng phim Sena - cho biết: “Bây giờ NSX phim truyền hình khổ lắm. Vừa phải làm sao cho phim hay, vừa phải lo chạy tìm quảng cáo. Nếu không đủ theo cam kết với nhà đài thì sẽ bị phạt, số tiền chúng tôi nhận được sẽ không đủ như trong hợp đồng”.

Không chỉ vậy, một số NSX than phiền hiện việc thanh toán tiền của các nhà đài cũng chậm trễ hơn.

Các năm trước, sau khi phim phát sóng 20 ngày một số nhà đài sẽ thanh toán hợp đồng, nay số ngày chờ đợi lên đến 75 ngày. Ðiều này khiến họ đau đầu vì: “Tiền làm phim chúng tôi phải vay mượn. Chi trả chậm ngày nào là lãi mẹ đẻ lãi con ngày ấy”.

Khi... “nước chảy chỗ trũng”

Không thu đủ quảng cáo thì NSX phải bù lỗ theo đúng cam kết, chương trình có thể bị đưa vào “lãnh cung” ở những kênh, giờ phát sóng ít người xem cùng nhiều hình thức “xử lý” khác. Nhưng khi phim hấp dẫn, quảng cáo tăng thì NSX chẳng được hưởng những “giá trị cộng thêm”.

Các NSX đều cho biết dù liên kết theo hình thức nào, nguyên tắc là bản quyền phải thuộc nhà đài (hiếm lắm mới có chương trình hay phim không thuộc bản quyền của đài).

Một NSX thân thuộc của HTV thông tin: “Ở nhiều nước, NSX là đơn vị giữ bản quyền chương trình và đài truyền hình chỉ giữ bản quyền phát sóng. Còn ở mình thì NSX bỏ “tiền tươi” mua bản quyền, đầu tư sản xuất nhưng không được giữ bản quyền chương trình.

Nếu chương trình tốt, được nhiều người thích, các đài khác muốn mua lại phát sóng “nước hai” cũng khó vì thường đài không bán lại. NSX muốn chương trình của mình được phát thêm ở đài khác cũng phải mua lại từ “đài chủ” mà có khi cũng không được đồng ý.

Nhiều khi các NSX thấy chương trình của các đài tỉnh quá nghèo nàn, muốn tặng không chương trình đã phát của mình cho các đài tỉnh cũng không thể. Như vậy khá lãng phí “tài nguyên”, không tái tạo được nguồn vốn để đầu tư tiếp, không chỉ thiệt cho nhà đài hay NSX mà còn thiệt cho khán giả”.

Trong sản xuất phim truyền hình hiện nay, ít nhất một năm sau phát sóng NSX mới có thể “mua lại” phim của mình với giá không hề rẻ do nhà đài đưa ra. Có đài bán phim “nước hai” đến 40 triệu đồng/tập. Và trong thời đại kỹ thuật số, các phim, chương trình truyền hình sau khi lên sóng truyền hình còn được “lên mạng” qua các kênh như YouTube.

Và nhà đài cũng là đơn vị duy nhất được chia sẻ lợi nhuận từ các kênh này. Nước cứ thế chảy vào chỗ trũng. 

Nỗ lực giữ gìn... “bản sắc”

Ðể thu hút khán giả, quảng cáo, xu hướng chương trình liên kết hiện nay là chạy theo giải trí, hài hước. Tuy nhiên, vẫn có những chương trình liên kết mang bản sắc riêng của từng đài như chương trình Vầng trăng cổ nhạc vàChuông vàng vọng cổ của HTV.

Ði được một chặng đường dài 14 năm, đã có những lúc Vầng trăng cổ nhạc - chương trình hoàn toàn do người nhà đài HTV tổ chức thực hiện - gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh phí sản xuất và gặp sự cạnh tranh gay gắt với các chương trình truyền hình thực tế “khủng” khác, nhưng HTV vẫn quyết tâm giữ bởi “đó là bản sắc của kênh truyền hình Nam bộ”.

Ðại diện Công ty truyền thông Khang - đơn vị phối hợp với HTV tổ chức chương trình, chỉ lo về vấn đề tài trợ, cho biết: “Chương trình đã tạo dấu ấn trong lòng khán giả nhiều năm nên việc tìm kiếm nhà tài trợ cũng không thật sự khó khăn lắm”.

Những chương trình truyền hình cung cấp kiến thức và giàu tính nhân văn vẫn luôn được khán giả đón nhận, như Đường lên đỉnh Olympia (VTV3) từ năm 1999 đến nay vẫn là sân chơi hấp dẫn, Vượt lên chính mình (HTV7) - game show xóa nợ và cung cấp vốn cho người nghèo - đã bước qua tuổi thứ 11, Thần tài gõ cửa (THVL1) phát sóng năm năm qua giúp đỡ người nghèo khuyết tật có nghị lực. Trong ảnh: Chương trình Vượt lên chính mình - Ảnh: T.L.
Những chương trình truyền hình cung cấp kiến thức và giàu tính nhân văn vẫn luôn được khán giả đón nhận, như Đường lên đỉnh Olympia (VTV3) từ năm 1999 đến nay vẫn là sân chơi hấp dẫn, Vượt lên chính mình (HTV7) - game show xóa nợ và cung cấp vốn cho người nghèo - đã bước qua tuổi thứ 11, Thần tài gõ cửa (THVL1) phát sóng năm năm qua giúp đỡ người nghèo khuyết tật có nghị lực. Trong ảnh: Chương trình Vượt lên chính mình - Ảnh: T.L.

Bà Phạm Thị Dung - giám đốc Công ty Kiết Tường, đơn vị hợp tác với HTV trong Chuông vàng vọng cổ từ năm 2006 tới nay - bày tỏ chút băn khoăn: “Rating chương trình khá tốt. Tuy nhiên việc tìm kiếm tài trợ, quảng cáo cũng hơi khó khăn. Nhưng đây là chương trình mang dấu ấn của HTV nên chúng tôi vẫn cố gắng”.

Không chỉ những chương trình mang dấu ấn nhà đài, một số sô truyền hình đòi hỏi kinh phí cao, đội ngũ sản xuất có kinh nghiệm cũng đang có sự dịch chuyển từ các nhà sản xuất tư nhân sang đài truyền hình.

Sau Bài hát Việt, chương trình tìm kiếm các giọng ca nhí Ðồ Rê Mí năm nay do chính nhân sự của VTV sản xuất. Mới đây nhất, game show “đỉnh” của Nhật mang tên Sasuke do chính VTV mua bản quyền và tự sản xuất, các đơn vị khác chỉ hợp tác trong việc tìm kiếm tài trợ và quảng cáo.

Với chuyển biến này, đội ngũ nhân viên của nhà đài thật sự có thêm cơ hội được làm nghề, cọ sát thực tế và việc kiểm soát, quản lý chương trình sẽ chặt chẽ hơn trước.

Ở lĩnh vực phim truyền hình, hiện nay cũng có tín hiệu vui khi VTV đang áp dụng cơ chế mua đứt bán đoạn các bộ phim do tư nhân sản xuất.

Ông Quang Tuyến - giám đốc Hãng phim Leo, đơn vị hợp tác sản xuất phim truyện với VTV - hồ hởi: “Tôi thích hợp tác theo phương thức này bởi chúng tôi chỉ việc sản xuất ra những bộ phim có giá trị nghệ thuật, còn việc chạy quảng cáo đã có VTV lo, chứ “vừa làm bác sĩ vừa phải kiếm bệnh nhân” sao nổi”.

Hơn 10 năm - một chặng đường không quá dài nhưng cũng đủ để cùng nhìn lại và đánh giá các chương trình liên kết.

Bà Bích Thủy cho rằng: “Hiện chúng ta có quá nhiều kênh, quá nhiều chương trình na ná nhau. Mặt khác, với cách hợp tác của nhà đài hiện nay thì các NSX mới chỉ chăm chăm vào những chương trình giải trí (vì dễ kiếm quảng cáo hơn), màn ảnh nhỏ đang và sẽ vắng bóng những bộ phim, những chương trình có tính giáo dục tốt”.

Nhìn rõ những ưu điểm mà chương trình liên kết mang lại, nhưng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bày tỏ một cách nhìn: “Hiện thời, tất cả NSX đều chịu áp lực cực lớn về rating cũng như doanh thu quảng cáo khiến họ đôi khi mãi chạy theo thị hiếu của khán giả (để có rating cao trong hiện tại) mà thiếu đi những đầu tư chiều sâu, mãi chiều theo yêu cầu của nhà tài trợ, khách hàng quảng cáo mà mất đi định hướng”.

Ðó cũng là một thực tế, một nỗi lo cần được nhìn nhận và mổ xẻ.

Nếu tận tâm và chu đáo...

Chương trình kém chất lượng, lắm sai sót hẳn nhiên lỗi đầu tiên từ NSX, nhưng khâu gác cửa quan trọng và cuối cùng là từ phía nhà đài. Một NSX giấu tên bày tỏ quan ngại về trình độ các biên tập viên của đài: “Ngoài những sai sót, sơ sẩy thì khả năng gọt giũa để chương trình hay hơn, đắt giá hơn của các biên tập viên hiện chưa cao”.

Cùng quan điểm đó, một vị lãnh đạo của đài truyền hình chia sẻ: “Nếu trong tổ chức sản xuất, những người thực hiện tận tâm và chu đáo thì ít bị sự cố hơn. “Những sự cố mà VTV bị vướng vừa qua nguyên nhân bởi khâu thẩm định hơi ẩu. Các đơn vị sản xuất đôi khi họ không nắm vững nhữngquy định, nguyên tắc của Nhà nước. Người làm truyền hình phải có tính dự báo và dựphòng. Với những thông tin nhạy cảm, người nhà đài phải nắm vàphát hiện...”.

Nhìn vấn đề ở khía cạnh khác, Ông Minh Tiến - giám đốc Công ty Lasta, đơn vị thực hiện khá nhiều chương trình liên kết - cho biết: “Việc quản lý các chương trình liên kết hiện nay khá cảm tính. Mỗi người có quan điểm khác nhau nên nhìn sự kiện theo góc độ khác nhau. Cùng một sự kiện, có người thấy phản cảm, có người thấy bình thường. Theo tôi, mọi thứ nên cụ thể hóa trong luật. Đơn vị sai đến đâu phạt đến đó, rõ ràng rành mạch”.

Theo Tuổi trẻ