Lầu Năm Góc bắt đầu nâng cấp bom xuyên phá hạng nặng (MOP) hay bom phá boongke GBU-57 trước những vòng đàm phán hạt nhân mới đây với Iran, theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ) ngày 4.4.
Lần thử nghiệm GBU-57 gần đây nhất diễn ra vào giữa tháng 1.2015, khi quân đội Mỹ sử dụng máy bay ném bom B-2 từ Căn cứ Không quân Whiteman (bang Missouri, Mỹ), các quan chức Mỹ cho The Wall Street Journal biết.
Được tích hợp khả năng dẫn đường nhờ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS), GBU-57 khi chạm đất sẽ xuyên thấu các tầng bê tông cốt thép nhờ tốc độ cao kết hợp lớp vỏ cực cứng. Phía đuôi bom còn gắn hệ thống quạt đẩy giúp tăng tốc độ để xuyên phá sâu hơn.
Sau khi đạt được độ sâu tối đa có thể, GBU-57 sẽ tự kích nổ và phá hủy mục tiêu. Phần vỏ của đầu nổ được làm từ hợp kim thép đặc biệt và thiết kế cho phép mang khối lượng chất nổ lớn trong khi vẫn duy trì được lực xuyên phá khi va chạm, theo tạp chí Time (Mỹ).
Hồi năm 2012, các quan chức Lầu Năm Góc đánh giá GBU-57 (nặng 13.607 kg) không đủ mạnh để phá hủy những cơ sở hạt nhân được xây dựng kiên cố của Iran. Chính vì thế, Lầu Năm Góc đã quyết định nâng cấp loại bom này.
Sau đợt nâng cấp và thử nghiệm mới đây, các quan chức Lầu Năm Góc cho hay GBU-57 phiên bản nâng cấp hiện đủ sức công phá, phá hủy các cơ sở hạt nhân kiên cố ở Iran và Triều Tiên.
GBU-57 cũng được nâng cấp khả năng dẫn đường, có thể chống lại những hệ thống gây nhiễu sóng của Iran. Đây được cho là loại vũ khí thách thức cơ sở hạt nhân Fordow của Iran, được xây dựng kiên cố trong núi nhằm tránh những cuộc không kích.
Các quan chức Lầu Năm Góc được cho là đã chia sẻ chi tiết về bom GBU-57 với những quan chức Israel, cung cấp những video cho thấy quả bom được ném trúng một mục tiêu “X” trong quá trình thử nghiệm tại một địa điểm bí mật.
Vào ngày 2.4, sau 18 tháng đàm phán, Iran đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Mỹ và Đức (nhóm P5 + 1) về chương trình hạt nhân của Tehran tại Thụy Sĩ, theo AFP.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là thỏa thuận lịch sử nhằm giúp ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân và giúp Tehran thoát khỏi những biện pháp trừng phạt quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân tranh cãi của nước này. Các bên dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận vào ngày 30.6 tới.
Theo thỏa thuận sơ bộ, Iran sẽ vận hành chỉ một cơ sở làm giàu uranium. Cơ sở hạt nhân Fordow chuyển thành trung tâm nghiên cứu vật lý và công nghệ hạt nhân, trong khi lò phản ứng hạt nhân tại Arak được tái thiết kế thành một lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục đích nghiên cứu và sẽ không sản xuất plutonium (được làm giàu để sản xuất vũ khí hạt nhân).
Theo: Thanh Niên