Samsung Electronics (Samsung) mới thăng chức cho 187 nhân sự cấp cao trong cuộc cải tổ cuối năm, bao gồm cả các lãnh đạo trẻ ở độ tuổi từ 30 – 40, trong nỗ lực thay đổi nhằm ứng phó với bối cảnh kinh doanh biến động vào năm 2023, theo Korea Herald.
"Chúng tôi đã thực hiện một cuộc cải tổ dựa trên hiệu suất và tiềm năng tăng trưởng nhằm củng cố sự sẵn sàng của tập đoàn trong tương lai. Nhiều nhà lãnh đạo trẻ và chuyên gia công nghệ đã được thăng chức", Samsung cho hay.
Trong đó, có thể kể tới Moon Sung-hoon (48 tuổi), người đã được thăng chức làm phó chủ tịch điều hành để lãnh đạo việc phát triển sản phẩm chiến lược của bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng.
Moon được ghi nhận là người đóng vai trò lãnh đạo trong việc phát triển phần cứng cho điện thoại thông minh của Samsung, bao gồm cả các dòng Galaxy S và điện thoại gập.
Cuộc cải tổ của Samsung diễn ra ngay sau khi tập đoàn này thăng chức cho 7 lãnh đạo cấp cao lên vị trí chủ tịch (president), trong đó có Lee Young-hee. Bà Lee được ghi nhận là nữ chủ tịch đầu tiên tại Samsung không phải là thành viên của gia tộc sáng lập tập đoàn này.
Động thái này mang đậm dấu ấn của Lee Jae-yong – nhà tài phiệt thế hệ thứ 3 của gia đình họ Lee đã sáng lập ra 'đế chế' Samsung.
Quá trình trẻ hóa không chỉ diễn ra đối với 'người ngoài gia tộc' ở các chaebol Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Korea CXO Institute, có 270 lãnh đạo điều hành tại 200 công ty lớn nhất Hàn Quốc là con cháu của các gia tộc sở hữu sinh từ năm 1970 trở về sau. Trong đó, có 21 người giữ chức danh chủ tịch hội đồng quản trị.
"Nhiều người trẻ là tài năng toàn cầu tốt nghiệp từ các trường ưu tú ở nước ngoài. Họ có nhiệm vụ kết hợp những công chuyện thành công của các tập đoàn toàn cầu vào văn hóa doanh nghiệp ở Hàn Quốc và nâng cấp 'đế chế' kinh doanh của cha ông họ", Oh Il-sun, giám đốc một công ty nghiên cứu cho biết.
'Làn sóng' trẻ hóa ở các chaebol Hàn Quốc |
Theo Peter S. Kim (chiến lược gia đầu tư ở Seoul), thủ lĩnh mới của các chaebol đang đối mặt với bối cảnh chính trị và kinh doanh khác xa so với thế hệ trước.
Trong khi cha ông họ tập trung vào việc mở rộng thị trường ra nước ngoài và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp với sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền, các thế hệ tiếp theo được kỳ vọng sẽ có những cải cách về mặt quản trị và kinh doanh.
Một trong những quyết định đầu tiên của Lee Jae-yong khi bắt đầu tiếp quản Samsung từ cha mình vào năm 2014 là tăng mạnh cổ tức hàng năm của công ty và duy trì trong nhiều năm.
Điều này giúp Samsung trở thành một trong những chaebol trả cổ tức cao nhất Hàn Quốc. Dưới thời Lee, Samsung cũng tăng cường mua lại cổ phần và cũng là công ty niêm yết lớn đầu tiên ở Hàn Quốc hủy bỏ cổ phiếu quỹ - vốn được các chaebol sử dụng như một 'vũ khí phòng thủ'.
Theo Koreatimes, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc cũng tìm cách phá vỡ văn hóa làm việc truyền thống bằng cách tổ chức các cuộc họp ngẫu nhiên, không báo trước với nhân viên, trong nỗ lực kết nối với những người lao động trẻ tuổi.
Họ cố gắng phá bỏ hình ảnh độc đoán và thiết lập nhiều cơ cấu tổ chức theo chiều ngang để tạo ra bầu không khí làm việc thân thiện hơn,chia sẻ thông tin qua mạng xã hội và đánh giá giá trị của các tập đoàn và sản phẩm thông qua các nền tảng này./.
Nguồn tham khảo: Nikkei Asia, Koreatimes, Korea Herald