Làn sóng sử dụng MC ảo khuấy động thị trường truyền hình châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hàng loạt các nước châu Á từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam...đã đưa người dẫn chương trình ảo (MC ảo) lên sóng truyền hình cũng như các website tương tác. 

Với tâm lý chuộng vẻ đẹp tươi trẻ cùng xu hướng sử dụng những công nghệ mới nhất, không có gì lạ khi châu Á là khu vực dẫn đầu thế giới trong việc sử dụng các MC ảo trên truyền hình.

Trung Quốc

china-virtual-mc-2712.jpg
MC ảo Ren Xiaorong do Trung Quốc phát triển

Đầu tiên phải kể đến Trung Quốc. Từ năm 2018, khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) còn chưa được nhiều người biết đến như bây giờ, Trung Quốc là nước tiên phong giới thiệu một MC ảo - được tạo ra từ phần mềm và tích hợp AI. Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã giới thiệu rằng MC ảo này làm việc 24 giờ trên các kênh truyền thông của hãng, giúp giảm chi phí phát triển tin tức.

Năm ngoái, Trung Quốc lại giới thiệu một MC ảo khác có tên là Ren Xiaorong. Cô MC ảo này được hoàn thiện hơn về hình ảnh cũng như mức độ tự nhiên của khuôn mặt. Đơn vị phát triển Ren Xiaorong cho biết MC ảo này được học kỹ năng từ hàng nghìn MC thực tế. MC ảo có thể trả lời mọi câu hỏi từ khán giả.

Chương trình Tết Giáp Thìn vừa qua của Đài Truyền hình Hàng Châu đã xuất hiện 2 MC ảo Tiểu Kỳ và Tiểu Vũ, với khả năng dẫn chương trình rất sinh động. 2 MC ảo này được mô phỏng từ 2 người dẫn chương trình thật là Vũ Thần và Kỳ Vũ. Trong khi 2 MC thật được về nhà đón Tết thì 2 MC ảo đã thay thế họ trên sóng truyền hình.

Hàn Quốc

Mới đây nhất, đài truyền hình tỉnh Jeju đã cho ra mắt MC có tên J-na. MC ảo này chủ yếu đọc các bản tin về chính sách và tin tức địa phương của đảo Jeju.

"Thay vì tốn một khoản tiền lớn để tuyển người thật làm công việc dẫn chương trình, chúng tôi đã tìm giải pháp thay thế và chọn J-na", một quan chức của đài truyền hình Jeju cho biết.

J-na là tên viết tắt của Jeju (tên hòn đảo) với News (tin tức) và AI.

jna-virtual-mc-1265.jpg
MC ảo J-na dẫn chương trình Weekly Jeju

Điểm đặc biệt của J-na là không chỉ bản thân nữ MC được tạo ra bởi AI mà ngay cả các bản tin cô đọc cũng tương tự. Để tạo ra một bản tin hoàn chỉnh, đài Jeju sẽ nhập thông cáo báo chí bằng văn bản vào ChatGPT, yêu cầu điều chỉnh nó cho phù hợp với tin tức phát sóng truyền hình. Sau khi soát lỗi chính tả, ngữ pháp, họ sẽ nhập kịch bản vào phần mềm MC ảo và ra tín hiệu đọc.

Trong bản tin Weekly Jeju phát sóng hôm 8/3, J-na mặc một chiếc váy màu xanh và có cảm giác khá giống người thật khi lên hình. Người xem truyền hình đã tỏ ra ngạc nhiên và thích thú trước cô nàng MC ảo này. Có người còn đùa rằng nghề MC truyền hình sẽ sớm biến mất và các ca sĩ thần tượng K-pop cũng không còn “đất dụng võ” nếu AI phát triển.

Được biết J-na do một công ty tư nhân phát triển với khoản phí sử dụng 600.000 won (11 triệu đồng) mỗi tháng.

Trước J-na, tháng 11/2020, Đài MBN cũng đã ra mắt một MC ảo có tên Kim Joo ha. MC ảo này được MBN cho lên hình hàng ngày.

Đến năm 2023, một đài truyền hình lớn của Hàn Quốc là SBS đã đưa vào sử dụng nữ MC ảo có tên Zae-in trong chương trình thời sự "Morning Wide part 3". Zae-in cũng là thành viên của nhóm nhạc nữ ảo Eternity.

zae-in-virtual-mc-158.jpg
MC ảo Zae-in

Tháng 9/2023, kênh tin tức YTN cũng giới thiệu 2 MC ảo là Y-Go và Y-On. Đây là sản phẩm đánh dấu 30 năm thành lập công ty ESTsoft - đơn vị phát triển 2 MC ảo này.

Ấn Độ

Tháng 4 năm ngoái, India Today - một trong những hãng truyền thông lớn nhất Ấn Độ - đã cho ra mắt MC ảo Sana. Cô là người dẫn cho kênh tin tức tiếng Hindi là Aaj Tak.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Pháp, MC ảo Sana đã bất ngờ đọc một bản tin hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Đây là cách mà Ấn Độ chào mừng kỷ niệm 25 năm quan hệ đối tác chiến lược với Pháp.

Sau Sana, đài truyền hình địa phương Odisha TV cũng cho ra mắt MC ảo Lisa, dẫn chương trình tin tức bằng ngôn ngữ địa phương.

virtual-mc-india-5773.jpeg
MC ảo Lisa dẫn chương trình trên Odisha TV

Bà Jagi Mangat Panda, Giám đốc kênh tin tức Odisha TV chia sẻ rằng khoảnh khắc đưa Lisa lên sóng là "cột mốc quan trọng trong lĩnh vực truyền hình và báo chí số". Lisa giúp "những người làm truyền hình là người thật có thể tập trung vào công việc sáng tạo nhằm mang đến những tin tức chất lượng hơn".

Kênh Power TV ở Ấn Độ cũng có một MC ảo tên là Soundarya dẫn các chương trình tiếng địa phương Kannada.

Việt Nam

ha-anh-virual-mc-vietnam-1053.jpg
MC ảo Hà Anh trên sóng truyền hình VTC1

Một số công ty phần mềm của Việt Nam cũng đã phát triển những mẫu người ảo dùng để dẫn chương trình tại các website, kênh mạng xã hội, chẳng hạn như người ảo Hạ Vy do công ty ADT phát triển.

Hạ Vy được tích hợp với một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tương tự ChatGPT. Ưu điểm của người ảo Hạ Vy là tốc độ xử lý lời nói thành văn bản chỉ 0,1 giây cho 50 từ, và tốc độ chuyển văn bản thành lời nói chỉ dưới 2 giây cho 50 từ. Người ảo AI này có khả năng nhận biết ngữ cảnh (context recognition) và đạt tốc độ phản hồi 0,1 giây phản hồi 50 từ theo ngữ cảnh.

Tuy nhiên, MC ảo đầu tiên được lên truyền hình lại là Hà Anh trong chương trình "Nền tảng số" phát sóng trên kênh VTC 1 hồi tháng 5 năm ngoái. Hà Anh là một trong số rất nhiều MC ảo do công ty AIClip phát triển. Một MC ảo khác của công ty này cũng đã từng xuất hiện trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Phước.

Nhìn chung, việc ứng dụng MC ảo trên sóng truyền hình Việt Nam chưa nhiều, ngoại trừ một vài chương trình phổ biến kiến thức công nghệ.

Indonesia

sasya-indonesia-1875.jpg
MC ảo Sasya

Tháng 4/2023, đài tvOne của Indonesia đã trình làng cùng lúc 3 MC ảo là Nadira, Sasya và Bhoomi. Sở dĩ tvOne trình làng tới 3 người ảo khác nhau là để phù hợp với thẩm mỹ nhân chủng học của các vùng miền trên đất nước. Trong khi MC ảo Sasya có nét pha trộn giữa người Indonesia và người Đông Á, thì Bhoomi lại giống cư dân miền đông Indonesia với mái tóc xoăn.

Tuy nhiên, hình ảnh của các MC ảo này được đánh giá là không ấn tượng, cử động khóe miệng chưa tương đồng với giọng nói, trông lạ lẫm và không tự nhiên.

Malaysia

virtual-mc-malaysia-8159.jpg
2 MC ảo trên kênh Astro Awani của Malaysia

Astro Awani, hãng thông tấn hàng đầu của Malaysia vào tháng 5 năm ngoái đã cho ra mắt nam MC ảo có tên Joon, với nhiệm vụ dẫn dắt chương trình thời sự tiếng Mã Lai trên kênh 501. Ngoài ra, họ cũng giới thiệu một nữ MC ảo có bề ngoài như người Bắc Âu có tên là Monica. Cô nàng MC này tham gia thảo luận các vấn đề trong "Chương trình nghị sự Awani" phát sóng vào các buổi tối.

Theo ông Ashwad Ismail, Tổng biên tập của Astro Awani, MC ảo không nhằm để thay thế người thật mà trái lại, để làm phong phú thêm các chương trình, nâng cao chất lượng các chương trình do người thật tạo ra.