Lãi tốt như Tập đoàn Thái Bình Dương của ‘đại gia’ Phan Văn Quý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu của CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corporation) có chiều hướng giảm, song biên lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Phan Văn Quý (trái) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương (Nguồn: Pacific Corporation)
Ông Phan Văn Quý (trái) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Bình Dương (Nguồn: Pacific Corporation)

CTCP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corporation) được thành lập vào tháng 7/2001, trụ sở chính hiện đặt tại số 25 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội (toà nhà Hồng Hà Center).

Theo giới thiệu trên trang chủ, Pacific Corporation có gần 20 doanh nghiệp thành viên và đơn vị có vốn góp, với hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực công nghiệp, tổng thầu EPC và bất động sản.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2017 – 2019, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của Pacific Corporation (công ty mẹ) đều tăng trưởng âm, song tỷ suất sinh lời vẫn ở mức cao, luôn đạt 2 chữ số.

Cụ thể, năm 2017 và 2018, Pacific Corporation ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 1.391 tỉ đồng và 806,8 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 299 tỉ đồng và 265,5 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 21,5% và 32,9%.

Năm 2019, doanh thu thuần của Pacific Corporation giảm xuống còn 469,5 tỉ đồng, tuy nhiên lãi thuần vẫn ở mức 212 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 45%.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Pacific Corporation đạt 2.429 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.056 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 4% và 22% so với thời điểm cuối năm 2018.

Cập nhật đến tháng 11/2020, Pacific Corporation giảm vốn điều lệ từ 1.836,9 tỉ đồng xuống còn 1.288 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được tiết lộ. Chủ tịch HĐQT là ông Phan Văn Quý (SN 1954).

Pacific Corporation có gì?

Đầu tiên phải kể đến dự án Cảng Quốc tế Vĩnh Tân do CTCP Cảng Quốc tế Vĩnh Tân – một thành viên của Pacific Corporation – làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 140 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng, thuộc địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Cảng Quốc tế Vĩnh Tân được khánh thành vào tháng 4/2019 với công suất 8 triệu tấn/năm. Cảng được thiết kế gồm một bến 3.000 tấn, hai bến 50.000 tấn và một bến 70.000 tấn hình thành trong tương lai.

Theo báo cáo riêng lẻ, năm 2019, CTCP Cảng Quốc tế Vĩnh Tân ghi nhận doanh thu thuần đạt 12,7 tỉ đồng, báo lỗ thuần lên tới 18,3 tỉ đồng.

Pacific Corporation còn đầu tư nhiều dự án lớn khác như: Khu du lịch văn hoá nghỉ dưỡng Lạc Thuỷ tại tỉnh Hoà Bình (quy mô 120 ha), Bảo tàng Panorama Trận chiến Đà Nẵng, Nhà máy xử lý tro xỉ và sản xuất các sản phẩm cấu kiện bê tông tại Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận (quy mô 6,9 ha), Tổ hợp dịch vụ công cộng thương mại kết hợp nhà ở cao cấp Tây Hồ Tây thuộc dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội (quy mô 1,8 ha).

Trong một diễn biến mới, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội mới đây đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng dự án Tuyến cáp treo Hương Bình (tuyến cáp treo nối chùa Hương và chùa Tiên) do Công ty TNHH MTV Du lịch Thái Bình – thành viên của Pacific Corporation – làm chủ đầu tư.

Dự án cáp treo này được nghiên cứu từ năm 2014, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Theo kế hoạch trước đây, tuyến cáp treo Hương Bình dự kiến dài 2,85 km, có công suất từ 1.500 – 2.000 khách/giờ, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng.

Trong lĩnh vực năng lượng, Pacific Corporation là chủ đầu tư hàng loạt dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 1, Bình Thuận (2.000 MW), Cụm Nhà máy điện gió Getech Đắk Lắk (200 MW), Nhà máy điện gió Thuận Phong Đắk Lắk (100 MW), Nhà máy điện mặt trời Thái Phong, Bình Thuận (công suất 500 MW, quy mô 666 ha, tổng mức đầu tư 15.358 tỉ đồng), Nhà máy điện gió Thái Hoà, Bình Thuận (công suất 90 MW, quy mô 30 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng).

Ngoài ra, Pacific Corporation còn tham gia phát triển một số dự án năng lượng khác như: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW), Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (1.320 MW), cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (1.200 MW).

Theo truyền thông trong nước, OneEnergy Ventures Limited mới đây đã có văn bản xin mua thêm cổ phần từ các cổ đông trong nước tại CTCP Năng lượng Vĩnh Tân 3 (VTEC) – chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Nếu việc chuyển nhượng được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của OneEnergy Ventures Limited tại VTEC sẽ được nâng lên thành 71% vốn điều lệ.

Được biết, VTEC được thành lập vào tháng 4/2009 bởi 3 cổ đông là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (29%), OneEnergy Ventures Limited (49%) và Pacific Corporation (22%).

Cập nhật đến cuối năm 2019, VTEC có vốn điều lệ 343,89 tỉ đồng./.