Cú sốc từ bài viết ẩn danh
Ngày 16/1/2006, một bài viết của tác giả ẩn danh tiết lộ câu chuyện nội bộ về quá trình nghiên cứu và phát triển "dòng chip Hanxin" xuất hiện trên diễn đàn Đại học Thanh Hoa và được lan truyền rộng rãi khiến dư luận bị sốc.
Mặc dù ban đầu có nhiều ý kiến trái chiều và nhiều người không muốn tin rằng một người ưu tú xuất chúng như vậy lại là kẻ lừa đảo bịp bợm, nhưng bài viết với những bằng chứng không thể chối cãi cuối cùng đã kéo Trần Tiến xuống khỏi bệ thần. Những người từng coi ông ta là thần tượng chỉ có thể thở dài và tức giận.
Có lẽ khi mới trở về Trung Quốc, Trần Tiến đã có tham vọng kinh doanh. Nhưng ông ta cũng biết rằng việc nghiên cứu phát triển chip trong nước cần phải đầu tư mười mấy đến hai chục năm. Với tâm thế ăn xổi, ông ta đã dấn thân vào con đường không thể quay đầu bằng cách gian lận chip.
Trần Tiến từng làm việc tại trụ sở chính của hãng Motorola ở Mỹ, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông ta lấy trộm chip của Motorola. Sau khi nhờ em trai làm việc tại Motorola bí mật mua lại 10 con chip do Motorola sản xuất và nhờ người quen vận chuyển lậu về Trung Quốc, ông ta đã xóa logo Motorola rồi giao cho một công ty trang trí in logo "Hanxin-1" lên con chip có diện tích 1cm vuông.
Tốc độ nghiên cứu khoa học phát triển chip của Trần Tiến đạt kết quả nhanh đến mức ngay cả các kỹ sư của Intel cũng phải kinh ngạc. Theo đà này, ông ta rất có thể được thăng chức làm Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Thượng Hải và Viện sĩ Công trình Trung Quốc.
Trong buổi họp báo ra mắt chip, Trần Tiến cư xử rất điềm tĩnh. Mặc dù việc sản xuất hàng loạt con chip "Hanxin-1" liên tục bị trì hoãn nhưng vào ngày 26/2/2003, một cơ quan truyền thông vẫn đưa tin về "Hanxin ra đời", viết rằng dòng sản phẩm này đã bước vào thị trường quốc tế và nhận được hàng triệu đơn đặt hàng.
Mặc dù hành vi lừa đảo đã quá rõ ràng nhưng Trần Tiến vẫn tổ chức tiếp thị toàn diện và tổ chức làm giả nhiều tờ khai dự án khác nhau để lừa tiền của quỹ phát triển công nghệ chính phủ. Kết quả điều tra sau này cho thấy báo cáo tài chính và các thỏa thuận hợp tác của Trần Tiến đều là giả mạo.
Quá khứ được thêu dệt
Sau khi vụ lừa đảo bị phanh phui, nhiều hành vi gian lận hồ sơ lý lịch của Trần Tiến cũng được làm rõ. Công việc nghiên cứu của ông ta tại trường đại học ở Mỹ là thử nghiệm mạch tích hợp (IC) chứ không phải công việc thiết kế. Khi làm việc tại Motorola, ông ta thực tế là một kỹ sư thử nghiệm, không phải là một nhà thiết kế. Nhưng trong bản lý lịch nộp cho Đại học Giao thông Thượng Hải, Trần Tiến khẳng định mình là kỹ sư cao cấp ở bộ phận thiết kế chất bán dẫn, đã tham gia thiết kế chip 5 năm.
Ngoài ra, lý do thực sự khiến Trần Tiến quay trở lại Trung Quốc là do ông ta bị Motorola sa thải vì lừa đảo ở Mỹ. Để che đậy quá khứ đáng hổ thẹn này, ông ta đã phải chi rất nhiều tiền để xóa dấu vết hồ sơ và trở về Trung Quốc với một bản lý lịch đẹp và sạch được chuẩn bị cẩn thận.
Sau khi vụ lừa đảo bị vạch trần, một đội điều tra chuyên án được giao nhiệm vụ tiến hành và công bố kết quả xác nhận chip Hanxin-1 hoàn toàn là giả mạo. Trần Tiến đã bị tước bỏ mọi danh hiệu và chức vụ. Tuy nhiên, khoản tiền 1,1 tỉ NDT quỹ chính phủ mà ông ta lừa chiếm lấy vẫn không rõ đi đâu và chưa thu hồi được.
Sự kiện gian lận chip “Hanxin” đã khiến Trung Quốc bị quốc tế chế giễu, nỗ lực của nhiều người đều trở nên vô ích. Ngành công nghiệp chip rơi vào tình trạng hỗn loạn, khiến ngành chip của Trung Quốc bị tụt hậu suốt 13 năm.
Mãi đến khi các công ty như Huawei và ZTE xuất hiện, mọi thứ mới thay đổi, nhưng ngày nay lĩnh vực này vẫn bị phương Tây “bóp cổ chai”.
Kẻ lừa đảo trốn sang Mỹ, tiếp tục sống công khai
Trần Tiến được ví như con thỏ xảo quyệt có nhiều hang, ông ta đã cẩn thận chuẩn bị lối thoát và hang ổ cho mình. Sau khi vụ lừa đảo bị bại lộ, Trần Tiến đã mang theo toàn bộ tài sản trốn sang Mỹ, nơi ông ta vẫn tiếp tục nghiên cứu về chip và thậm chí còn trở thành cổ đông của vài công ty niêm yết.
Khi vụ gian lận chip của Trần Tiến lần đầu tiên bị vạch trần, các cuộc khảo sát cho thấy 70% đến 80% cư dân mạng tin vào bài tố cáo này. Một bài báo được trích dẫn rộng rãi của tờ Southern Metropolis Daily (Đô thị Nam Phương) đề cập rằng sau khi bài viết tố cáo "Hanxin-1" gian lận xuất hiện trên diễn đàn Đại học Thanh Hoa và được đăng lại rộng rãi, cư dân mạng Trung Quốc đã hoàn toàn tin tưởng người tố cáo.
Trước tình trạng lừa đảo tràn lan, người dân Trung Quốc thậm chí không còn quan tâm đến việc giữ thể diện nữa. Sự căm ghét nạn tham nhũng trong học thuật và gian lận khoa học công nghệ đã khiến người dân chấp nhận bài học đau đớn.
Bài đăng của một người ẩn danh trên diễn đàn Đại học Thanh Hoa chỉ ra rằng trò lừa bịp của Trần Tiến đã được "bật đèn xanh" bằng mọi cách và nhiều người đứng sau đã tiếp thêm lửa – “Đây không phải là một người làm giả, mà là một hệ thống làm giả”.
Tại sao những người được gọi là chuyên gia lại không thể phát hiện ra gian lận khi giám định, đánh giá con chip? Điều kinh ngạc là, con chip được Trần Tiến sử dụng để trình diễn tại buổi họp báo là loại 144 chân, trong khi cái mà ông ta gọi là "Hanxin-1" đã phát triển được có 208 chân. Kích thước của hai con chip hoàn toàn khác nhau; thế nhưng nó vẫn vượt qua được sự giám định của các chuyên gia tại cuộc họp báo.
Tâm lý nôn nóng của xã hội cũng khuyến khích hành vi lừa đảo của Trần Tiến, và sự mặc nhận của nhiều bên đã khiến tâm lý của Trần Tiến được thổi phồng. Từ việc trưng bày mẫu cho đến ra mắt sản phẩm thương mại, Trần Tiến đã được giới truyền thông ra sức bơm thổi và không thể quay đầu.
Các chuyên gia vốn có thể vạch trần hành vi lừa đảo của ông ta bằng cách kiểm tra tính chân thật của các đơn đặt hàng chip hoặc thỏa thuận hợp tác, nhưng sự mặc nhận của mọi người đã cho phép Trần Tiến khoác lên mình "bộ quần áo mới của hoàng đế", không ai có ý định vạch trần, cuối cùng dẫn đến lừa dối lẫn nhau.
Vụ lừa đảo chip liên quan đến nhiều lĩnh vực và rất nhiều người. Nhà nước đã buộc phải kiềm chế khi mở cuộc điều tra, dẫn đến việc không thể thu hồi được 1,1 tỉ NDT và Trần Tiến cũng không bị xử lý hình sự. Những kẻ liên quan đã trốn sang Mỹ.
Vụ lừa đảo này giúp cảnh báo, nếu cái gọi là “mang lại vinh quang cho đất nước” được thực hiện với tiền đề muốn thành công nhanh và khuếch trương một cách giả tạo thì cuối cùng sẽ chỉ gây hại và thân bại danh liệt.
Vì sao vụ lừa Hanxin-1 lại thành công được? Đó là vì, trong môi trường mạng internet còn kém phát triển lúc bấy giờ, những sản phẩm sáng tạo như Hanxin-1 được tuyên bố có bản quyền sở hữu trí tuệ không những đáp ứng mong muốn bức thiết của người dân về những đột phá khoa học công nghệ mà còn phục vụ cho chủ nghĩa vị lợi của một số cơ quan muốn nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Trần Tiến đã tận dụng sự kỳ vọng này và thành công trở thành một “anh hùng” do thời thế tạo nên.
Kỳ 1: Ngành chip Trung Quốc tụt hậu do Tiến sĩ hải ngoại về "báo hiếu"
Theo NetEasy, Creaders