Môi trường thuận lợi cho triển khai 5G
Hàn Quốc nổi tiếng là quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) toàn cầu với hàng thập kỷ chính phủ đầu tư vào công nghệ hiện đại. Sớm nhận ra rằng 5G sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vào tháng 5/2013, chính phủ nước này đã phát động Diễn đàn 5G để bắt đầu các cuộc thảo luận về chiến lược và mức độ sẵn sàng của 5G quốc gia, thu hút các thành viên từ các tổ chức công và khu vực tư nhân.
Với việc thành lập Ủy ban của Chủ tịch nước về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (tháng 11/2017), chính phủ Hàn Quốc tuyên bố 5G là một trong ba chìa khóa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là Dữ liệu, Mạng và AI (DNA).
Kể từ đó, chính phủ liên tục tăng cường cho DNA, công bố nhiều chính sách khác nhau bao gồm Kế hoạch I-Korea 4.0 (2017); Chiến lược triển khai mạng thông minh siêu kết nối (2017); Chiến lược R&D AI (2018); Chiến lược kích hoạt ngành dữ liệu (2018); Chiến lược bán dẫn hệ thống (2019); Chiến lược 5G+ (2019); Chiến lược Phục hưng Sản xuất (2019); và Thỏa thuận mới của Hàn Quốc (2020).
Chính phủ đã lựa chọn 10 ngành công nghiệp chiến lược và 5 dịch vụ cốt lõi để ưu tiên đầu tư và hỗ trợ. Khi lựa chọn, chính phủ đã xem xét nhiều yếu tố khác nhau như khả năng sử dụng dịch vụ, mức độ phù hợp, khả năng tiếp thị toàn cầu, khả năng cạnh tranh trong nước và nhu cầu hỗ trợ chính sách. Việc lựa chọn được thông qua thông qua các cuộc phỏng vấn chuyên gia và phân tích thị trường của các tổ chức và công ty CNTT trong và ngoài nước. Chính phủ sẽ cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho từng ngành dựa trên mức độ trưởng thành và nhu cầu của thị trường.
Cả chính phủ và ngành công nghiệp đều có vai trò riêng biệt và quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái 5G. Do đó, chính phủ đã xác định vai trò của mình trong từng giai đoạn của hệ sinh thái 5G để mở đường cho sự đổi mới do khu vực tư nhân dẫn dắt. Mục tiêu là tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện với đổi mới để phát triển hệ sinh thái.
Để xây dựng môi trường người dùng an toàn nhất trong một xã hội siêu kết nối, chính phủ nước này đặc biệt chú trọng đến các biện pháp bảo mật 5G. Hội đồng An ninh mạng 5G, với hơn 50 thành viên từ khu vực công và tư nhân, được thành lập để cung cấp hướng dẫn mang tính thể chế về chính sách, công nghệ và tiêu chuẩn an ninh mạng.
Tinh thần hợp tác này đã thu hút các nhà cung cấp mạng 5G và các đối tác công nghệ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng 5G tại Hàn Quốc. Cả nhà cung cấp thiết bị và nhà khai thác mạng di động 5G đều nhận thấy lợi ích trong việc triển khai sớm mạng 5G.
Thực trạng 5G ở Hàn Quốc
Ngày nay, quốc gia này tự hào có tốc độ 5G nhanh nhất thế giới và tỷ lệ chấp nhận cao. Tính đến năm 2022, tốc độ tải xuống 5G trung bình của Hàn Quốc là 896 megabit/giây, nhanh gấp gần 6 lần tốc độ tải xuống 4G trung bình của cả nước và cao hơn gấp đôi tốc độ 5G của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ, theo Hiệp hội các nhà khai thác viễn thông Hàn Quốc.
Tuy nhiên, dù mang đến nhiều thành tựu, mạng 5G ở Hàn Quốc vẫn chưa đạt được những kỳ vọng đặt ra ban đầu.
Ba nhà mạng di động lớn của Hàn Quốc – SK Telecom, KT và LG Uplus – từng quảng bá rằng tốc độ mạng 5G nhanh hơn tới 20 lần so với mạng 4G khi họ bắt đầu triển khai dịch vụ mới, một trong những mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới, vào tháng 4/2019. Tuy nhiên, cho đến nay, tốc độ đó chỉ có thể đạt được trên mạng cục bộ có phạm vi phủ sóng hạn chế, trong khi với các mạng rộng hơn thì không.
Khi làn sóng 5G bắt đầu ở Hàn Quốc, nhiều người tiêu dùng ở nước này không khỏi thất vọng trước những cải tiến không đáng kể về tốc độ và kết nối không ổn định. Nhưng kể từ đó, chất lượng và tốc độ của mạng đã được cải thiện nhờ những công nghệ như “5G độc lập” (Standalone 5G) chạy trên cơ sở hạ tầng mạng của chính nó thay vì phụ thuộc một phần vào cơ sở hạ tầng mạng của 4G.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thuê bao của dịch vụ 5G chậm hơn so với 4G trước đây và nhiều dịch vụ có tầm nhìn xa được nhắc đến ở nước này vẫn chưa xuất hiện.
Những thách thức khi triển khai 5G
Trải nghiệm mạng 5G trên toàn quốc của Hàn Quốc đã được cải thiện kể từ khi mạng mới ra mắt, đồng thời cũng thúc đẩy việc sử dụng nhiều dữ liệu hơn.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích trong ngành và chính một số nhà mạng của Hàn Quốc, những rào cản kỹ thuật và khó khăn về chi phí đã hạn chế khả năng cung cấp trên quy mô rộng loại 5G có khả năng đạt tốc độ nhanh hơn.
Một trong số những khó khăn xuất phát từ tần số truyền sóng vô tuyến.
Các quốc gia trên thế giới đã kích hoạt mạng 5G của họ trên các dải tần số khác nhau, hầu hết đều chọn dải tần thấp hoặc trung bình. Các công ty viễn thông lớn của Hàn Quốc đã phát triển mạng 5G công cộng của họ trên băng tần 3,5 gigahertz, băng tần trung bình.
Đồng thời, 5G có thể được kích hoạt trên các dải tần số cao hỗ trợ “sóng milimet” (millimeter waves, mmWave), loại được cho là có thể mang lại tốc độ vượt trội hơn nữa. Nhưng một nhược điểm đáng kể là sóng milimet không truyền tốt ở khoảng cách xa và không xuyên qua các chướng ngại vật như cây cối, tòa nhà và kính. Do đó, các mạng có tốc độ cao nhất nếu muốn triển khai trên quy mô lớn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và tốn kém hơn.
Các công ty viễn thông Hàn Quốc đã chọn không sử dụng băng tần 28 gigahertz, băng tần cao hỗ trợ sóng milimet, khi triển khai mạng 5G trên toàn quốc. Trong môi trường mạng này, những chiếc điện thoại thông minh mới nhất hiện được bán trong nước cũng không được trang bị hệ thống ăng-ten hỗ trợ băng tần này.
Ba công ty viễn thông lớn nhất Hàn Quốc vào cuối năm ngoái đã bị mất giấy phép đối với băng tần 28 gigahertz sau khi họ không đáp ứng số lượng trạm gốc 5G sử dụng băng tần đó – số lượng trạm gốc cần được xây dựng để giữ giấy phép. Giờ đây, chính phủ đang tìm cách cấp giấy phép 28 gigahertz cho các đơn vị phi viễn thông muốn sử dụng băng tần cho các dịch vụ 5G ở những địa điểm mà họ cho là phù hợp.
Vào tháng 5 năm ngoái, Ủy ban Thương mại Công bằng (FTC) Hàn Quốc đã phạt chung ba nhà mạng của nước này khoảng 24,8 triệu USD vì bị cáo buộc sử dụng quảng cáo gây hiểu lầm nhằm phóng đại tốc độ mạng 5G của họ khi ra mắt. FTC Hàn Quốc cho biết trong quyết định của mình rằng tốc độ mà ba nhà mạng quảng cáo là không thể đạt được trong môi trường sử dụng hàng ngày.
Một báo cáo của Opensignal, công ty phân tích di động chuyên giám sát và phân tích ngành viễn thông toàn cầu, cho biết bước lùi của Hàn Quốc trong việc phát triển 5G sóng milimet khiến vị thế dẫn đầu 5G của nước này gặp rủi ro.
Về phần mình, LG Uplus cho biết các đặc tính của băng tần 28 gigahertz khiến việc triển khai ở quy mô lớn trở nên tốn kém và khó khăn về mặt công nghệ, đồng thời công ty sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ 5G của mình. SK Telecom cho biết họ sẽ tiếp tục cải thiện dịch vụ 5G của mình, mặc dù họ lưu ý rằng Hàn Quốc tự hào có dịch vụ 5G hàng đầu thế giới về tốc độ và phạm vi phủ sóng, đồng thời người tiêu dùng đang sử dụng nhiều dữ liệu hơn với chi phí thấp hơn. KT từ chối bình luận.
Điều này không có nghĩa là dải sóng milimet đã mất đi sức hấp dẫn về mặt thương mại. Các nhà phân tích trong ngành cho biết ngày nay, nó đang được sử dụng trên toàn thế giới – mặc dù chỉ trong một số ít trường hợp – để kích hoạt 5G cực nhanh ở một khu vực cố định, chẳng hạn như nhà thi đấu thể thao, sân bay hoặc nhà máy thông minh.
Các nhà khai thác viễn thông lớn ở Mỹ và Nhật Bản đang sử dụng các băng tần cao như một trong những cách để kích hoạt mạng 5G của họ ở nhiều địa điểm khác nhau, mặc dù phạm vi phủ sóng được cung cấp qua các băng tần này bị giới hạn ở những khu vực nhỏ.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, băng tần 28 gigahertz đang được sử dụng để hỗ trợ một số mạng 5G tư nhân phục vụ các nhu cầu cụ thể.
Ví dụ, một mạng hỗ trợ robot tự động tại một công ty công nghệ địa phương và một mạng khác hỗ trợ các công nghệ thực tế tăng cường trong phẫu thuật. Giấy phép đặc biệt đã được cấp trong cả hai trường hợp. Băng tần 28 gigahertz cũng đang được sử dụng bên trong các khu vực tàu điện ngầm của Seoul, một dự án do chính phủ chỉ đạo có sự tham gia của cả ba công ty viễn thông.
Ở Hàn Quốc, sự phân chia trong việc sử dụng 5G – dải tần cao ở những nơi cần tốc độ cực cao và kết nối có độ trễ thấp, trong khi dạng 5G chậm hơn một chút nhưng ổn định hơn để phục vụ công chúng – cho thấy chặng đường phát triển vẫn còn một đoạn khá dài.
Chưa có ứng dụng nổi bật
Khi mới bắt đầu, 5G được quảng cáo là công nghệ mở ra kỷ nguyên mới của thành phố thông minh (smart city), xe tự lái và ảnh ba chiều. Nhưng ngay cả ở Hàn Quốc, nơi tỷ lệ áp dụng 5G cao hơn những nơi khác, những dịch vụ mới này chưa được triển khai rộng rãi.
SK Telecom, công ty viễn thông lớn nhất trong ba công ty viễn thông Hàn Quốc, cho biết trong một Sách trắng về 6G: Nhu cầu thị trường thấp, số lượng thiết bị hỗ trợ 5G còn hạn chế cũng như các rào cản pháp lý đều khiến các dịch vụ liên quan khó trở thành xu hướng phổ biến.
Julian Gorman, người đứng đầu châu Á-Thái Bình Dương của GSMA, một hiệp hội thương mại dành cho các nhà cung cấp dịch vụ di động, cho biết điều này một phần là do vấn đề “con gà và quả trứng”. Các nhà phát triển thường ngần ngại đầu tư vào các sản phẩm mới cho một công nghệ đang phát triển như 5G, đặc biệt là loại sử dụng sóng milimet trên dải tần cao. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhận thấy không có nhiều lý do để đầu tư mạnh mẽ vào vùng phủ sóng 5G trên diện rộng, ông nói.
Gorman cho biết thêm rằng hệ sinh thái 5G vẫn đang cố gắng xác định loại dịch vụ và công nghệ mới nào được mong muốn trên thị trường.
Việc thiếu các ứng dụng 5G nổi bật cũng dẫn đến một xu hướng đáng ngại hơn: 5G khó bán hơn 4G.
Tại Hàn Quốc, số lượng thuê bao 5G đã vượt 30 triệu vào tháng /2023, khoảng 4 năm sau khi 5G ra mắt lần đầu. Nhưng với 4G, cột mốc tương tự đã đạt được chỉ sau khoảng 2 năm rưỡi, theo dữ liệu từ Bộ Khoa học và CNTT.
Đó cũng là một xu hướng được chứng kiến ở nhiều nước. Theo Omdia, tính đến năm 2022, khoảng 32% điện thoại thông minh đang lưu hành trên toàn thế giới có hỗ trợ 5G, nhưng chỉ 45% trong số đó được kích hoạt mạng 5G, giảm so với mức 55% một năm trước đó. Điều này phần nào cho thấy ngày càng có nhiều người nâng cấp lên điện thoại 5G mà không nhất thiết phải chọn gói 5G, ngoài ra, ở một số nơi, 5G vẫn chưa sẵn có.
“Mọi người đơn giản là chưa sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho 5G, bởi vì họ hoàn toàn hài lòng với 4G”, bởi 4G là đủ để thực hiện nhiều công việc, như livestream, theo ông Ronan De Renesse đến từ Omdia.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu