Thời tiết ngoài biển hiện tại sóng khá lớn, tàu phải chạy với tốc độ 6 hải lý/ giờ.
Việc liên lạc với thuyền trưởng Cu liên tục gián đoạn bởi sóng khá yếu liên tục bị cắt, tuy nhiên ông Cu vẫn trao đổi một số sự việc với Tuổi Trẻ về diễn biến vụ việc dẫn đến việc ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn.
Tấn công có súng
Theo đó, vào khoảng 18g ngày 26-11, khi neo tàu gần khu vực đá Suối Ngọc, sau khi ăn cơm chiều, 12 ngư dân xuống hai ca nô đi lặn. Chỉ có thuyền trưởng Cu và ngư dân Bảy ở trên tàu, lúc này bất ngờ phát hiện hai xuồng máy lạ mỗi xuồng chở 4 người tiến đến, biết có chuyện chẳng lành, thuyền trưởng Cu lập tức nổ máy tàu, cùng lúc ngư dân Bảy tiến về phía trước mũi tàu chặt dây neo.
Lúc này có nhiều tiếng súng vang lên một xuồng máy ép sát, có tên leo lên tàu trong đó có một người cầm súng.
“Vừa chặt đứt dây neo tôi lập tức cho tàu tăng hết tốc lực tháo chạy, và kêu anh Bảy chạy vào ca bin. Khi anh Bảy vừa chạy về be tàu để vào cabin thì tôi nghe hai tiếng cướp cò súng rất gần nên nhìn ra thì thấy anh Bảy đổ về phía tên cầm súng. Lúc này tôi không biết anh Bảy chết mà cứ nghĩ đang giằng co với tên này. Thấy vậy tôi chạy ra giật súng. Tôi và tên này giằng co nhau chừng 5 phút rớt cả băng đạn và cướp được súng tôi vứt xuống biển và xô tên này ngã luôn xuống biển” - thuyền trưởng Cu kể.
Trong lúc giằng co, chiếc tàu cá chạy hết tốc lực không có người lái nên cứ lòng vòng liên tục khiến cho chiếc xuống máy còn lại của bọn kia không áp sát được.
“Khi thấy tôi cướp được súng và xô ngã kẻ bắn chết anh Bảy hai tên còn lại đứng sau tàu vội nhảy xuống nước, tôi cũng nhanh chóng vào cầm lái chạy tàu đi thật xa tránh hai chiếc xuồng máy. Lúc này trời tối chẳng thấy rõ họ mặc đồ gì và nói tiếng ở đâu, cứ thế tôi chạy” - thuyền trưởng Cu kể.
Đến khoảng 18g20 thuyền trưởng Cu vừa cho tàu chạy vừa cảnh giác xem xung quanh hai chiếc xuống máy có bám theo không và nhìn khắp tàu xem có còn tên nào núp đâu đó đề phòng ra đánh úp.
“Khi thấy mọi thứ yên ắng và không còn nguy hiểm, tôi ra xem tình hình anh Bảy thế nào thì lúc này mới biết anh Bảy đã chết rồi. Tôi rất hoảng loạn chỉ nghĩ đến việc icom ngay về nhà, nhưng điện mãi không được. Đến gần 20g tối mới dùng icom liên lạc được với gia đình. Khi được người nhà trấn an, bản thân cũng bình tĩnh mới quay trở lại vị trí neo tàu rồi chạy vòng tìm hai ca nô. Lúc này tôi cũng sợ bọn chúng tấn công anh em trên hai chiếc ca nô” - thuyền trưởng Cu kể.
Con kiệt sức bên thi thể cha
Sau khi tìm được 12 ngư dân đang lặn biển đưa hết lên tàu, nhiều ngư dân đã khóc nghẹn khi thấy anh Bảy bị bắn chết. Trong đó có ngư dân Trương Đình Đệ là con trai của ngư dân Bảy nhìn thấy sự việc đã suýt ngất vì đau xót. Tiếp đó, các ngư dân chuyển hai ca nô lên tàu và cho tàu chạy về đất liền. “Vì hành trình trở về còn xa nên anh em đã bàn bạc bỏ thi thể anh Bảy vào khoang đá để ướp xác.
Đến sáng 27-11 tàu chạy đến đảo Đá Nam các ngư dân vào trình báo sự việc với hải quân Việt Nam, thuộc Lữ đoàn 146 Trường Sa đang đóng quân ở đây, đồng thời mang bốn viên đạn còn rơi lại trên tàu cho hải quân xem. Sau khi nghe các ngư dân trình báo lãnh đạo đảo Đá Nam đã viết hai bản tường trình sự việc. Trong đó, giữ lại một bản và đưa cho ngư dân mang về một bản.
“Trong biên bản xác nhận việc ông Bảy bị bắn chết, tôi lại khai tên anh Bảy là Trương Đình Tứ, vì tên thường gọi của anh ấy là Tứ. Lúc đó có hỏi Đệ nhưng Đệ bấn loạn nên cũng gật đầu. Tôi chẳng biết về đất liền tờ giấy có được cơ quan chức năng xác nhận không” - ông Cu nói.
Hiện các ngư dân tinh thần đã dần ổn định, Đệ đã ăn uống nhẹ trở lại sau mấy ngày gần như không nuốt nổi miếng cháo, chủ yếu uống sữa cầm hơi. Về việc người nước ngoài đi trên hai xuồng máy có hò hét hay mặc quần áo quân phục không thì ông Cu cho biết lúc đó rất hoảng loạn không kịp nhìn họ có mặc quân phục hay không vì sự việc diễn ra rất nhanh và thuyền trưởng Cu chỉ nghĩ đến việc chạy tránh xa những người có súng.
Theo Tuổi trẻ