Thời gian vừa qua, việc xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông như cảng, hàng không, đường sắt... đang thu hút sự quan tâm lớn của người dân, giới chuyên gia và các nhà đầu tư.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương từng cho rằng, việc quyền khai thác cảng hàng không, sân bay là việc rất cần thiết để bổ sung nguồn lực, chia sẻ rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động bởi sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn sở hữu nhà nước vì quyền lực và lợi ích là một.
Tuy nhiên, ông Thành cũng nhấn mạnh, việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ 3 nguyên tắc sống còn là minh bạch, giám sát và tạo áp lực cạnh tranh.
Đồng quan điểm, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng từng nhận định đây là hướng đi tối ưu nhất trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn.
Về vấn đề này, thông tin với báo chí chiều 25/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế là hết sức cần thiết.
Theo Bộ trưởng Nên, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về xã hội hóa đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, chất lượng dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Bộ trưởng Nên nhấn mạnh, trong quá trình triển khai, đã chú trọng bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, dân sinh.
"Đồng thời, phải kiểm soát độc quyền, công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước", Bộ trưởng Nên thông tin thêm.
Cũng theo Bộ trưởng Nên, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và huy động tối đa các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch.
Theo Bizlive