Vốn tăng sau khi xác định lại giá trị DN
Theo Công văn số 1754/TTg-ĐMDN năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn nhà nước, UBND TP Hồ Chí Minh có 79 DN thực hiện CPH, trong đó giai đoạn 2012-2015 CPH 31 DN và giai đoạn sau năm 2015 là 48 DN.
Theo một số DN đang thực hiện CPH, khâu vướng mắc lớn nhất khiến công tác CPH chậm lại chính là xác định lại giá trị DN, trong đó khó khăn nhất là báo cáo phương án sử dụng mặt bằng. Ông Lê Tùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, thủ tục đất đai rất nhiều và "ngoài tầm kiểm soát", đặc biệt là có liên quan đến các địa phương. Điều này khiến thời gian xử lý bàn giao luôn kéo dài và rất khó xác định, có khi gấp đôi, gấp ba lần so với dự kiến. Ông Tùng cho rằng, sắp tới CPH Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan) chắc chắn sẽ vướng, vì công ty có các nhà máy, văn phòng ở các tỉnh. Đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng cho rằng, thủ tục xác định giá trị đất đai cũng như xin ý kiến ban ngành còn kéo dài, mất nhiều thời gian.
Một số DN cũng cho rằng chi phí CPH theo quy định của Nhà nước chưa hợp lý, các công ty tư vấn đều đòi cao hơn quy định giá của Nhà nước. Theo ông Lê Tùng, chi phí cho phép theo tỷ lệ quy mô vốn nhưng lại quy định tối đa 500 triệu. Trong khi đó, với Vissan thì chi phí đo vẽ đã là 600 triệu đồng bởi đơn vị này có nhiều nhà máy ở nhiều tỉnh khác nhau. Các DN đề nghị bỏ chi phí tối đa vì đã theo quy mô vốn thì không cần khống chế. Đại diện Sawaco cũng đề nghị UBND thành phố giao quyền cao hơn cho ban chỉ đạo CPH, khi nào vướng mới xin ý kiến thành phố chứ không phải lúc nào cũng phải xin ý kiến.
Không để mất những thương hiệu lớn
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN (Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong CPH thì vấn đề xử lý tình hình tài chính gặp rất nhiều khó khăn và hầu như DN nào cũng vướng ở khâu này… Tuy nhiên, vì các DN đang giữ phần vốn nhà nước nên việc xử lý phải làm chặt chẽ, thận trọng, nếu không sẽ dẫn đến thất thoát vốn nhà nước. Trong quá trình CPH, DN vướng đến đâu thì báo cáo để gỡ đến đó. Về chi phí CPH, bà Trang cho biết, DN xây dựng dự toán chi phí CPH đưa vào phương án CPH và Chủ tịch tỉnh sẽ phê duyệt phương án CPH, trong đó có chi phí kể cả phần vượt, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính giám sát. Việc xác định giá trị lợi thế DN theo bà Trang không có vướng mắc gì vì đã được quy định cụ thể. Theo đó giá trị lợi thế của DN gồm hai nội dung: Một là giá trị tiềm năng phát triển của DN; hai là giá trị về thương hiệu. Tỷ suất lợi nhuận 3 năm gần nhất với thời điểm CPH là căn cứ để tính giá trị tiềm năng phát triển của DN chứ không phải giá trị thương hiệu của DN.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, 2015 là năm rất quan trọng để kết thúc giai đoạn CPH 2012 - 2015, chuẩn bị cho giai đoạn sau và có nhiều yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn là nhiều công ty lớn có mặt bằng nhiều nơi. Để hỗ trợ cho các DN CPH đúng tiến độ, ông Lê Mạnh Hà cho biết thành phố sẽ nghiên cứu và điều chỉnh quy trình thực hiện CPH, rút ngắn các thủ tục không cần thiết cũng như bổ sung những vấn đề còn thiếu trên quan điểm thuận lợi hơn cho DN. Về vướng mắc khi DN CPH có tài sản ở địa phương khác, ông Hà cho biết sẽ nghiên cứu và làm việc với các tỉnh về phương án phối hợp để tháo gỡ. UBND thành phố cũng sẽ nghiên cứu kiến nghị cho phép DN và Ban Quản lý tự chủ hơn, nhưng phải phù hợp với quy định.
Ông Lê Mạnh Hà cũng lưu ý các DN về xác định giá trị thương hiệu, đặc biệt là DN có giá trị thương hiệu lớn thống kê lại tất cả tài sản trí tuệ mà DN có để xác định cho đúng. "Chúng ta muốn CPH, đa sở hữu nhưng phải giữ cho được thương hiệu của chúng ta. Satra, Vissan và sắp tới nữa là Saigontourist là những thương hiệu không phải chỉ của TP Hồ Chí Minh mà còn là của Việt Nam nên không được để mất", ông Hà nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Trung Lâm, Phó ban Đổi mới quản lý DN TP Hồ Chí Minh: Tính đến cuối năm 2014 thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi, CPH 11/15 DN theo kế hoạch năm, trong đó có 10 DN đã tổ chức bán cổ phần lần đầu (IPO) cho cổ đông đại chúng, những DN còn lại chuyển sang năm 2015. Qua kết quả IPO của 10 DN trong năm 2014, giá trị vốn nhà nước tại các DN đều tăng lên sau khi đánh giá lại. Cụ thể, giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại thời điểm xác định giá trị DN theo sổ sách là hơn 966,5 tỷ đồng; giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại thời điểm xác định (lại) giá trị DN là 1.161 tỷ đồng. Như vậy, giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước sau khi xác định lại đã tăng hơn 195 tỷ đồng. Ngoài ra, các DN còn thu về khoản giá trị gia tăng thêm trên 173 tỷ đồng qua kết quả bán đấu giá, chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược, cổ đông đại chúng. |
Theo Hà Nội Mới