Không quân Việt Nam và cuộc chiến diệt Khmer Đỏ trên biên giới Thái Lan - Campuchia

VietTimes -- Mặc dù bị đánh tan tác trên toàn lãnh thổ Campuchia, nhưng tàn quân Khmer Đỏ không chịu thất bại. Được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, các tay súng áo đen tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đất nước Campuchia. Cuộc chiến đấu gìn giữ đất nước Campuchia kéo dài và vô cùng ác liệt.
Máy bay trực thăng tấn công Mi-24A, tham gia chiến trường Campuchia
Máy bay trực thăng tấn công Mi-24A, tham gia chiến trường Campuchia

Từ giữa tháng 01.1979, tàn quân Khmer Đỏ tập hợp lực lượng tại các khu vực giữa đường 3 và đường 4 thuộc vùng rừng núi Tây Nam Campuchia. Các tay súng diệt chủng áo đen thường xuyên tiến hành các cuộc phục kích trên hai trục đường chính nối cảng Kampong Songvới thủ đô Phnom Penh, tập kích vào các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam và đánh phá chính quyền địa phương.

Tháng 02.1979, Khmer Đỏ tập trung được binh lực lớn có cả xe tăng tổ chức tấn công vào hai thị xã Takeo và Kampot. Lực lượng máy bay A-37 từ sân bay Cần Thơ cất cánh yểm trợ lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia phản kích tiêu diệt địch.

Trong thời gian này, các máy bay A-37 liên tục xuất kích đánh địch. Ngoài các máy bay cường kích chiến trường A-37, các biên đội F-5 và máy bay vận tải C-130 cũng tích cực thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt địch.

Tháng 2.1979, Trung đoàn không quân 925 cử một lực lượng sang hỗ trợ quân đội Campuchia xây dựng lực lượng không quân. Chịu trách nhiệm hỗ trợ khai thác số máy bay MIG-19 (F-6C theo định danh NATO) của Trung Quốc thu được từ quân Khmer Đỏ và khôi phục lại hệ thống bảo đảm hậu cần kỹ thuật trên các sân bay thuộc 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc Campuchia, tham gia chiến đấu đường không và yểm trợ hỏa lực mặt đất.

Lực lượng không quân của Trung đoàn 925 gồm 8 chiếc MiG-19 đóng quân tại sân bay Pochentong, MiG-19 đã xuất kích 94 lần với 71 giờ bay, chi viện hỏa lực truy quét Khmer Đỏ tại Pailin (cách biên giới Thái Lan 9km), Lech (Tây Nam Battambang 35km).

Theo trang Avia Master, vụ xung đột nghiêm trọng đầu tiên giữa quân đội Thái Lan yểm trợ lực lượng Khmer Đỏ diễn ở vùng Aranyaprathet Thái Lan (Krong Poi Pet – Campuchia) theo đường 5. Không quân Thái Lan bị phòng không mặt đất bắn hạ một máy bay trực thăng và một máy bay trinh sát hạng nhẹ, có thể là Cessna L-19/O-1 Bird Dog.

Cuối mùa khô 1980-1981, được sự hỗ trợ từ phía Thái Lan, lực lượng Khmer Đỏ, có trại trú quân trên tuyến biên giới Thái Lan – Campuchia liên tục tiến hành các hoạt động phục kích, phá hoại và tấn công vào các đoàn hành quân của quân đội Campuchia, Việt Nam.

Các cuộc hành quân thông thường phải có xe tăng đi cùng và máy bay yểm trợ đường không, không quân Việt Nam tích cực sử dụng máy bay trực thăng UH-1 và Mi- 8 làm nhiệm vụ yểm trợ bộ binh truy quét Khmer Đỏ

Mùa xuân năm 1982, tàn quân Khơ-me đỏ âm mưu mở các đợt hoạt động phá hoại, quấy rối gây mất ổn định chính trị, xã hội và làm suy yếu chính quyền cách mạng Campuchia. Do tình hình các loại máy bay hệ 2 (máy bay chiến lợi phẩm) thiếu phụ tùng, trang thiết bị thay thế, không quân Việt Nam chuyển sang sử dụng các máy bay vận tải của Liên Xô thực hiện các nhiệm vụ không kích yểm trợ lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia dọc tuyến biên giới Campuchia – Thái Lan.

Phía Thái Lan thường xuyên sử dụng các máy bay tiêm kích hạng nhẹ F-5 và cường kích A-37 bay dọc biên giới hỗ trợ lực lượng Khmer Đỏ.  

Khoảng tháng 4.1983, Quân đội Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch tấn công vào khu doanh trại của lực lượng Khmer Đỏ trong vùng Aranyaprathet. Ngày 04.04.1983, Hai máy bay F-5E mang cờ Thái Lan tiến hành không kích vào lực lượng liên quân Việt Nam – Campuchia, các hoạt động liên tiếp diễn ra cho đến ngày 08.04.1983, một quả tên lửa A-72 (Strela-2) bắn hạ một chiếc A-37.

Những trận chiến đường không trên biên giới Thái Lan – Campuchia hầu như không được cả hai bên công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một phần do tội ác của chế độ Khmer Đỏ đã được Việt Nam công bố trên trường quốc tế và Thái Lan thấy rõ hậu quả của việc rò rỉ thông tin.

Đầu tháng 2 năm 1984, tàn quân Khmer Đỏ với sự giúp đỡ của các thế lực bên ngoài đã lập được một số đơn vị đến cấp sư đoàn và các căn cứ hậu cần mới tại nhiều khu vực xung quanh Biển Hồ với ý định cố thủ lâu dài và mở rộng hoạt động tấn công vào các thị xã Battambang, Siêm Reap, Kampong Thom, đánh vào các vị trí đóng quân của lực lượng vũ trang Cam-pu-chia.

Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội Campuchia mở chiến dịch bao vây tiêu diệt tàn quân địch và củng cố chính quyền ở vùng Tây Bắc Cam-pu-chia. Các máy bay trực thăng Mi-8 tham gia yểm trợ lực lượng bộ binh tiến hành các hoạt động truy quét các nhóm quân Khmer Đỏ.

Máy bay trực thăng Mi-8 của không quân Việt Nam
Máy bay vận tải An- 26 không quân Việt Nam, trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước Campuchia đã từng là máy bay ném bom gây khiếp đảm cho lực lượng diệt chủng Khmer Đỏ

Tháng 03.1984, Quân tình nguyện Việt Nam tiến hành chiến dịch truy quét tàn quân Khmer Đỏ trên hướng Đông đánh vào Kaoh Nheak thuộc tỉnh Mondulkiri Campuchia ngày nay, lần đầu tiên lực lượng không quân Việt Nam sử dụng máy bay An-26 làm nhiệm vụ không kích ném bom tiêu diệt mục tiêu, lực lượng máy bay U-17 trinh sát dẫn đường và Mi-8 thực hiện nhiệm vụ đổ bộ đường không. Chiến dịch không kích và đổ bộ đường không thắng lợi, tiêu diệt hoàn toàn căn cứ của Khmer Đỏ trong khu vực rừng núi này.  

Cuối tháng 3.1984 lực lượng quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia quyết định chấm dứt sự tồn tại những trại Khmer Đỏ trong khu vực rừng núi dọc theo biên giới Campuchia – Thái Lan. Các trận chiến diễn ra ác liệt, lực lượng Pol Pot kêu gọi sự yểm trợ từ phía Thái Lan, chi viện hỏa lực pháo binh và không quân. Nhưng quân tình nguyện Việt Nam chuẩn bị tốt cho những khách không mời, ngày 14.04.1984, một chiếc trinh sát hạng nhẹ O-1 bị bắn hạ, ngày hôm sau, không quân Thái Lan mất thêm một A-37.

Trực thăng chiến đấu tấn công với uy lực kinh hoàng Mi-24A Việt Nam

Đến cuối tháng 10.1984, 7 tổ bay trực thăng vũ trang Mi-24A của Trung đoàn 916 được chuyển từ Hòa Lạc vào Tân Sơn Nhất tham gia chiến đấu truy quét tiêu diệt lực lượng Khmer đỏ. Ngày 28.22.1984, hai máy bay trực thăng Mi-24 đánh thắng trận đầu trên Biển Hồ, tiêu diệt một số lượng lớn các tay súng Khmer Đỏ thuộc sư đoàn tàn binh 980.

Sau đó, ngày 05.12.1984, lực lượng Mi-24 tiếp tục tham gia đánh chi viện cho quân đội Campuchia và Việt Nam đánh truy quét trên vùng biên giới Tây Bắc Campuchia, được máy bay U-17 chỉ thị mục tiêu, Mi-24 phát huy hỏa lực dữ dội tiêu diệt địch, đạt hiệu suất chiến đấu rất cao và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Từ đó cho đến khi QĐND Việt Nam rút quân về nước, đội hình máy bay yểm trợ, chi viện hỏa lực cho bộ binh trên chiến trường biên giới Campuchia chủ yếu là An- 26, Mi-8, Mi-24, U-17

Tháng 01.1985, chiến dịch truy quét lực lượng Khmer Đỏ lan sang cả biên giới Thái Lan, những cuộc va chạm đường không hầu như không có thông tin. Nhưng Phương Tây cho rằng trong các trận đánh, không quân Thái Lan sử dụng F-5E đã phải đối đầu với MiG.

Có lẽ kết quả các vụ đối đầu đó khiến Thái Lan hoảng hốt, Bangkok khẩn cấp đặt hàng mua thêm 12 chiếc F-16, hợp đồng được ký vào tháng 3.1985, tất cả các máy bay này về đến Thái Lan năm 1988.

Đến tháng 01.1985, Quân đội Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam cơ bản đã kiểm soát hoàn toàn tuyến biên giới giữa Thái Lan với các khu vực Campuchia, không quân Thái Lan cũng không ít lần có ý đồ không kích quân đội Việt Nam, nhưng đều không thành công do lực lượng phòng không chiến trường Việt Nam quá dày dạn kinh nghiệm. Ngày 08.01.1985, phòng không Việt Nam sử dụng Strela -2 bắn hạ thêm một А-37.

MiG 21 của quân đội Campuchia, trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tập trung tại căn cứ không quân "Pochetong".

Nhưng không quân Thái Lan cũng không vì thế mà dừng các cuộc xâm nhập vào không phận Campuchia với nhiều ý đồ khác nhau, chủ yếu hướng vào mục đích ủng hộ Khmer Đỏ. Tháng 1.1987, chính quyền Campuchia tuyên bố: chỉ trong 1 tháng, không quân Thái Lan không dưới 33 lần xâm phạm không phận Campuchia, các máy bay thực hiện những phi vụ này là  UH-1, L-19, А-37 và F-5.

Không phận Campuchia đã có thời điểm rơi vào khoảng thời gian nguy hiểm khi Khmer Đỏ được phía Thái Lan cung cấp các tên lửa vác Strela -2 “chợ đen”, bản copy không có giấy phép của Trung Quốc. Theo truyền thông phương Tây, một chiếc Mi-8 đã bị bắn hạ bởi tên lửa này, nhưng do giá thành quá cao, chất lượng vũ khí thấp và khả năng huấn luyện khai thác sử dụng còn non kém, đại đa số các chiến binh Khmer Đỏ thậm chí không biết chữ, do đó Strela-2 không được phổ biến rộng rãi.  

Song song với nhiệm vụ phối hợp cùng quân đội Campuchia truy quét lực lượng Khmer Đỏ, bình thường hóa tình hình đất nước. Việt Nam đẩy mạnh xây dựng quân đội Campuchia mới, trong đó có lực lượng không quân. Phối hợp với Liên Xô, Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao để ổn định tình hình Campuchia trên trường thế giới.

Điểm then chốt trong kế hoạch này là chế độ Hoàng gia và Việt Nam đã cố gắng bằng mọi biện pháp mời Hoàng thân Sihanouk quay trở lại lãnh đạo đất nước, đây cũng là một biểu tượng nhằm làm dịu đi tình hình xung đột và là một giải pháp thỏa hiệp với các lực lượng Campuchia, tiêu diệt ảnh hưởng của lực lượng Khmer Đỏ. Thái tử Norodom Sihanouk đồng ý trở về lãnh đạo Campuchia.

Năm 1989, các lực lượng tình nguyện Việt Nam bắt đầu rút khỏi Campuchia, gánh nặng cuộc chiến truy quét lực lượng diệt chủng Khmer Đỏ được giao lại cho quân đội Campuchia. Nhận thấy sự thua sút của quân đội chính quyền Phnom Penh, những tay súng áo đen vào năm 1990 lại tập trung lực lượng, tiến hành các cuộc tấn công lớn nhằm giành chính quyền. Rất nhanh chóng, Khmer Đỏ chiếm được vùng Tây Bắc đất nước và đánh về phía Nam, hướng thủ đô Phnom Penh.

Năm 1991, dưới sức ép của Liên Hiệp Quốc, hai bên đã ký một thỏa thuận ngừng bắn, dựa trên sự bảo đảm của hoàng thái tử Norodom Sihanouk, đã trở về nước và theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, ông trở thành vị vua sau chiến tranh của Vương quốc Campuchia.

Nhưng thỏa thuận ngừng bắn chỉ kéo dài một tháng, ngay sau đó Khmer Đỏ lại tập trung lực lượng và tổ chức tấn công. Theo yêu cầu của chính quyền Vương quốc Campuchia, một lực lượng gìn giữ hòa bình có 28.000 quân nhân từ các nước Úc, Áo, Canada, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Pakistan và Thụy Điển.

Toàn bộ đội quân gìn giữ hòa bình này được triển khai bằng máy bay vận tải, điều động từ nhiều nước khác nhau bao gồm cả Liên Xô. Tại Campuchia, Pháp hỗ trợ sáu máy bay trực thăng SA.330 Puma và một số Mi-17 và Mi-26 của Liên Xô.

Tháng 10.1991, theo thỏa thuận giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dây Khmer Đỏ, lực lượng Không quân Campuchia do quân đội Việt Nam xây dựng bị giải tán. Lúc đó trong biên chế có khoảng 12 chiếc MiG-21, 12 Mi-8, 2 chiếc máy bay vận tải Tu-134, 1 chiếc AN-12 và 3 chiếc AN-24. "MiG" được bảo quản tại căn cứ không quân Pochentong và do binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ canh giữ. Máy bay vận tải và trực thăng được bàn giao cho hãng hàng không Kampuchea Airlines.

Dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình, tháng 5.1993, ở Campuchia tiến hành các cuộc bầu cử tự do dân chủ đầu tiên, nhưng lực lượng Khmer Đỏ tẩy chay cuộc bầu cử, khoảng 3 nghìn tay súng Pol Pot có vũ trang đã đi vào rừng, tiếp tục tiến hành cuộc chiến.

Từ các vị trí ẩn nấp, các nhóm chiến binh Khmer Đỏ tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình. 05.11.1993, Khmer Đỏ bắn hạ một chiếc Mi-17 của UN. Phi hành đoàn 3 người Nga và hành khách là các quân nhân Ấn Độ, Pakistan không bị thương tích do máy bay kịp thời hạ cánh khẩn cấp.

Sau bầu cử, cuối năm 1993, Campuchia lại thành lập lại lực lượng không quân, mang tên Không quân Hoàng gia Campuchia. Các biểu tượng cũ, logo được sử dụng lại. Tư lệnh trưởng lực lượng Không quân Campuchia là Norodom Vaswani, từng phục vụ trong Không quân dưới quyền cai trị của Sihanouk và Lon Nol – giai đoạn 1970-1975.  

Máy bay trực thăng của Nga tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Campuchia, Phnom Penh, 1992

Không có cơ sở vật chất và một đất nước bị tàn phá hoàn toàn đã khiến lực lượng Không quân Campuchia hầu như không có bất cứ khả năng gì. Trong đội hình của lực lượng chỉ còn có 5 chiếc MiG 21 và một số máy bay trực thăng.

Với một sức mạnh quân sự như vậy, lực lượng quân đội chính quyền Campuchia sẽ phải tiến hành một cuộc chiến kéo dài không lối thoát với lực lượng Khmer Đỏ. Tháng 4.1994, quân đội Campuchia tiến hành chiến dịch với mục đích đánh chiếm thủ đô của lực lượng Pol Pot, thành phố Pailin. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, trên bầu trời Campuchia xuất hiện lại MiG-21, trong vai trò trinh sát đường không.

Quân đội Campuchia đánh chiếm được Pailin trong một trận đánh nhanh chóng, nhưng ngay sau đó, Khmer Đỏ sử dụng các xe tăng T-59 của Trung Quốc, được giấu kỹ trong rừng sâu tránh bị quân đội Việt Nam phát hiện, tấn công đánh chiếm lại Pailin. Tháng 5.1994, quân đội Campuchia, tập trung khoảng 7.000 quân, một lần nữa tấn công đánh chiếm Pailin nhưng không thành công.

Trước những thực tế rõ ràng của tội diệt chủng, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác cũng không còn có thể quay mặt làm ngơ. Vào khoảng giữa năm 1994, các cố vấn quân sự Úc và Indonesia bắt đầu giúp đỡ xây dựng lại quân đội Campuchia.  

Ba Lan và Cộng hòa Séc cung cấp cho Campuchia một số lượng lớn xe tăng T-55 và xe bọc thép, Slovakia và Ukraine cung cấp 4 máy bay trực thăng Mi-17. Viện trợ cũng đến từ các nước phương Tây: Pháp giao 2 máy bay trực thăng AS.350, 1 chiếc SA.365 và 1 chiếc TV-20, Ý viện trợ 1 chiếc vận tải chở khách "Fokker” F.28, Britten-Norman BN-2 Islander và một vài máy bay cánh quạt hạng nhẹ khác.

Trung Quốc không đứng ngoài cuộc, hoàn toàn quên chính quyền Pol Pot và cung cấp cho chính phủ Campuchia 2 chiếc máy bay vận tải Y-12. Indonesia đào tạo 225 binh sĩ đổ bộ đường không, Israel nâng cấp 6 chiếc L-39 "Albatros". Đồng thời Israel cũng tham gia hiện đại hóa "MiG" thu được từ Khmer Đỏ.

Năm 1996, quân đội Campuchia bắt đầu chiến dịch mới chống lực lượng Khmer Đỏ. Các hoạt động tấn công mặt đất được sự yểm trợ của Mi – 17 trong vai trò yểm trợ hỏa lực đường không và 3 chiếc BN-2 Islander vận tải. Các máy bay MiG -21 không hoạt động do không có phụ tùng thay thế và không có phi công.

May mắn cho quân đội Campuchia là lực lượng Khmer Đỏ không còn như trước đây, các chiến binh vì lý tưởng chỉ còn lại với số lượng rất ít, các tay súng sau này hầu hết là những tên tội phạm.

 Máy bay trực thăng khổng lồ Mi-26 - máy bay trực thăng cánh quạt lớn nhất của Không quân Campuchia.

Khoảng tháng tháng 6.1997, trong hàng ngũ Khmer Đỏ lại diễn ra cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo do Pol Pot bị bệnh rất nặng. Ngày 15.04.1998, cựu độc tài diệt chủng người dân Campuchia chết, lực lượng Khmer Đỏ tan rã thành các băng nhóm tội phạm cướp bóc.

Tháng 5.1998 quân đội chính quyền Campuchia, được xây dựng lại dưới sự giúp đỡ của các nhóm cố vấn nước ngoài, tiêu diệt hoàn toàn các căn cứ cuối cùng của Khmer Đỏ. Cuộc chiến chống chủ nghĩa diệt chủng ở Campuchia kết thúc.

Xem lại: Việt Nam tiêu diệt Khmer Đỏ, không quân xuất trận trút bão lửa

 TTB