CTCP Phúc Long Vân (Phúc Long Vân) mới đây đã công bố thông tin, trong đó tiết lộ về khoản lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 9,57 tỷ đồng trong năm 2019.
Tính đến cuối năm ngoái, quy mô vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này ở mức 217,3 tỷ đồng, trong khi vốn nợ phải trả lên tới 1.503 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong số nợ phải trả là 1.350 tỷ đồng trái phiếu phát hành ngày 12/7/2019, có kỳ hạn 48 tháng.
Như VietTimes từng đề cập, lô trái phiếu này có mức lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên ở mức 11,75%/năm.
Chỉ vài ngày trước thời điểm phát hành, Phúc Long Vân đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản và lợi ích phát sinh liên quan tới Dự án đầu tư Khu dân cư Phúc Long Vân tại Xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) - Chi nhánh Gia Định.
Thành lập từ tháng 2/2015, Phúc Long Vân là thành viên của Phúc Khang Group - tập đoàn địa ốc được gây dựng bởi vợ chồng doanh nhân Trần Tam (SN 1974) - Lưu Thị Thanh Mẫn (SN 1978).
Phúc Khang Group đã ghi dấu tại thị trường địa ốc với loạt dự án như: EcoSun (Đồng Nai), Eco Village (Long An), Eco Town (Hóc Môn, TP.HCM), Diamond Lotus Riverside (Quận 8; Tp. HCM), Diamond Lotus Lakeview (Quận 11, Tp. HCM), Rome by Diamond Lotus (trung tâm Thủ Thiêm, Quận 2, TP HCM); và Dự án Làng Sen Việt Nam tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, có quy mô hơn 65 ha.
Nhiều năm phát triển bất động sản, việc thu xếp dòng vốn trái phiếu gấp 6,2 lần vốn chủ sở hữu cho Phúc Long Vân của vợ chồng doanh nhân 7x có lẽ cũng không quá khó khăn.
Được biết, tại Phúc Long Vân, ông Trần Tam và bà Lưu Thị Thanh Mẫn trực tiếp đứng tên sở hữu 10,25 triệu cổ phần, trong khi 12,25 triệu cổ phần khác do CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) sở hữu.
Toàn bộ số cổ phần Phúc Long Vân mà VietTimes đề cập đã được thế chấp vào PVComBank - Chi nhánh Gia Định. Động thái này, nhiều khả năng chính là nhằm thực hiện biện pháp bảo đảm cho thương vụ phát hành trái phiếu quy mô 1.350 tỷ đồng của Phúc Long Vân.
Chỉ có điều, khoản lỗ của Phúc Long Vân trong năm 2019 gây ra những băn khoăn nhất định về tình hình tài chính của chủ đầu tư dự án cùng tên tại Long An.
Bên cạnh thương vụ trái phiếu của Phúc Long Vân, tham vọng địa ốc của Phúc Khang Group còn được thể hiện từ việc hồi sinh tổ hợp bất động sản Riverside Apartment tại 49C Lê Quang Kim, Tp. HCM (nay được biết đến với tên gọi Diamond Lotus Riverside).
Ông Trần Tam - Chủ tịch Phuc Khang Corporation (Nguồn: PKC)
|
Diamond Lotus Riverside
Năm 2009, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) hợp tác cùng với Công ty TNHH Giải pháp Kiến trúc Xây dựng Ánh Sáng Chung (Ánh Sáng Chung) nhằm phát triển dự án dân cư tại số 49C Lê Quang Kim, Quận 8, Tp. HCM.
Dự án ban đầu có tên gọi Riverside Apartment, bao gồm 3 tháp căn hộ 22 tầng, với 2 block chung cư thương mại và 1 block chung cư tái định cư. Mỗi block chung cư thương mại gồm 3 tầng thương mại, 19 tầng căn hộ và block chung cư tái định cư gồm 2 tầng thương mại, 20 tầng căn hộ nhằm phục vụ cho yêu cầu tái định cư cho các dự án trên địa bàn Quận 8.
Tới tháng 6/2011, doanh nghiệp dự án được thành lập với tên gọi CTCP Đầu tư Nông nghiệp ASC Sài Gòn (ASC Sài Gòn).
Theo điều lệ thành lập, ASC Sài Gòn có quy mô vốn điều lệ 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Sagri (góp 30 tỷ đồng, sở hữu 15%); Ánh Sáng Chung (góp 100 tỷ đồng, sở hữu 50%) và bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết (góp 70 tỷ đồng, sở hữu 35%).
Đáng chú ý, bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết cũng là một trong những cổ đông sáng lập của công ty Ánh Sáng Chung.
Nhóm cổ đông tư nhân dường như không muốn gắn bó quá lâu cùng với Sagri tại dự án kể trên.
Bởi lẽ, báo cáo tài chính kiểm toán của ASC Sài Gòn các năm 2013 và 2014 cho thấy CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD4 (Mã CK: HU4) đã trở thành cổ đông nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 51%. Ở chiều hướng ngược lại, nhóm cổ đông Ánh Sáng Chung giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 32%. Sagri vẫn giữ nguyên tỷ lệ góp vốn 15%.
Năm 2015, HU4 cũng triệt thoái vốn khỏi dự án Riverside Apartment. Cụ thể, doanh nghiệp này tự nguyện "trả lại" số cổ phần tại ASC Sài Gòn cho Ánh Sáng Chung và bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết căn cứ theo biên bản thỏa thuận ngày 17/8/2015 và biên bản họp đại hội đồng cổ đông ngày 18/8/2015.
Sau khi HU4 thoái lui, cơ cấu sở hữu của ASC Sài Gòn trở lại nguyên trạng ban đầu: Ánh Sáng Chung (50%); bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết (35%) và Sagri (15%). Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2015, Ánh Sáng Chung và bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết còn góp thiếu 6,17 tỷ đồng tiền vốn.
Không lâu sau khi HU4 thoái vốn, ngày 1/9/2015, ông Trần Tam và một cá nhân có liên hệ là bà Lưu Thị Bình Dân đã nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn của nhóm cổ đông cũ tại Ánh Sáng Chung, qua đó sở hữu 50% vốn ASC Sài Gòn. Bên cạnh đó, ông Tam còn mua lại 35% phần vốn tại ASC Sài Gòn của bà Huỳnh Thị Ánh Tuyết.
Tới năm 2016, tới lượt Sagri muốn “dứt tình” tại ASC Sài Gòn với việc bán đấu giá toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ với mức giá khởi điểm là 111.110 đồng/cổ phần. Khi đó, ông Trần Tam đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT, còn nhóm Phúc Khang Group nắm giữ tới 85% cổ phần của ASC Sài Gòn.
Sẽ không quá bất ngờ khi nhà đầu tư cá nhân duy nhất trúng đấu giá toàn bộ cổ phần của Sagri cũng là người của Phúc Khang Group. Còn dự án Riverside Apartment tại 49C Lê Quang Kim (Tp. HCM) được biết đến với tên gọi mới là Diamond Lotus Riverside.
Ở một diễn biến khác, dữ liệu của VietTimes cho thấy, tới đầu năm 2019, ông Trần Tam đã ký quyết định giải thể công ty Ánh Sáng Chung với lý do doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả.
Thêm nữa, tại ngày giải thể doanh nghiệp, Ánh Sáng Chung không có tài sản và không sử dụng người lao động./.